Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

5 sai lầm của tôi khi học thi IELTS

Có người bỏ dở giữa chừng, có người chật vật trong việc học, có người bị lừa bởi các trung tâm. 5 bạn trẻ dưới đây cũng từng trải qua thời gian luyện thi IELTS.

kinh nghiem hoc IELTS anh 1

Không phải ai cũng thuận lợi trong việc ôn luyện và thi IELTS. Có người bỏ dở giữa chừng, có người chật vật trong việc học, có người bị lừa bởi các trung tâm.

Đây là 5 câu chuyện của 5 bạn trẻ đã từng bắt đầu quá trình học để thi IELTS.

“Mờ mắt vì học phí rẻ”
Tiến Quốc (2004) - Chuẩn bị du học

Chuyện của tôi

Tôi đã có dự định đi du học từ lâu, vì vậy, chứng chỉ IELTS là điều kiện tiên quyết tôi cần phải có. Chủ yếu là tự học, tôi “lặn ngụp” trong các diễn đàn học tiếng Anh để tìm kiếm tài liệu.

Năm 2021, tôi quyết định tìm gia sư học 1:1 để hỗ trợ việc luyện thi IELTS. Trong một diễn đàn trên Facebook, tôi tình cờ thấy một bình luận, người này có nhắc đến một thầy dạy IELTS, được cho là “rất nhiệt huyết, có tâm, học khoảng 4 tháng, học phí lại rẻ, chỉ 2,5 triệu…”

Lúc ấy, tôi như bị mờ mắt, nhờ bạn đó giới thiệu tới thầy này. Thời gian đầu, thầy rất nhiệt tình, hỏi thăm tôi mỗi ngày và đôn đốc việc đóng học phí. Thậm chí, thầy còn gửi hình ảnh phản hồi tích cực của các học viên trước nhờ có thầy mà đạt chứng chỉ 8.0, 8.5. Trong khi đó, chính thầy lại chỉ đạt 7.0 hay 7.5 gì đó.

kinh nghiem hoc IELTS anh 2

Mặc dù đã nghi ngờ, nhưng nhìn số tiền rẻ hơn nhiều so với nơi khác, tôi đã đóng học phí. Nhưng, khi “cá đã vào rọ”, thầy gần như biến mất, chỉ khi tôi nhắn tin nhắc nhở, thầy mới phản hồi lại. Phải đến cả 2 tuần, thầy mới gửi được một bài.

Và chỉ không lâu sau đó, tôi lại thấy một lượng lớn bình luận trên khắp các diễn đàn, dụ dỗ học viên theo học.

Mình đã quá dại khi mờ mắt bởi học phí rẻ. Tôi cũng không tìm hiểu kỹ thầy giáo này, chỉ không lâu sau đó, tôi lại thấy một lượng lớn bình luận trên khắp các diễn đàn, dụ dỗ học viên theo học.

Tôi nhận ra mình đã bị lừa, chấp nhận mất tiền, quay trở lại việc tự học khi không có nhiều điều kiện học trung tâm. Sau đó tôi đạt 8.0 IELTS.

Ước gì

Tôi đề phòng và tỉnh táo hơn, không bị mờ mắt bởi học phí rẻ, tiền mất mà học thì như không. Rất nhiều thầy cô dạy IELTS có tâm, nhưng cũng không ít những người tự xưng là thầy.


“Không có nền tảng, việc luyện thi sẽ như cơn ác mộng”

Phương Hạ (2000) - Sinh viên năm cuối ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM

Chuyện của tôi

Tôi vốn là dân xã hội, nền tảng tiếng Anh không tốt, IELTS với tôi cũng là một điều xa lạ. Vậy mà, thật trớ trêu, chuẩn đầu ra đại học của tôi phải đạt chứng chỉ IELTS 5.5. Hoang mang, mơ hồ, tôi không biết phải bắt đầu từ đâu để đạt được chứng chỉ này.

Tôi tự nhận mình mất gốc tiếng Anh, lại không tự tin vào tự học. Vì vậy, việc đầu tiên tôi làm là tìm đến các trung tâm luyện thi IELTS. Việc này không quá khó, chỉ cần một cú nhấp chuột, tôi đã tìm được hàng chục đánh giá, nhận xét các trung tâm. Tôi tìm được một nơi ưng ý, đóng tiền và bắt đầu tham gia hai khóa cho người mất gốc. Chi phí là 12,6 triệu.

Mặc dù đã trải qua tới 2 lớp trên, bắt đầu vào lớp học IELTS, tôi vẫn ngộp thở trong hàng đống bài tập mà tôi không theo kịp bởi kiến thức nền tảng chưa vững. Tôi thực sự chưa xóa được mất gốc.

Mỗi ngày đi học IELTS với tôi là một ngày ác mộng, phát âm không chuẩn, mất nhiều thời gian để làm bài tập, tôi lại ngại hỏi giáo viên. Vì vậy, càng ngày, tôi thấy mình đi tụt lùi cho dù trung tâm vẫn khăng khăng rằng tôi đã hết mất gốc, vẽ ra kế hoạch tôi cần học ít nhất 4 khóa nữa để đạt 6.5 IELTS và hứa hẹn đủ điều.

Ước gì

Sau hơn một năm, tôi cảm thấy như mình vẫn chưa có kiến thức gì nhiều. Không tự tin sẽ đạt 5.5 IELTS, tôi không dám đăng ký đi thi, việc ra trường vẫn bị chậm trễ, kiến thức tiếng Anh vẫn như “một mớ bòng bong”. Tôi ước rằng mình đã có nền tảng và định hướng sớm, việc lấy chứng chỉ IELTS của tôi sẽ dễ dàng hơn.


“IELTS không giúp nhiều khi đi làm, lại mau hết hạn”

Trương Vi (1997) - Nhân viên pháp chế

Chuyện của tôi

Tôi từng là sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, Đại học Luật Hà Nội. Để ra trường, tôi phải đạt điều kiện tiếng Anh là chứng chỉ IELTS 6.5. Lúc đó, tôi cũng nghĩ rằng khi có chứng chỉ IELTS, hồ sơ xin việc của tôi sẽ uy tín hơn đối với nhà tuyển dụng.

Tuy nhiên, khi ứng tuyển và phỏng vấn tại công ty đầu tiên, đã nộp chứng chỉ để chứng minh, tôi vẫn phải phỏng vấn và làm bài kiểm tra bằng tiếng Anh để kiểm tra trình độ. Công ty sẽ không nhìn vào chứng chỉ để đánh giá, họ sẽ nhìn nhận thực tế bạn thể hiện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết ra sao.

Rất nhiều người khi thi IELTS chỉ học mẹo, học vẹt để đạt điểm cao. Trên thực tế lại hổng kiến thức, không thành thạo

kinh nghiem hoc IELTS anh 3

Chi phí dành cho việc ôn luyện tại trung tâm là 20 triệu, chưa kể chi phí thi, tôi mất một khoản kha khá để đủ điều kiện ra trường.

Sau 2 năm, chứng chỉ IELTS của tôi hết hạn, tôi chuyển việc, và một lần nữa nhận ra có chứng chỉ IELTS chỉ là một lợi thế. Nó không ảnh hưởng quá nhiều đến kết quả xin việc hay quá trình tôi làm việc tại công ty.

Trong quá trình làm việc, tôi sử dụng tiếng Anh pháp lý khá nhiều, cũng không sử dụng toàn bộ bốn kỹ năng trên chứng chỉ, chủ yếu vận dụng kỹ năng viết. Những kỹ năng này tôi đã thành thạo và tự tin nếu không cần có chứng chỉ IELTS, tôi vẫn làm được.

Ước gì

Tôi nhận ra rằng nếu IELTS không phải là điều kiện chuẩn đầu ra ở đại học, hoặc các công ty mình ứng tuyển không yêu cầu, tôi sẽ không lấy chứng chỉ vì chi phí rất tốn kém. Ngoài ra, tôi nghĩ trình độ tiếng Anh thể hiện bằng năng lực thực tế, không chỉ dựa trên chứng chỉ. Nếu có ước, tôi chỉ ước mình học sớm hơn để điểm thi cao hơn.


“Chuẩn bị chi phí và lên kế hoạch học tập cụ thể”

Phương Linh (1999) - Chuyên viên Tư vấn tuyển sinh

Câu chuyện của tôi

Giống như nhiều người, trường đại học của tôi cũng yêu cầu chuẩn đầu ra IELTS 6.5. Chứng chỉ chỉ có thời hạn trong 2 năm, vì vậy, đến năm thứ hai, tôi bắt đầu đăng ký học tại trung tâm, dự kiến học trong một năm và sẽ thi vào năm thứ ba.

Tôi mất khá nhiều tiền cho việc học này - 50 triệu đồng/năm học. Đương nhiên, nhiều trung tâm có mức phí rẻ hơn, tôi vẫn lựa chọn trung tâm đó vì quá thích và nghĩ rằng mình có điều kiện chi trả.

kinh nghiem hoc IELTS anh 4

Và tôi đã sai lầm với sở thích của mình. Thuyết phục mãi, tôi cũng được đóng theo 3 đợt, mỗi đợt khoảng hơn 16 triệu. Tuy nhiên, điều đó không dễ dàng như tôi nghĩ. Chi phí bố mẹ trợ cấp hàng tháng là không đủ. Trong nhiều tháng, tôi học trên trường, học ở trung tâm, và phải xoay sở đi làm thêm để kiếm tiền chi trả học phí.

Cũng vì vậy mà tôi không thể tập trung luyện thi, không có kế hoạch học tập cụ thể. Ngoài việc làm đề giáo viên giao, tôi không dành nhiều thời gian cho việc học thêm, việc học vì vậy mà chậm tiến bộ.

Tuy nhiên, dự định của tôi đổ bể khi dịch Covid-19 diễn ra. Mọi hoạt động học tại trung tâm và tổ chức thi bị dừng, tôi mất thêm một năm nữa chờ đợi. Đinh ninh còn lâu mới được thi, tôi bắt đầu không luyện thường xuyên, kiến thức cũng rơi rụng phần nào. Tôi bắt đầu học mẹo để kịp thi.

May mắn, sau hai năm, tôi cũng có trong tay chứng chỉ, đủ điều kiện ra trường. Nhưng thực tế, các kỹ năng tôi có không thực sự thành thạo.

Ước gì

Sau khoảng thời gian đó, tôi quan tâm đến việc lập kế hoạch nhiều hơn. Nhưng để thực hiện kế hoạch lâu dài cần sự kỷ luật của bản thân.

Tôi cũng ước mình đã suy nghĩ thấu đáo hơn. Thay vì chi 50 triệu đồng vào một trung tâm, tôi sẽ chọn nơi có chi phí phù hợp hơn, để không phải chật vật xoay sở tiền như ngày đó.


“Ngoài IELTS, tôi phải biết cả tiếng Anh chuyên ngành”

Minh Tú (1995) - Cựu sinh viên trường Luật, Đại học Indiana, Mỹ

Câu chuyện của tôi

Năm 2018, tôi bắt đầu sang Mỹ du học thạc sĩ ngành Luật. Lúc đó, trình độ tiếng Anh của tôi là 7.5 IELTS, nhưng không phải tất cả. Với đặc thù ngành Luật, tôi phải học thêm tiếng Anh pháp lý để làm bài tập và đi thực tập.

Điều này phân biệt rất rõ với tiếng Anh IELTS về cấu trúc, từ vựng, ngữ nghĩa, cú pháp. Bởi, tiếng Anh pháp lý sẽ mang tính riêng biệt, học thuật, có đặc trưng của hệ thống pháp luật nơi tôi theo học, cùng các khái niệm trong luật quốc tế.

Nghĩa là tôi phải biết phân tích một vụ việc có sẵn, lọc ra những vấn đề pháp lý, nghiên cứu án lệ để tìm dẫn chứng cho luận điểm của mình, và trả lời được cho vấn đề pháp lý phải xử lý - tất cả đều bằng tiếng Anh.

Ngoài ra, tôi được biết, với những chương trình thạc sĩ yêu cầu luận văn là điều kiện tốt nghiệp, thì việc học viết học thuật là cực kỳ cần thiết.

Viết học thuật khác kỹ năng viết trong chứng chỉ IELTS ở chỗ nó sẽ không đòi hỏi người viết phải viết hoa mỹ. Thay vào đó, phải trình bày kết luận khoa học của mình bằng tiếng Anh một cách rõ ràng, dễ hiểu, tránh việc “múa chữa lòe người” và đảm bảo liêm chính học thuật.

Ước gì

Nếu được, tôi nghĩ rằng mình nên học hoặc tìm hiểu về viết học thuật sớm, tại những địa điểm hướng dẫn uy tín. Chứng chỉ IELTS quan trọng, nhưng không đủ cho việc học thạc sĩ ở nước ngoài. Tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ chung, vì vậy, nên coi việc thành thạo nó là điều hiển nhiên, thay vì đánh giá cao.

Ngọc Bích

Đồ họa: Mỷ Thi

Bạn có thể quan tâm