Nhiều đặc điểm trong cơ thể chúng ta đã có từ hàng nghìn, thậm chí hàng triệu năm trước. Ảnh: New Scientist. |
Đôi khi, chúng ta tự hỏi vì sao chúng ta lại có quan hệ huyết thống với một số người dường như không có điểm chung nào. Tuy nhiên, về mặt tiến hóa, tất cả chúng ta đều có chung tổ tiên. Điều này có nghĩa là nhiều đặc điểm trong cơ thể chúng ta đã có từ hàng nghìn, thậm chí hàng triệu năm trước.
Trong sinh học, thuật ngữ "tương đồng" liên quan đến sự giống nhau của một cấu trúc dựa trên nguồn gốc một tổ tiên chung. Các bộ phận như bàn tay con người, cánh dơi, chân chèo của cá voi đều có chức năng chuyên biệt, nhưng về kết cấu vẫn có điểm tương đồng.
Điều này khác với cấu trúc “tương tự", chẳng hạn cánh ở côn trùng và chim. Mặc dù chúng có chức năng tương tự nhau, cánh của chuồn chuồn và cánh của vẹt phát sinh độc lập và không có chung nguồn gốc tiến hóa.
Science Alert chỉ ra 5 ví dụ về những đặc điểm tiền sử vẫn còn tồn tại trên cơ thể người hiện nay.
Đi bằng 2 chân
Điều gì làm nên con người chúng ta? Câu hỏi này đã làm đau đầu các nhà khoa học và học giả trong nhiều thế kỷ. Ngày nay, có thể dễ dàng phân biệt đâu là con người, nhưng nhìn qua hồ sơ hóa thạch, mọi thứ trở nên kém rõ ràng hơn.
Nhiều câu hỏi được đặt ra, liệu người hiện đại về mặt giải phẫu bắt nguồn ở châu Phi cách đây khoảng 300.000 năm và tiến hóa từ tổ tiên Homo Sapien, hay từ 3,8 triệu năm trước và có tên Australopithecus anamensis.
Việc xác định sự ra đời của loài người có nhiều hướng. Tuy nhiên, điều chắc chắn là hành động đi lại bằng 2 chân là một trong những bước tiến vĩ đại nhất của loài người.
Hầu như mọi bộ phận trong bộ xương của chúng ta đều bị ảnh hưởng bởi việc tiến hóa đi bằng 4 chân sang đi bằng 2 chân. Sự tiến hóa này bao gồm sự liên kết và kích thước của xương bàn chân, xương hông, đầu gối, chân và cột sống.
Từ các hộp sọ hóa thạch, các nhà khoa học cũng phát hiện kích thước não người tăng nhanh chóng kể từ khi bắt đầu đi thẳng đứng. Điều này đòi hỏi những thay đổi ở xương chậu, cho phép những đứa trẻ có bộ não lớn hơn được sinh ra.
Xương chậu mở rộng là một đặc điểm tương đồng với một số dòng dõi của người hóa thạch sơ khai cũng như người hiện đại.
Lỗ hổng trong hộp sọ
Ngoài nhãn cầu, bạn có thể ngạc nhiên khi biết con người có những lỗ hổng khác trong hộp sọ.
Theo Ancient Origins, hộp sọ tiền sử kỳ lạ được phát hiện trong một hang động đá vôi ở Kabwe, Zambia - được xác định có niên đại từ 125.000 đến 300.000 năm - có các đặc điểm của người Homo sapiens.
Điều đặc biệt, các nhà khảo cổ học phát hiện ra một lỗ nhỏ hình tròn trên hộp sọ đó. Lỗ hổng duy nhất này được gọi là lỗ hổng synap - chỉ vòm xương được tìm thấy bên dưới lỗ mở trong hộp sọ phía sau mỗi mắt.
Ngày nay, tất cả loài động vật có vú, bao gồm cả con người, đều có lỗ hổng synap trong khi loài bò sát và chim không có.
Chi 5 ngón mới xuất hiện giúp con người chịu trọng lượng khi sống trên đất liền. Ảnh: MHS. |
Chi 5 ngón
Chi 5 ngón được tìm thấy ở hầu hết loài lưỡng cư, bò sát, chim và động vật có vú. Tuy nhiên, cá không có ngón tay và ngón chân, vậy các ngón tay đầu tiên phát hiện khi nào?
Theo Science Alert, các nhà nghiên cứu phát hiện hóa thạch của một loài cá có nhiều ngón ở vây sống ở cuối kỷ Devon. Con cá dài 1,5 m được tìm thấy ở Miguasha, Quebec, năm 1938. Nó thuộc loài Elpistostege watsoni, động vật săn mồi lớn nhất thống trị môi trường nước nông và vùng cửa sông ở Quebec 380 triệu năm trước.
Ảnh chụp cắt lớp bộ xương bằng máy vi tính hé lộ loài cá này có ít nhất hai ngón giống ngón tay và có thể còn sở hữu thêm ba ngón nữa.
Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy phần cánh tay, khuỷu tay, cẳng tay và cổ tay gắn liền với các ngón. Tất cả được bao phủ bởi tia vây.
Trong khi đó, các động vật 4 chân xuất hiện sớm nhất đôi khi được tìm thấy với chi có 6,7 hoặc 8 ngón. Những động vật bốn chân đầu tiên này có khả năng vẫn còn sống trong nước.
Mãi cho đến khi động vật 4 chân thực sự sống trên cạn thì chi 5 ngón mới xuất hiện, giúp con người chịu trọng lượng khi sống trên đất liền.
Chân răng dài
Năm 2022, các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc phát hiện ra một số bộ phận còn sót lại của một con cá trông giống cá mập 439 triệu năm tuổi. Đây được coi là động vật có xương sống có hàm lâu đời nhất từng được phát hiện, đánh dấu một bước quan trọng trong quá trình tiến hóa "từ cá thành người".
Răng ở loài cá trên cũng có một số đặc điểm được tìm thấy ở các loài động vật có xương hàm hiện đại khác. Điều này chỉ ra nhiều cơ quan và cấu trúc cơ thể của con người rất có khả năng bắt nguồn từ lịch sử tiến hóa ban đầu của loài động vật này.
Xương sống
Đầu tiên, những động vật giống giun tiến hóa một "dây sống" - một thanh làm bằng sụn chạy dọc phía sau cơ thể. Điều này cho phép gắn các khối cơ phân đoạn và một cái đuôi dài. Loài động vật có dây sống lên đến 65.000 loài.
Tiếp đến, những loài có sọ não và dây sống tiến hóa thành xương sống ở người trưởng thành (động vật có xương sống).
Xương sống được xây dựng từ các xương (đốt sống) được phân đoạn riêng lẻ, khớp với nhau theo một mô hình lồng vào nhau. Một số hóa thạch chứng minh cho điều này có thể kể đến Metaspriggina ở Canada, hoặc Haikouichthys ở Trung Quốc.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.