1. Dành thời gian ở cạnh con: Một nghiên cứu năm 2016 của ĐH California (Mỹ) chỉ ra việc cha mẹ dành thời gian nuôi dưỡng trẻ trong những năm đầu đời giúp thúc đẩy sự phát triển đồi hải mã - vùng não liên quan việc học tập, ghi nhớ và điều chỉnh cảm xúc. Nghiên cứu của ĐH Northwestern (Mỹ) cũng cho thấy ngay từ những tháng mới chào đời, não bộ của trẻ hoạt động khi lắng nghe người khác nói chuyện. Vì thế, mỗi ngày, cha mẹ nên dành thời gian ở cạnh, cùng trò chuyện với con để thúc đẩy sự phát triển trí não. Ảnh: Family Services of Northeast Wisconsin. |
2. Hạn chế dùng thiết bị điện tử: Người lớn luôn đề cao việc hạn chế cho trẻ dùng đồ điện tử nhưng quên rằng chính họ cũng cần hạn chế điều này khi ở cạnh con cái. Sự phát triển của trẻ mang tính liên kết và bị ảnh hưởng không nhỏ bởi những hoạt động thường ngày của cha mẹ. Theo Atlantic, ngôn ngữ là chìa khóa giao tiếp và có lợi cho sự phát triển của não bộ trẻ nhỏ. Nếu muốn con dành nhiều thời gian để giao tiếp và theo đuổi các hoạt động trí tuệ, bạn nên dẫn dắt, làm gương bằng cách hạn chế dùng đồ điện tử khi ở cạnh con. Ảnh: University of California. |
3. Khuyến khích trẻ đối diện với thử thách: Môi trường sống và những thử thách ảnh hưởng không nhỏ đến cách trẻ tư duy và hình thành khả năng ứng phó. Nghiên cứu năm 1971 của ĐH Johns Hopkins (Mỹ) cho thấy những đứa trẻ thông minh thường gặp nhiều thử thách thú vị. Những thử thách này tác động tích cực đến khả năng tư duy và sự thành công trong tương lai. Vì thế, cha mẹ nên cho trẻ bước ra khỏi vùng an toàn, thử tham gia những hoạt động, thử thách mới lạ. Ảnh: Happy Families. |
4. Đọc sách cùng con: Một nghiên cứu năm 2017 tại hội nghị Pediatric Academic Societies chứng minh đọc sách cho trẻ trong giai đoạn sơ sinh (từ 6 tháng đến 4 tuổi) có thể nâng cao vốn từ vựng và kỹ năng đọc khi trẻ lên tiểu học. Cha mẹ nên hình thành thói quen đọc sách cùng con từ sớm. Khi trẻ lớn và bắt đầu hiểu hơn về nội dung cuốn sách, bạn có thể nâng cao hoạt động bằng cách đặt câu hỏi về nội dung liên quan để trẻ trả lời. Điều này giúp trẻ nâng cao khả năng ghi nhớ, tư duy và diễn đạt bằng lời nói. Ảnh: T-Online. |
5. Khuyến khích tư duy phản biện: Tư duy phản biện là một kỹ năng quan trọng giúp trẻ chuẩn bị cho những thách thức trong cuộc sống sau này. Những kỹ năng này không được dạy ở trường lớp mà hình thành qua những trải nghiệm thực tế. Nhà giáo dục Brian Oshiro khuyên cha mẹ nên khuyến khích con tư duy phản biện bằng cách đặt câu hỏi cho con và để con đặt câu hỏi. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên cho phép con nhìn nhận, tìm hiểu vấn đề dưới những góc nhìn và cách giải quyết khác nhau. Ảnh: Healthline. |