Đảo Hashima (Nhật Bản): Hòn đảo này bị bỏ hoang từ năm 1974. Vào cuối thế kỷ 19, nơi đây từng là mỏ khai thác than sầm uất. Hashima có thể xem như biểu tượng cho quá trình công nghiệp hóa ở xứ anh đào. Tuy nhiên, dầu mỏ dần thay thế than ở Nhật trong những năm 1960, đó là nguyên nhân chính dẫn đến sự kết thúc những hoạt động của ngành công nghiệp khai thác than trên đảo. Ảnh: Getty. |
Ngày nay, Hashima chỉ còn lại đống đổ nát, u ám. Không gian đặc biệt của hòn đảo khiến nó được chọn làm bối cảnh quay cho nhiều bộ phim như Skyfall, Attack on Titan... Đảo chính thức mở cửa cho khách du lịch tham quan vào năm 2009. Năm 2015, UNESCO quyết định công nhận Hashima là Di sản Thế giới. Ảnh: Mail Online. |
Đảo North Brother (Mỹ): Cách Manhattan (New York, Mỹ) chưa đầy 2 km, hòn đảo bỏ hoang này đã gây nhiều tò mò suốt nửa thế kỷ. Quá khứ của đảo gắn liền với bệnh tật, chết chóc... Từ những năm 1880 tới năm 1943, chính quyền New York đã sử dụng đảo làm nơi cách ly bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm. Typhoid Mary Mallon - người đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ mắc bệnh thương hàn nhưng không có triệu chứng - đã từng bị cách ly ở đây cho tới khi chết. Ảnh: Cubred. |
Hiện nay, chính quyền không cho phép người dân đến đây với mục đích du lịch, tham quan... Chỉ số ít với lý do đặc biệt mới được phép ghé thăm hòn đảo này. Để tới đây, bạn cần đi thuyền qua sông Đông. Rất nhiều cảnh sát xuất hiện ở khu vực này. Theo Insider, điều này có thể do vị trí đảo gần nhà tù Đảo Rikers. Ngoài ra, cảnh sát cũng cảnh giác với những người có ý định đến gần đảo North Brother. Ảnh: Atlas Obscura. |
Đảo Hirta (Scotland): Nhiều dấu tích cho thấy con người đã sống trên đảo Hirta thuộc quần đảo St. Kilda từ thời tiền sử. Tuy nhiên, tất cả đều đã phải dời đi từ năm 1930 vì nguy cơ chết đói và điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Ảnh: Sobt. |
Theo Atlas Obscura, từ đầu thế kỷ 20, cuộc sống của người dân trên đảo đã bị xáo trộn nhiều khi những đoàn khách từ đất liền xuất hiện. Họ đem theo nhiều thứ văn hóa thú vị và cả những dịch bệnh mới. Năm 1930, sau cái chết của một phụ nữ trẻ vì đau ruột thừa và viêm phổi, dân đảo đã rất sợ hãi. Họ yêu cầu được sơ tán và sống trên đất liền. Cuộc sơ tán diễn ra vào 29/8/1930. Trước khi lên tàu, mỗi người đã để lại một đĩa yến mạch và cuốn kinh thánh mở trong nhà. Ảnh: Hudu Trip. |
Đảo Herschel (Canada): Năm 1826, những người châu Âu đầu tiên đặt chân lên hòn đảo. Thời điểm đó, đảo trở thành nơi săn bắt cá voi của khoảng 2.000 người dân. Tuy nhiên, tới những năm đầu của thế kỷ 20, hoạt động đánh bắt cá voi đã bắt đầu lắng xuống. Gia đình cuối cùng sống trên đảo Herschel đã rời đi vào năm 1987. Từ đó, chính quyền đã thành lập Công viên Lãnh thổ Qikiqtaruk với phần diện tích là toàn bộ đảo. Ảnh: Wikiwand. |
Đảo Holland (Mỹ): Những người đầu tiên đến định cư ở đảo bắt đầu từ khoảng năm 1600. Qua thời gian, hoạt động đánh bắt cá và nông nghiệp phát triển thu hút nhiều người dân, thủy thủ đến định cư. Vào thời kỳ huy hoàng nhất, hòn đảo có khoảng 70 công trình bao gồm nhà, cửa hàng, trường học, bưu điện, nhà thờ, trạm y tế... Ảnh: Sometimes Interesting. |
Tuy nhiên, tình trạng xói mòn khiến đảo Holland dần biến mất trên bản đồ. Người dân cố cứu hòn đảo bằng nhiều cách nhưng đều thất bại. Điều này buộc họ phải rời đảo để tìm những nơi an toàn hơn. Một số vẫn bám víu lại với niềm tin mẹ thiên nhiên sẽ "tha" cho họ. Tuy nhiên, cơn bão năm 1918 khiến gia đình cuối cùng cũng phải khăn gói ra đi. Tháng 10/2010, ngôi nhà cuối cùng trên đảo đã sụp đổ do không chống chọi được với điều kiện tự nhiên. Đến năm 2012, đảo bị xói món hoàn toàn. Ảnh: TypePad. |