Điều này có lẽ phản ánh nỗ lực đáng ghi nhận của phim Việt trong năm qua khi không còn quá nương cậy vào thể loại hài nhảm, mà đã đi từng bước chinh phục khán giả bằng các thể loại khác như kinh dị, hành động, hình sự, tâm lý, lịch sử, ca nhạc. Dù chưa thể tránh khỏi hài nhảm vẫn là thể loại lớn nhất trong năm với 4-5 ra mắt cùng lúc mùa phim Tết. Dưới đây là danh sách được chúng tôi chọn ra.
1. Cưới chạy
Việt Hương trên poster phim Cưới chạy. |
Áp dụng mọi bài học đã được rút ra trong ngành điện ảnh Việt hôm nay chưa hẳn sẽ mang lại một bộ phim thành công, mà rất có thể là… một thảm họa toàn phần. Cưới chạy là một ví dụ như vậy. Bộ phim do cây hài Hoàng Mập sản xuất (dĩ nhiên, anh không quên sắm luôn cho mình một vai phụ, như thường lệ), hội đủ công thức của một bom tấn phòng vé: chi phí rẻ, thể loại hài nhảm, độc quyền danh hài Việt Hương, chiếu trong dịp Tết, do một đơn vị sở hữu nhiều cụm rạp phát hành. Nhưng chừng ấy cũng đủ biến bộ phim thành một thảm họa được phát tán rộng rãi khiến khán giả yêu phim đều phải… bỏ chạy.
Cưới chạy cài đặt một tình huống éo le: hai vợ chồng phú ông miền quê (Chí Tài và Việt Hương đóng) vì muốn tăng sức ép lên đứa con gái đầu chưa chịu đi lấy chồng, bèn tung tin đứa em gái của cô lỡ “dính bầu” nên phải cưới gấp. Cô chị vội thuê ngay một anh chàng mà cô nghĩ là “gay” về ra mắt, trong khi cô em “dính bầu” thật. Nhưng chớ nhầm tưởng phim sẽ hay. Chuyện vừa kể chẳng qua chỉ là chiếc khung sườn để bộ phim nối lại những màn tấu hài rất nhảm nhí, mua vui là chính. Còn dàn diễn viên sẵn sàng làm đủ mọi thứ: nhảy tưng tưng, múa võ, nhíu mày, nhăn mặt… miễn sao bạn cười.
2. Gác kiếm
Lại Hương Thảo (giữa) trong phim Gác kiếm. |
Bộ phim cho thấy thế nào là một thảm họa của thể loại hành động, tội phạm. Cái tên nhập nhèm với tựa Việt của bộ phim Hồng Công nổi tiếng nhưng nội dung không liên quan. Phải nói là phim “rất nguy hiểm” với đủ các cảnh từ giang hồ thanh toán nhau giành địa bàn, bắt cóc, tra tấn con tin tới truy sát bằng xe máy trên phố… Tuy nhiên, sự vụng về và non tay của đạo diễn làm mọi thứ giống như mang tính chất minh họa: truy sát thì nhìn giống như đang đua xe, đánh đấm thì rành rành là thao tác các bước đã được sắp đặt…
Thực tế, Gác kiếm mang lại cho người xem cảm giác nó là bài tập làm phim của một người mới vào nghề. Câu chuyện đơn giản về cô con nuôi của một ông trùm phát hiện ra mình chính là… con đẻ của một bà trùm, đang là đối thủ tranh giành địa bàn bảo kê với cha nuôi. Phim được quay và dựng rất lộn xộn với nhiều cảnh bị hỏng về nét, màu sắc và ánh sáng. Kết phim, giang hồ gác kiếm quy y cửa Phật, phim cũng sớm rời khỏi rạp về lại nơi sản xuất.
3. Mất xác
Một cảnh trong phim Mất xác. |
Bộ phim xứng đáng ẵm mâm xôi vì nội dung thì ít, mà PR phản cảm thì nhiều. Trước công chiếu, phim tung poster với hình ảnh nam diễn viên Hoàng Phúc cầm dao vượt quá đầu, chuẩn bị bổ xuống trong nét mặt rất hung bạo. Bên dưới là dòng chữ “không vớt được xác, không thể kết tội giết người”, cố gợi cho khán giả đây là phim liên quan đến vụ thẩm mỹ viện Cát Tường chấn động dư luận. Một vụ tranh luận có hay không đạo ý tưởng giữa Mất xác và Scandal: Hào quang trở lại (chiếu sau 2 tuần) cũng được dựng lên trong ý đồ lồ lộ, muốn ăn theo bộ phim sau, vốn được tạo ra bởi một ê kíp nổi tiếng hơn.
Khi Mất xác chính thức công chiếu, khán giả mới té ngửa hoá ra nó chỉ “treo đầu dê bán thịt chó”, với nội dung chẳng liên quan gì đến câu chuyện mà phim phô ra và ám chỉ. Thậm chí, phim cũng chẳng có gì là rùng rợn hay kinh dị, chỉ là câu chuyện bi kịch nhiều sạn xen chút tấu hài, về số phận hai mẹ con trong mối quan hệ luyến ái với hai cha con, bị ngăn trở bởi truyền thống môn đăng hộ đối và hiểu lầm về huyết thống.
4. Bước khẽ đến hạnh phúc
Ngân Khánh và Doãn Tuấn trong Bước khẽ đến hạnh phúc. |
Bộ phim như muốn hăm hở bước vào lịch sử điện ảnh Việt bằng cách ôm vào lòng toàn chuyện mang tầm vóc thời đại: từ hoà giải quá khứ, tìm về cội nguồn đến ca ngợi quê hương đổi mới, vấn nạn tham nhũng… Chuyện thì lớn mà lăng kính để khán giả có thể nhìn và cảm được nó xem chừng quá nhỏ. Tất cả đều thông qua câu chuyện cô gái gốc Việt Vivian (Ngân Khánh) cãi lời cha, quyết chí nhận chuyến công tác về VN.
Cô gặp đủ thứ chuyện tại Sài Gòn. Và dù đi bộ qua đường có khó khăn, giang hồ hè phố có đe dọa, bộ máy tổ chức có quan liêu, đối tác làm ăn có ép nhận hối lộ bằng cả cách dọa giết, nhưng vượt trên tất cả, cô lúc nào cũng được giúp đỡ đúng lúc! Phim điển hình cho lối kể chuyện khuôn sáo, lấy tình tiết chắp nối dông dài bù đắp cho nghèo nàn chi tiết. Kết quả, khán giả lúc nào cũng cảm thấy các nhân vật xa lạ, ngay cả khi khoả thân họ đứng trên một cao ốc đang xây dựng, nhìn ra thành phố và... nghĩ suy.
5. Đời như ý
Việt Hương và Đông Dương trong phim Đời như ý. |
Tên phim là vậy, nhưng sau chừng 5 phút đầu câu chuyện đã muốn… hết ý. Không có điểm tựa xung đột nào để khán giả còn có ý do theo dõi phim. Hẳn bản thân bộ phim đã tin rằng nó hấp dẫn chỉ cần nhờ ở hoàn cảnh trái ngang. Đó là mối lương duyên nghèo nhưng ấm áp tình người giữa một anh chàng khiếm thị và một cô gái ngơ ngẩn. Thế nên, nhân vật chính trong suốt 90 phút phim không gì khác chính là… những giọt nước mắt than khóc cho cái nghèo.
Nước mắt được đẩy tới cao trào bằng hành động bán đứa con gái của họ nhưng cũng nước mắt đã hoá giải, đưa gia đình trở lại đoàn tụ sau chia ly, mất mát. Bộ phim có lẽ là bài học cụ thể cho việc khai thác tự sự thuần tính chất tâm lý, có thể rất hấp dẫn trên trang văn nhưng lại rất chán trên màn ảnh.