Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

5 năm đổi 3 căn bếp để thỏa mãn đam mê nấu nướng

Dành ít nhất 10 tiếng trong bếp mỗi ngày, Thùy Dương chăm chút cho phòng bếp hơn cả phòng ngủ.

thiet ke bep anh 1

Zing chia sẻ kinh nghiệm 3 lần thiết kế phòng bếp của Nguyễn Thùy Dương (Meo Thùy Dương, TP. HCM). Cô hiện là một food stylist (nhà tạo mẫu thực phẩm) và art director (giám đốc nghệ thuật).

Với những người mê nấu ăn như tôi, căn bếp còn quan trọng hơn cả phòng ngủ. Một ngày, tôi dành ít nhất 10 tiếng trong bếp nên cố gắng tạo ra không gian thật sáng sủa, sạch sẽ và nhiều cảm hứng.

Căn bếp đầu tiên (2017)

Tôi thiết kế căn bếp đầu tiên của mình vào năm 2017, ở một căn nhà thuê. Khi ấy chưa có nhiều kinh phí, tôi làm theo tiêu chí tiết kiệm và gọn gàng.

Tôi mong muốn có một kệ bếp đủ rộng để nhào bột mì, do vậy quyết định sử dụng bếp từ dương. Khi nào làm bánh, tôi sẽ cất bếp đi, rất thuận tiện. Tủ bên dưới là lò nướng, lò vi sóng, nhưng sau đó được tôi đổi thành nơi cất khuôn làm bánh. Chậu và vòi rửa là loại chậu đơn nhưng lòng rộng nên khi rửa vẫn khá thoải mái.

Ý tưởng và nguyên vật liệu cho căn bếp này được tôi tìm hiểu trên mạng. Tôi chọn mặt bàn bếp làm từ đá trắng vân mây dày 18 mm nguyên miếng và không bo viền. Trước đó, tôi phải tính kích thước chiều dài bàn bếp thật chính xác bởi nó liên quan đến gạch ốp tường, tránh trường hợp đo không chính xác sẽ phải cắt gạch bếp.

Ngoài ra, tôi chọn loại gỗ Laminate cho tủ bếp. Vật liệu này có ưu điểm chịu lực, chống nước và nhiệt khá tốt, bề mặt vân gỗ lại rất đẹp.

Sau khi đã chốt xong thiết kế và vật liệu, tôi tiến hành ký hợp đồng với bên thi công. Tôi cũng là người trực tiếp giám sát để đảm bảo từng chi tiết đều đúng với bản vẽ. Thứ tự lắp căn bếp này như sau:

  • Lắp tủ bếp trước.
  • Tiếp theo, đội thợ cắt và lắp bàn đá.
  • Lắp chậu rửa và vòi nước, bếp từ, hút mùi.
  • Lắp giá inox và các chi tiết trang trí: giá, kệ, ngăn kéo...
  • Bắt keo và hoàn thiện phần bếp.
  • Ốp gạch trên tường bếp.
  • Kiểm tra đường nước, ổ điện.

Căn bếp thứ 2 (2020)

Sau 3 năm, tôi đi tìm thuê một căn nhà khác vì cần một không gian lớn, có nhiều ánh sáng hơn, đồng thời chủ nhà phải cho phép sửa chữa. Thuê được nhà ưng ý, tôi lại vất vả với "sự nghiệp" sửa bếp.

Căn bếp thứ 2 được tôi lên ý tưởng với tông màu trắng sáng của phong cách Bắc Âu (Scandinavian), đồng thời mô phỏng theo các nhà bếp Contemporary Shaker (tối giản đương đại).

Tôi "lãng phí" 2 tháng tiền nhà để hoàn thiện căn bếp này, tức là thuê nhà nhưng dành trọn 2 tháng đầu tiên chỉ để làm bếp, không ở. Dù đã có kinh nghiệm từ lần thi công trước, tôi vẫn mất khá nhiều thời gian, công sức để mọi thứ phù hợp với nhu cầu và thói quen nấu nướng. Riêng tủ bếp, tôi tháo ra, sửa đi sửa lại đến 3 lần.

thiet ke bep anh 6

Căn bếp thứ 2 được đầu tư tiện nghi hơn với vật liệu, thiết bị cao cấp.

Tôi hạn chế các đồ dùng bằng nhựa vì nó không bền và hại môi trường. Còn về bàn bếp, tôi tránh những mặt đá có vân vằn vện, phức tạp bởi sẽ làm mất tập trung khi nấu nướng.

Các đồ dùng nấu nướng được tôi mua từ nhiều nơi, như IKEA, Muji… Một số phụ kiện như thanh đồng treo, móc treo, giá phơi khăn… không có sẵn ở Việt Nam, tôi phải đặt hàng làm riêng và chờ đợi ít nhất 2 tuần.

Một chi tiết khác tôi khá tâm đắc là chiếc vòi nước trong bếp. Thông thường, vòi lọc nước sẽ nằm trên bồn rửa bát và cạnh vòi rửa. Tôi thấy khá bất tiện nếu muốn lấy nước uống trong khi có người đang rửa bát bên cạnh. Ngoài ra, nếu sơ ý, nước và xà phòng có thể bắn thẳng vào cốc nước đang đợi rót.

Sau khi cân nhắc, tôi quyết định lắp vòi nước ở trên mặt đá. Như vậy, cốc nước có thể đặt trên mặt bàn và tránh xa nguồn nước dùng để rửa bát, sơ chế đồ ăn. Mặc dù ý tưởng này khá mới mẻ, nhưng sau thời gian trải nghiệm, tôi thấy mình đã có quyết định sáng suốt.

thiet ke bep anh 7

Căn bếp thứ 3 (2022)

Lần chuyển nhà gần đây, tôi vẫn thiết kế bếp ở vị trí trung tâm, chiếm diện tích lớn nhất trong căn nhà và là nơi tràn ngập ánh sáng.

Khi chuyển tới nhà mới, tôi tận dụng hệ tủ cũ của căn bếp 2 năm trước và sơn lại màu xanh để phù hợp với không gian nhà mới.

thiet ke bep anh 11

Căn bếp thứ 3 tràn ngập ánh sáng với tầm nhìn hướng ra vườn.

Chính giữa phòng bếp là đảo bếp có thể xoay 360 độ. Tuỳ vào mục đích sử dụng, tôi sẽ thay đổi vị trí cho hợp, ví dụ như xoay hướng vườn để ngắm cây cối, xoay ngang để cùng bạn bè trò chuyện...

Thay vì hướng vào tường, tôi thiết kế bếp hướng ra vườn để vừa lấy ánh sáng tự nhiên, vừa ngắm cảnh thư giãn khi nấu nướng. Bếp cũng liên thông với bàn ăn để tiện trò chuyện với bạn bè. Bàn ăn này do tôi tự thiết kế, được làm từ gỗ sồi Mỹ tự nhiên.

Một số kinh nghiệm thiết kế bếp

Nên đầu tư cho phụ kiện

Nếu bếp của bạn có nhiều món đồ mang phong cách giống nhau, hãy đầu tư vào phụ kiện điểm nhấn để tạo nên sự khác biệt. Bạn có thể sử dụng những tay nắm, khóa chốt đa dạng để giúp căn bếp tươi mới hơn.

Ngoài ra, màu sắc của đồ bếp cũng đóng vai trò quan trọng. Thông thường, đồ bếp có màu inox, ghi, trắng hoặc đen. Bạn hãy dựa vào màu sơn tường và màu sơn tủ bếp để chọn màu thiết bị phù hợp.

Nếu bạn chọn nhiều thương hiệu đồ bếp khác nhau, khả năng màu inox cũng sẽ khác biệt. Vì vậy, hãy cố gắng lựa chọn những mẫu có độ sáng tương đồng. Khi chọn đồ có màu trắng và đen, nên cân nhắc độ tương phản của 2 màu này.

Màu tối cho không giúp bếp sạch hơn

Thực tế, bếp càng nghiêng về các màu sáng thì càng dễ dàng phát hiện vết bẩn. Tuy nhiên, màu tối cũng không giúp bạn "che giấu" bụi bẩn của căn bếp. Dù chọn màu nào, chỉ có lau dọn thường xuyên mới khiến bếp sạch sẽ, thơm tho.

Các đồ trang trí khác

Bạn hãy tránh những kiểu rèm bếp có họa tiết rối rắm, chất liệu bóng như kim loại. Chiều dài của rèm cũng là điểm giúp không gian thêm tinh tế. Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi thấy rèm đẹp nhất là gần chấm đất. Như vậy, khi lau dọn rèm sẽ không chạm vào nước trên mặt sàn, nhìn trực diện cũng không thừa thãi. Ngoài ra, đừng cắt rèm quá cao, nếu lửng hơn 10 cm so với mặt đất trông sẽ khá kì cục.

Nếu bạn muốn treo tranh, ảnh trang trí nhưng không quá am hiểu, hãy chọn loại phù hợp với màu sơn tường hoặc có màu nhã nhặn để không gây sự chú ý. Tranh đen trắng cũng là một gợi ý đáng cân nhắc.

8 món nội thất phòng bếp mua về chỉ thêm hối hận

Tủ bếp màu rực rỡ, chậu rửa thủy tinh hay gạch nhám ốp tường là một số thiết kế phòng bếp khá đẹp mắt, nhưng lại không mấy hữu dụng.

Bích Ngọc

Bạn có thể quan tâm