Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

5 giọng nữ cao xuất sắc của nhạc nhẹ Việt

Đều là những giọng nữ cao xuất sắc của nền nhạc nhẹ Việt Nam đương đại, ai trong số họ xứng đáng với chữ ‘nhất’?

Thu Minh

Nhắc tới giọng nữ cao hàng đầu Việt Nam hiện nay, cái tên khiến người ta chú ý nhất luôn là Thu Minh, vì tên tuổi của cô đã trở thành đẳng cấp riêng trong loại giọng này.

Thu Minh là giọng nữ cao hiếm hoi ở Việt Nam sở hữu quãng giọng rộng, trải dài tới gần 4 quãng 8 và hát thoải mái trong hơn 2 quãng 8. Sở trường của cô là những quãng belt (hát giọng pha) cao vút, đầy uy lực và khỏe khoắn, căng tràn. Rất ít giọng nữ cao ở Việt Nam hiện nay có thể belt tới nốt Sol (G5) một cách thoải mái, thậm chí là tới tận nốt La (A5), nốt Si (B5), vốn là những nốt cực k cao trong quãng giọng thật của ca sĩ.

Không những vậy, Thu Minh còn có thể sử dụng whistle (hát giọng sáo), một loại kỹ thuật thanh nhạc hiện đại rất khó mới được du nhập vào Việt Nam trong những năm gần đây. Bằng cách đó, cô đã đạt tới những nốt đầu tiên trong quãng thứ 7, quãng giọng siêu âm mà hầu như chưa từng có ca sĩ nào ở Việt Nam đạt tới. Ngoài ra, Thu Minh còn là bậc thầy về gằn giọng ở Việt Nam, khi cô có thể sử dụng gằn giọng một cách thuần thục, trên những quãng rất cao, tới tận nốt Si (B5).

Khác với nhiều giọng nữ cao trước đây, Thu Minh sở hữu những kỹ thuật thanh nhạc hiện đại của phương Tây và áp dụng nó thành công vào ca hát. Các kỹ thuật thanh nhạc của Thu Minh khá chuẩn mực, chính xác. Trong một lần trình diễn ca khúc All by myself của Celine Dion, cô đã giữ một nốt Fa (F5) toàn giọng đầy nội lực, tròn trịa, vang rền, thoải mái, khiến khán giả thế giới cũng phải thán phục.

Hồ Quỳnh Hương

Sau Thu Minh, Hồ Quỳnh Hương cũng là một giọng nữ cao nổi bật của nền nhạc nhẹ Việt Nam. Không giống như Thu Minh, Hồ Quỳnh Hương được đào tạo thanh nhạc theo lối truyền thống và có nền tảng học hành rất vững chắc, khi từng hai lần đạt danh hiệu thủ khoa Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, và giành rất nhiều giải thưởng lớn nhỏ ở các cuộc thi âm nhạc trong và ngoài nước.

Dân trong nghề vẫn thường ngợi ca Hồ Quỳnh Hương là ca sĩ hát giọng pha tốt nhất Việt Nam. Quả thực, với kỹ thuật cao cấp, cô có thể lên tới mọi nốt trong quãng 5 một cách dễ dàng, nhẹ như không và chẳng hề gặp bất cứ trở ngại nào. Cô cũng là ca sĩ hiếm hoi ở Việt Nam có thể open throat (mở toàn cổ) khi belt tới nốt Sol (G5) để cộng hưởng vang rền.

So với Thu Minh, các quãng belt của Hồ Quỳnh Hương có vẻ ít uy lực hơn, nhưng lại mềm mại, trữ tình hơn, và được bù đắp bởi âm sắc giọng đẹp, mượt mà, ấm áp. Không những thế, cô còn phát huy được khả năng sử dụng head voice (giọng đầu) trong một số ca khúc bán cổ điển.

Trần Thu Hà

Hà Trần có thể được coi là một gương về sự nỗ lực học hỏi, rèn luyện. Bằng sự miệt mài luyện thanh, cô đã biến giọng hát yếu, mỏng bẩm sinh thành một trong những giọng nữ cao đẳng cấp của Việt Nam.

Về kỹ thuật thanh nhạc, có lẽ không giọng nữ nào ở nhạc nhẹ Việt Nam dám qua mặt Hà Trần, khi cô được đào tạo liên tục hàng chục năm trong một gia đình giàu truyền thống nghệ thuật với bố là nghệ sĩ nhân dân Trần Hiếu, chú là nhạc sĩ Trần Tiến và tốt nghiệp hệ đại học khoa Thanh nhạc - Nhạc viện Hà Nội.

Với sự kết hợp tuyệt vời giữa cổ điển và hiện đại, cô có thể hát pianissimo (kỹ thuật hát nhỏ tiếng) trên những legato (hát liền nốt) rất mượt mà, chuẩn mực, lại vừa có thể scat singing (một loại kỹ thuật khó của dòng nhạc jazz) và cũng belt được những nốt cao vút. Dù rất hiếm khi phô diễn giọng hát, nhưng đã có lần, Hà Trần belt và giữ nốt Fa (F5) căng tràn, thoải mái, cộng hưởng vang rền đầy nội lực trong màn trình diễn ca khúc Dệt tầm gai tại Monsoon 2014.

Ngoài ra, Hà Trần cũng là giọng nữ cao hiếm hoi ở Việt Nam có thể hát đẹp và thoải mái trên quãng trầm, không thua kém gì giọng nữ trung trầm nào.

Nhưng với tư duy âm nhạc sâu sắc, Hà Trần hiếm khi sử dụng kỹ thuật để trưng trổ nốt này nốt kia, mà dùng nó để biến giọng hát thành thứ nhạc cụ đặc biệt, biến hóa hư ảo, để hòa cùng nhạc và tôn nhạc sĩ lên, đúng với tinh thần của một nghệ sĩ indie (các nghệ sĩ dòng indie phải tự thân vận động trong tất cả các khâu từ sáng tác, hòa âm, sản xuất, quảng bá và phát hành).

Giống như Madonna, nhược điểm trong giọng hát Hà Trần là âm sắc không có gì đặc biệt. Nhưng chính tư duy vượt trội lại giúp hai người ca sĩ này biến nhược thành ưu, giống như một tờ giấy trắng vậy, nếu có quá nhiều dòng chữ đậm nét thì không thể viết lên đó những dòng chữ mới, nhưng nếu không có dòng chữ nào, sẽ viết được rất nhiều thứ lên đó. Đó là cách mà Hà Trần đã làm để biến hóa giọng hát của mình trở nên đa dạng hơn bao giờ hết.

Phương Thanh

Phương Thanh là một trong số ít ca sĩ dù đi theo con đường giải trí nhưng vẫn được khán giả nể trọng không kém gì những ca sĩ đi theo con đường nghệ thuật. Ở thời kỳ đỉnh cao, Phương Thanh sở hữu một chất giọng nữ cao vô cùng đặc biệt, không ai có được.

Ai cũng nghĩ giọng Phương Thanh đặc biệt vì khàn bẩm sinh, nhưng thực tế, giọng của cô lại rất trong trẻo. Cái khàn trong giọng Phương Thanh xuất hiện do cô sử dụng một loại kỹ thuật đặc biệt để hát khàn hơn, tạo chất riêng cho giọng hát của mình. Đây là loại kỹ thuật đặc trưng, thường được các ca sĩ da màu của dòng nhạc gospel sử dụng.

Ngoài ra, giọng hát Phương Thanh còn có nội lực và độ vang rất lớn, giúp cô có thể kéo mic ra xa hàng mét mà vẫn rõ tiếng. Chính Phương Thanh từng chia sẻ, trong một chương trình, cô có thể kéo mic xuống tận thắt lưng, trong khi các ca sĩ khác lại không thể làm được điều đó.

Điểm nổi bật nhất ở Phương Thanh, khác với những giọng nữ cao khác là, dù chất giọng bẩm sinh của cô khá to khỏe, phù hợp để hát rock, nhưng cô vẫn có thể hát ballad rất trữ tình, ngọt ngào, cảm xúc. Những luyến giọng và nhả chữ hơi nặng, nhấn đặc trưng của Phương Thanh từ lâu đã trở thành thương hiệu riêng của cô, giúp cô sống mãi trong lòng khán giả.

Siu Black

Cái tên Siu Black vốn từ lâu đã trở nên thân quen trong lòng khán giả Việt. Khác với bốn giọng nữ cao trên (đều là light lirico soprano), Siu Black sở hữu loại giọng full lirico soprano (tạm gọi là nữ cao trữ tình đầy đặn), vốn là loại giọng ít thấy ở Việt Nam, nên có phần dày, khỏe khoắn, mạnh mẽ hơn.

Không quá chú trọng vào kỹ thuật, Siu Black chủ yếu phát huy hết nội lực bẩm sinh trong giọng hát khỏe, vang, đậm chất rock của mình, và tập trung vào quãng trung nhiều hơn, nên cô đã tạo được thương hiệu riêng với người nghe, đó là Họa mi núi rừng với chất giọng man dại, tự do, đậm chất Tây Nguyên.

Dù là một nữ cao, nhưng thế mạnh của Siu Black lại nằm ở những quãng trung vô cùng to khỏe, chắc chắn, vang sảng, trải dài khắp sân khấu. Hiếm có nữ cao nào trong nhạc nhẹ Việt Nam lại sở hữu những fortissimo (kỹ thuật đẩy to tiếng) nội lực như Siu Black.

Kết

Bằng giọng hát trời phú, kỹ thuật vững chắc và thẩm mỹ âm nhạc tiến bộ, cả năm ca sĩ trên đã phấn đấu suốt hàng chục năm qua để đạt được vị trí riêng trong lòng khán giả. Dù gặp phải những thăng trầm trong sự nghiệp, nhưng họ sẽ mãi mãi là những giọng nữ cao đẳng cấp, danh tiếng của nền nhạc nhẹ Việt Nam đương đại.

http://2sao.vn/nhac/5-giong-nu-cao-xuat-sac-cua-nhac-nhe-viet-nam-p0c1001n20150526070658888.vnn

Theo Đức Long/Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm