1. La mắng: Theo Huffpost, la mắng chỉ có tác dụng trong một số tình huống nhất định, ví dụ như khi trẻ đang làm điều nguy hiểm hoặc bạn cần thu hút sự chú ý của trẻ. Ngoài những trường hợp trên, hình thức la mắng không mang lại hiệu quả trong quá trình dạy con và giúp trẻ thay đổi hành vi. Trái lại, điều này sẽ khiến lòng tự trọng của trẻ bị ảnh hưởng, các em cũng có nguy cơ phát triển những hành vi bạo lực, thô lỗ. Khi tức giận, cha mẹ nên dành vài phút điều chỉnh tâm trạng và nói chuyện nhẹ nhàng với con, giúp trẻ nhận ra lỗi sai thay vì la mắng, chỉ trích. Nếu bạn vô tình nổi nóng, hãy xin lỗi trẻ và để trẻ hiểu tình trạng này sẽ không lặp lại. Ảnh: Grace for Single Parents. |
2. So sánh: Tình trạng so sánh thường xảy ra trong những gia đình đông con, đứa trẻ dễ bị cha mẹ so sánh với anh, chị, em của mình. Nhiều người thường cho rằng so sánh là cách giúp trẻ có thêm động lực phấn đấu. Trái lại, cách làm này để lại nhiều hậu quả lâu dài về mặt tâm lý cho trẻ. Các em dễ cảm thấy tự ti, thậm chí đố kỵ với người thân của mình. Một nghiên cứu tại Mỹ từng chỉ ra điểm số và thành tích của thanh, thiếu niên thường bị ảnh hưởng bởi niềm tin của cha mẹ. Những đứa trẻ ít bị so sánh có xu hướng tự tin và đạt kết quả học tốt hơn, theo Today’s Parent. Ảnh: FirstCry Parenting. |
3. Gắn mác: Dù bị cha mẹ gắn mác tốt hay xấu, đứa trẻ cũng dễ bị tác động và sẽ mặc định bản thân có những đặc điểm như cha mẹ nói. Ví dụ, khi được cha mẹ gắn mác "thông minh" hoặc "thiên tài", trẻ có thể cho rằng những thành tích các em đạt được là nhờ tài năng vốn có, không phải nhờ những nỗ lực hàng ngày. Hoặc khi bị gắn mác "ngu ngốc", "kém cỏi", trẻ sẽ trở nên tự ti và nghĩ rằng bản thân không thể thay đổi, cải thiện khả năng. Thay vì gắn mác cho con, cha mẹ nên đặt trọng tâm vào hành vi của trẻ. Ví dụ, khi trẻ đạt điểm cao, bạn nên nói "cha mẹ đã thấy con rất cố gắng, con đã làm rất tốt". Hoặc khi trẻ làm sai, bạn chỉ nên nói bạn thất vọng về hành vi đó, không phải thất vọng về con người trẻ. Ảnh: The Denver Post. |
4. Cấm con bộc lộ cảm xúc: Một nhiệm vụ quan trọng của cha mẹ là giúp trẻ phát triển trí tuệ cảm xúc, hay còn gọi là EQ. Khi đó, cha mẹ cần giúp trẻ nhận biết từng loại cảm xúc của con người, thay vì cưỡng chế, cấm con bộc lộ cảm xúc. Nếu cha mẹ không cho con để lộ cảm xúc vui, buồn, tức giận, thất vọng,... trẻ sẽ phải tự kìm chế và vật lộn với những trải nghiệm tồi tệ đó trong âm thầm. Theo thời gian, những cảm xúc dồn nén của trẻ có thể "phát nổ" và để lại hậu quả khó lường. Cha mẹ nên giúp trẻ định nghĩa những cảm xúc và chỉ cho các em cách quản lý tâm trạng của mình. Ngoài ra, bạn cũng nên cho trẻ vài lời khuyên khi các em lo lắng hoặc gặp vấn đề trong cuộc sống. Ảnh: The Daily Crisp. |
5. Phàn nàn: "Tại sao lúc nào con cũng làm sai?", "Con khiến bố mẹ phát điên", những lời nói này không mang lại hiệu quả về mặt giáo dục, ngược lại khiến trẻ tổn thương nhiều hơn. Các chuyên gia tâm lý cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy cha mẹ không chịu tìm hiểu nguyên nhân sự việc mà chỉ luôn bắt lỗi và chỉ trích con. Các nhà tư vấn hôn nhân gia đình cũng cảnh báo cha mẹ không nên dùng từ "luôn luôn" và "không bao giờ" khi nói chuyện với con. Thay vào đó, cha mẹ nên đặt rõ kỳ vọng và ranh giới để trẻ thực hiện, thay đổi. Nếu trẻ đang gặp vấn đề về tâm lý, hành vi, bạn nên tìm hiểu nguyên nhân, lắng nghe trẻ nói và từ đó tìm cách giải quyết. Ảnh: Thriving Mum. |