Mỗi món ăn, mỗi tên gọi đều mang một câu chuyện mà khi được nghe, bạn sẽ hiểu rằng vì sao những giá trị đó vẫn sống mãi, dẫu qua bao nhiêu năm thăng trầm trong lòng thành phố này.
1. Quán hủ tiếu Tu Ký
Quán ăn gốc người Hoa, tồn tại giữa lòng Sài Gòn hơn 60 năm, hiện ở tại số 36 Gò Công, phường 13, quận 5. Tên của quán có ý nghĩa riêng với cả gia đình rằng Tu được bắt nguồn từ họ Tô, Ký là ký ức, nghĩa là mong muốn những người khách đến đây ăn sẽ luôn nhớ tới quán, tới món hủ tiếu này.
Món hủ tiếu này là món ăn gia truyền được giữ gìn qua 3 thế hệ, chế biến với 30 gia vị. Chiếc máy xay gia vị cũng tồn tại gần 60 năm.
“Những thứ của mình, của gia đình mình thì nên gìn giữ. Ông mình, cha mình giữ được, chẳng lẽ tới mình lại bỏ sao?”, chủ quán tâm sự.
Quán hủ tiếu Tu Ký là quán ăn lâu đời, đã tồn tại qua 3 thế hệ. |
2. Quán canh bún Mẹ Tôi
Quán nằm ở 115/62 Lê Văn Sỹ (quận 3), đã tồn tại gần 30 năm, qua 2 thế hệ. Địa chỉ là vậy, nhưng khách kiếm được cũng không dễ.
Quán canh bún đã tồn tại gần 30 năm. |
Anh chủ quán chia sẻ trước đây người ta nấu canh bún hay tẩm màu đỏ cho cọng bún cho giống màu ghẹ cua, nhưng mẹ anh cứ để sợi bún nguyên chất vậy, để không độc hại. Nhiều người nhìn màu nhạt không thích, nhưng ăn rồi thấy ngon thì ghé hoài, thành khách quen.
3. Quán cháo lòng Cô Út
Điều ấn tượng đầu tiên khi bước đến quán là câu rao: "Cháo lòng cô ơi! Ai cháo lòng đi!". Ở Sài Gòn bây giờ, để nghe thấy tiếng rao bên gánh hàng ăn không phải là chuyện dễ dàng nhưng, Cô Út vẫn giữ điều đó, vì cô “quen miệng rồi”.
Cháo lòng ở 193 Cô Giang, quận 1 cũng bán được hơn 80 năm, từ đời ông truyền lại cho cô, từ khi chỉ là gánh hàng rong bên lề đường cho khi mở được quán xá đàng hoàng.
Cô Út vẫn có thói quen rao bán cháo như những quán bán hàng từ thời xưa. |
Nhìn gánh cháo cũ kỹ, tôi hiểu là đã được giữ gìn từ rất lâu rồi. Cô nói với tôi: "Gánh này có từ hồi xưa. Nó mà hư, đổi gánh mới cũng được, nhưng cô muốn giữ lại. Dù sao cũng từ xưa tới giờ, hồi đó gánh 2 bên mà yếu quá cắt một bên, giờ còn một bên nè con”.
4. Gánh chè Vĩnh Ký
Quán còn có tên là chè Lâm Vinh Mậu, nằm ở một góc nhỏ ở số 29C đường Nguyễn Thái Bình (quận 1) lúc nào cũng tấp nập khách, rộn tiếng nói tiếng cười. Xe chè được gọi bằng cái tên thân thuộc là Chè Tàu đêm.
Chủ quán bây giờ là cháu đời thứ 3 trong gia đình. Bác Sơn nay đã ngoài 50 tuổi. Tới quán, bạn có thể thấy bác chăm từng cái chén, cái muỗng, cẩn thận và điêu luyện trong cách chọn nguyên liệu còn thể hiện cả cái tình mà bác gửi vào đó.
Quán chè Vĩnh Ký của bác Sơn vẫn luôn tấp nập cho dù nằm trong một góc nhỏ. |
Khi tôi hỏi bác vì sao lại chọn nghề bán chè mà không chọn nghề nào nhẹ nhàng, nhanh giàu hơn, bác vui vẻ đáp: "Ai cũng muốn giàu, nhưng ông trời cho mỗi người một nghề mới kết hợp được với nhau. Ai cũng muốn giàu, ai nghèo bây giờ?".
Điều thú vị ở xe chè đêm này là có bếp lửa đặt cạnh, khách muốn ăn nóng hay ăn lạnh tùy khẩu vị. Tôi thấy trong đó ngọn lửa của truyền thống, của tình yêu nghề cháy âm ỉ trong lòng bác Sơn.
5. Bún bò gánh
Quán bún bò gánh nằm ở 110 Lý Chính Thắng, quận 3, tồn tại hơn 30 năm và chuyên bán những món đặc sản Huế: bún bò, các loại bánh Huế, chè nóng - lạnh…
Không gian ở đây thoáng mát, đồ ăn ngon mà giá cả phải chăng nên lúc nào cũng đông khách. Theo những người làm ở đây, quán cũng phát triển mở rộng so với hồi mới mở, và lượng khách ngày càng đông, gắn bó lâu dài với quán.
Quán bún bò gánh có nhiều lựa chọn đa dạng với giá cả phải chăng. |