Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

5 món bánh miền Tây hút khách ở TP.HCM

Ẩm thực Tây Nam Bộ hấp dẫn du khách bởi những món ăn bình dị. Dưới đây là 5 món bánh miền Tây bán nhiều ở TP.HCM bạn có thể tìm mua và thưởng thức.

Miền Tây là vùng đất sản sinh nhiều đặc sản nổi tiếng có mặt khắp nơi. Trong đó, những chiếc bánh dân dã được chế biến đơn giản như bánh cuốn ngọt, tầm bì... được nhiều người ưa chuộng ở TP.HCM.

Bánh cuốn ngọt

Bánh cuốn ngọt hay bánh ướt là đặc sản của tỉnh Bến Tre. Vỏ ngoài là lớp bánh tráng dừa mỏng, dai, có vàng bắt mắt, kích thích vị giác. Hương vị thơm bùi, giòn ngọt của phần nhân đến từ đậu xanh nấu chín và dừa nạo sợi.

Để món ăn chuẩn vị, khi thưởng thức thực khách sẽ chấm bánh cùng muối mè. Địa chỉ bán bánh cuốn ngọt được nhiều người yêu thích ở TP.HCM là tiệm bánh Cô Phượng (quận 8), chợ Hồ Thị Kỉ (quận 10). Giá: 3.000-5.000 đồng/cuốn.

Bánh tằm bì

Là đặc sản của Bạc Liêu, khi mới du nhập vào, bánh tằm bì đã được giới trẻ Sài thành ủng hộ nhiệt tình cho đến nay. Món ăn vặt này được làm từ những thành phần bình dân, gồm bánh tằm, bì, thịt nạc, rau củ thái sợi… Trong đó, bánh tằm được làm từ bột gạo, cách chế biến tương tự bún nhưng sợi to và mềm hơn.

Sau khi sơ chế, các nguyên liệu được xếp lên đĩa và chan thêm nước cốt dừa sánh đặc. Món ăn được dùng kèm bát nước mắm chua ngọt. Sự kết hợp giữa món ngọt và mặn đã tạo nên hương vị riêng cho bánh tằm bì. Để nếm thử món ăn này, bạn có thể ghé quán bánh tằm bì Tô Châu, chợ Hạnh Thông Tây…

mon an mien Tay anh 3

Giá của mỗi đĩa bánh tằm bì khoảng 50.000 đồng. Ảnh: Thaonguyenne.

Bánh cống

Bánh cống hay còn gọi bánh cóng là món ăn dân dã của người dân ở Sóc Trăng. Cách chế biến bánh cống khá đơn giản. Phần nhân đậu xanh, thịt mỡ, củ sắn... sẽ được nằm gọn trong khuôn tròn có sẵn bột gạo pha loãng.

Sau đó, bánh được đem chiên ngập trong dầu nóng, cho thêm một con tôm lên trên và đợi đến khi chuyển màu vàng đều. Nước chấm chua ngọt là món đi kèm không thể thiếu khi thưởng thức bánh cống.

Nếm thử một miếng, bạn sẽ cảm nhận được độ giòn tan của lớp vỏ ngoài hòa cùng phần nhân béo bùi và vị nước mắm chua ngọt vừa miệng. Quán 3 Chị Em, Bánh Cóng Miền Tây... là những địa chỉ để thưởng thức món ăn hấp dẫn với giá 10.000-15.000 đồng/chiếc.

Bánh xèo

Bánh xèo là một trong những đặc sản trứ danh của miền Tây. TP.HCM không thiếu những quán ăn hút khách bởi món ăn này. Tên gọi của bánh bắt nguồn từ tiếng "xèo xèo" vui tai khi đổ bột vào chảo để chiên. Để làm vỏ bánh, bột gạo sẽ được tráng đều trong lòng chảo lớn.

Phần nhân gồm thịt heo, tôm, giá, điên điển… được thêm vào sau. Lớp vỏ giòn rụm, béo ngậy vị nước cốt dừa hòa quyện cùng phần nhân bùi thơm đã tạo nên hương vị khó quên cho món ăn này. Để giảm bớt độ ngậy, bánh xèo khi ăn sẽ được gói trong lá cải xanh cùng các loại rau sống, chấm vào bát nước mắm chua ngọt.

Để thưởng thức bánh xèo miền Tây ở TP.HCM, bạn có thể ghé quán Mười Xiềm, Ăn Là Ghiền, Ngọc Sơn...

Bánh khọt

Nếu yêu thích ẩm thực miền Tây Nam Bộ, bạn không nên bỏ qua món bánh khọt. Hương vị của món ăn là sự hòa quyện độ giòn, bùi của bột gạo đem chiên, thơm lừng vị trứng, tôm đồng, thịt heo bằm nhuyễn, nước cốt dừa béo ngậy.

Để tăng vị béo, khi vừa chín tới, bánh được thêm nước cốt dừa và rắc hạt đậu xanh lên trên. Khi ăn, bánh khọt thường được dùng kèm rau cải, rau thơm, xà lách, dưa leo... Bát nước mắm chua ngọt sẽ được cho thêm cà rốt thái sợi giòn giòn làm giảm độ ngậy khi ăn. Mỗi đĩa thường có giá từ 30.000-50.000 đồng.

Trái dừa không có nước - đặc sản miền Tây Nam Bộ Nếu có dịp ghé thăm miền Tây sông nước, bạn có thể thử trái dừa với hình thù kỳ lạ nhưng được người dân địa phương ưa thích. Cùi dừa bên trong thường được dầm với nước đường và đá.

4 món gỏi lạ ở miền Tây

Gỏi là món ăn quen thuộc ở miền Tây. Đến đây, bạn sẽ được thưởng thức nhiều món gỏi lạ từ tên gọi tới nguyên liệu, công thức chế biến.

Bích Phương

Bạn có thể quan tâm