Thỏa thuận mới giữa ông Biden và ông McCarthy về trần nợ công mang nhiều tín hiệu khả quan. Dù vậy, thỏa thuận vẫn có thể vấp phải nhiều phiếu chống ở lưỡng viện khi nhiều yêu sách của cả hai đảng vẫn chưa được thỏa mãn, theo Washington Post.
Nhiều đảng viên Cộng hòa bảo thủ đã phản đối thỏa thuận, cho rằng nó không cắt giảm đủ chi tiêu liên bang. Trong khi đó, các đảng viên Dân chủ lo ngại chính phủ Mỹ sẽ phải hy sinh ngân sách đối với các ưu tiên chính.
Dựa trên các điều khoản đã thống nhất, các nghị sĩ Hạ viện Mỹ đang gấp rút soạn thảo dự luật mới. Các chi tiết cụ thể của dự luật vẫn chưa rõ ràng, dù các nhà lập pháp hai đảng bắt đầu xác nhận các chi tiết chính.
Thỏa thuận này mang lại thành tựu cho cả ông Biden và ông McCarthy. Chỉ vài ngày trước, sự thành công này dường như không tưởng.
Thỏa thuận đã giải thoát cho Tổng thống Biden, dù là tạm thời, khỏi cơn đau đầu trần nợ, đồng thời ngăn chặn một phần yêu cầu của đảng Cộng hòa về cắt giảm mạnh chi tiêu trong nước. Ngược lại, ông McCarthy đảm bảo chính quyền Mỹ sẽ cắt giảm chi tiêu liên bang và tăng cường kiểm soát đối với những chương trình viện trợ liên bang.
Tăng trần nợ sau cuộc bầu cử năm 2024
Đối với ông Biden, mặt tích cực của thỏa thuận là ông sẽ không phải đối phó với vấn đề trần nợ một lần nữa cho đến sau chiến dịch tranh cử tiếp theo. Thỏa thuận về trần nợ sẽ cho phép chính quyền Mỹ tự do vay tới năm 2025, trước khi một đợt nâng trần nợ công nữa cần được Quốc hội Mỹ thông qua.
Đây là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Mỹ nhằm vượt qua cơn ác mộng trần nợ vấp phải nhiều chỉ trích, ngay cả trong số đảng viên Dân chủ.
Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy nói về trần nợ tại Điện Capitol. Ảnh: Reuters. |
Chính quyền ông Biden không hài lòng với việc Quốc hội Mỹ sử dụng chiến lược “bên miệng hố chiến tranh” về trần nợ trong nhiều tháng. Chính phủ Mỹ tin rằng ông McCarthy giữ nền kinh tế đất nước làm con tin để thúc đẩy những chính sách bảo thủ.
Nếu thỏa thuận được thông qua, đảng Cộng hòa sẽ không thể tạo áp lực về trần nợ cho đến nhiệm kỳ Hạ viện tiếp theo. Đảng Dân chủ sẽ cố gắng giành lại quyền kiểm soát Hạ viện vào năm 2024.
Nhưng nếu đảng Dân chủ thất bại và ông Biden tái đắc cử tổng thống, nước Mỹ có thể phải đối mặt với một bế tắc tương tự vào năm 2025.
Phần lớn giữ nguyên tổng tài trợ trong nước
Điểm vướng mắc lớn nhất trong các cuộc đàm phán giữa hai bên là mức tài trợ ngân sách cho hàng trăm chương trình liên bang, như nghiên cứu khoa học, tiền thuê nhà và hỗ trợ dinh dưỡng.
Ông McCarthy thúc đẩy cắt giảm đáng kể các chương trình này, bởi ông muốn giảm chi tiêu liên bang trong khi tăng tài trợ cho quân sự và cựu chiến binh. Các chương trình bắt buộc như bảo hiểm y tế Medicare và an sinh xã hội không bị ảnh hưởng.
Cuối cùng, Nhà Trắng đồng ý cắt giảm ngân sách đối với một số chương trình liên bang. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ mong muốn một chương trình sẽ được cắt giảm bằng cách chuyển hướng tiền sang lĩnh vực khác. Theo thỏa thuận, chi tiêu cho các chương trình liên bang sẽ tăng 1% vào năm 2025.
Chính quyền Mỹ có thể phải cắt giảm 8-12% các chương trình tài trợ. Điều này sẽ làm suy yếu các chương trình quan trọng và khiến Nhà Trắng mất điểm trong mắt các nghị sĩ Dân chủ.
Điều chỉnh hỗ trợ cho Sở Thuế vụ Mỹ
Chính quyền Biden phải chấp nhận cắt giảm một phần trong khoản hỗ trợ 80 tỷ USD được phê duyệt vào năm 2022 để mở rộng Sở Thuế vụ (IRS). Khoản tiền 80 tỷ USD đi kèm với Đạo luật Giảm lạm phát đặc trưng của ông Biden, nhằm giúp chi trả cho chi tiêu cho khí hậu và chăm sóc sức khỏe.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ cho biết việc mở rộng và tăng cường IRS sẽ giúp nước này thu thêm 240 tỷ USD. IRS cho biết họ có kế hoạch tăng lãi suất trở lại mức năm 2011 chỉ đối với những người Mỹ có thu nhập cao.
Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì cuộc đàm phán với Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy tại Phòng Bầu dục. Ảnh: Reuters. |
Nhưng nhiều đảng viên Cộng hòa bảo thủ cho rằng biện pháp này sẽ làm gia tăng thêm hàng chục nghìn kiểm toán viên thuế, nhắm mục tiêu vào những người Mỹ có thu nhập trung bình và thấp hơn với tỷ lệ cao hơn.
Việc hạn chế việc IRS mở rộng mang lại cho ông McCarthy một lợi thế, giúp ông nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ hơn tại Hạ viện. Dù vậy, thỏa thuận vẫn chưa thể làm hài lòng các đảng viên Cộng hòa vì chưa làm giảm quá nhiều tài trợ đối với IRS. Nó cũng làm phật lòng những đảng viên Dân chủ khi họ cho rằng IRS cần tài trợ để cải thiện việc thu thuế và dịch vụ khách hàng.
Tăng nhẹ chi tiêu quốc phòng và cựu chiến binh
Thỏa thuận này cũng đáp ứng yêu cầu ngân sách của ông Biden nhằm tăng chi tiêu cho các vấn đề quân sự và cựu chiến binh.
Các khoản chi tiêu quốc phòng trong năm 2024 sẽ tăng 3,3%, đồng nghĩa với yêu cầu ngân sách quốc phòng của ông Biden vẫn được giữ nguyên.
Nhà Trắng ban đầu đề xuất đóng băng chi tiêu cho các chương trình quốc phòng để đáp ứng yêu cầu của đảng Cộng hòa về việc hạn chế chi tiêu nói chung. Nhưng các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện đã bác bỏ đề xuất đó.
Các nhà đàm phán cuối cùng đồng ý tăng nhẹ tài trợ, miễn cho các chương trình quốc phòng khỏi việc cắt giảm tài trợ theo điều chỉnh lạm phát.
Siết chặt yêu cầu chương trình liên bang
Một trong những biện pháp được hai bên thống nhất nhằm cắt giảm chi tiêu là siết chặt tiêu chuẩn nhận trợ cấp về thực phẩm và phúc lợi gia đình.
Đảng Cộng hòa luôn muốn thúc đẩy những thay đổi sâu rộng đối với các chương trình trợ cấp và bảo hiểm Medicaid. Tuy nhiên, thỏa thuận mới không bao gồm những biện pháp bổ sung cho Medicaid.
Thỏa thuận sẽ tăng độ tuổi nhận tem phiếu thực phẩm từ 50 lên 54, đồng thời giúp người vô gia cư và cựu chiến binh nhận trợ cấp dễ dàng hơn.
Ngoài ra, nhiều vấn đề đã bị gạt bỏ trong các cuộc đàm phán. Nhà Trắng đã đề xuất giải quyết những lỗ hổng thuế, lập luận rằng thỏa thuận nào muốn giảm thâm hụt thì phải bao gồm tăng doanh thu liên bang cũng như cắt giảm chi tiêu. Tuy nhiên, phía Cộng hòa đã loại trừ đề xuất này.
Tương tự, các đảng viên Cộng hòa đã đấu tranh để bãi bỏ khoản tín dụng thuế năng lượng sạch và ngăn chặn kế hoạch xóa nợ sinh viên. Chính quyền Biden phản đối mạnh mẽ những đề xuất trên.
Đọc để hiểu rõ hơn lịch sử nước Mỹ
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Lẽ thường" - cuốn sách của tác giả Thomas Paine được xuất bản lần đầu vào năm 1776 và đã có vai trò quan trọng trong thời kỳ lập quốc của Mỹ. Cho đến hôm nay, cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị lịch sử đối với những ai quan tâm đến lịch sử nước Mỹ.