Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

5 sai lầm khi dùng dầu tẩy trang khiến da thêm dầu nhờn, bùng mụn

Dầu tẩy trang có hiệu quả cao trong việc làm sạch lớp trang điểm, dầu thừa và bụi bẩn trên da. Nhưng nếu không dùng đúng cách có thể khiến da bạn trở nên tệ hại.

Dầu tẩy trang có lẽ là thứ dễ nhất để khơi mào một cuộc tranh luận về chăm sóc da. Một số người coi nó là "chén thánh" - có hiệu quả tuyệt vời trong việc loại bỏ mọi lớp trang điểm và bụi bẩn. Những người còn lại ủng hộ quan điểm không bao giờ dùng dầu tẩy trang, đặc biệt đối với da dầu và dễ bị mụn.

Tuy nhiên, phần lớn bác sĩ da liễu tin rằng không nên coi dầu tẩy trang là "tội đồ". Điều quan trọng là trước khi sử dụng, cần lưu ý về cơ chế hoạt động của nó và những sai lầm tai hại khiến cho việc dùng dầu tẩy trang khiến da thêm dầu nhờn, bít tắc.

Theo tiến sĩ Lian A. Mack, chuyên gia da liễu làm việc tại New York (Mỹ), thì: "Dầu tẩy trang là nhũ tương dầu trong nước, nghĩa là giọt dầu nhỏ được ngâm trong nước, nơi chúng không bị hòa tan".

"Dầu hòa tan trong dầu" là nguyên tắc áp dụng cho các loại dầu tẩy trang - khiến nó liên kết với bụi bẩn trên da và cuốn trôi chúng. Dù "dầu không tan trong nước", nhưng dầu tẩy trang lại có công thức được thiết kế để "nhũ hóa" khi tiếp xúc với nước - nghĩa là hai hợp chất này sẽ dính vào nhau và biến thành chất lỏng màu trắng sữa để loại bỏ cặn bẩn khỏi mặt.

su dung dau tay trang anh 1

Dầu tẩy trang có hiệu quả tốt trong việc tẩy lớp trang điểm, loại bỏ dầu thừa và bụi bẩn trên da. Ảnh: Pexels.

Dầu tẩy trang giúp loại bỏ mọi bụi bẩn và cặn gốc dầu trên da, loại bỏ bã nhờn dư thừa và làm sạch lỗ chân lông bít tắc. Bên cạnh đó, loại tẩy trang này giúp khóa độ ẩm, khiến cho làn da khô trông ẩm mượt và căng mọng hơn.

Dưới đây là những sai lầm cần tránh khi sử dụng dầu tẩy trang:

1. Thoa dầu tẩy trang lên da ướt

Bác sĩ da liễu Rachel Nazarian (New York) cho biết: "Một sai lầm lớn mà tôi thấy mọi người thường mắc là hòa dầu tẩy trang với nước rồi thoa lên mặt. Vì nước và dầu đẩy nhau nên thoa lên mặt và tay khi ướt sẽ cản trở quá trình làm sạch".

Trước khi sử dụng dầu tẩy trang, cần đảm bảo da mặt và tay khô ráo. Bạn đổ dầu ra tay rồi massage đều khắp mặt trong ít nhất 60 giây theo chuyển động tròn để lấy đi lớp trang điểm, bụi bẩn, dầu thừa một cách tự nhiên.

2. Nhũ hóa bằng nước lạnh

su dung dau tay trang anh 2

Không nên nhũ hóa dầu tẩy trang bằng nước lạnh. Ảnh: Pexels.

Sau khi massage khoảng một phút với dầu tẩy trang, thêm nước ấm lên mặt và bắt đầu quá trình nhũ hóa để loại bỏ dầu thừa, cặn bẩn. Khi nhũ hóa, dùng lượng nước đủ ướt bàn tay, massge nhẹ nhàng theo hình tròn để dầu hòa với nước thành dạng trắng đục. Lặp lại bước này trong một phút cho đến khi hết màu trắng đục.

Với bước nhũ hóa, nhiệt độ của nước là rất quan trọng. Không nên nhũ hóa bằng nước lạnh.

"Nước càng lạnh, dầu có khả năng đông lại thành dạng rắn và làm phản tác dụng. Nước ấm giúp dầu tẩy trang kết hợp hiệu quả với dầu và bụi bẩn trên da và hòa vào nước", bác sĩ Nazarian nói.

Cô nhấn mạnh thêm rằng nên dùng nước ấm chứ không phải là nước nóng, vì nhiệt độ cao sẽ làm hỏng hàng rào bảo vệ da, làm mất một số thành phần dưỡng chất trong dầu tẩy trang và khiến da mất hết độ ẩm, bị khô.

3. Dùng quá nhiều dầu tẩy trang

Một lỗi lớn khác về dầu tẩy trang mà các bác sĩ da liễu thường thấy là sử dụng quá nhiều dầu tẩy trang, khiến việc tẩy trang trở nên khó khăn.

Lượng dầu còn sót lại dù rất ít trên da cũng có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông và gây ra mụn không mong muốn.

Bác sĩ Mack khuyên bạn nên sử dụng một lượng nhỏ, khoảng bằng một đồng xu. "Một ít dầu tẩy trang có thể phát huy tác dụng rất tốt", cô nói.

4. Không "double cleansing"

Nếu da bạn bị lên mụn sau khi dùng dầu tẩy trang, rất có thể do bạn đã không làm sạch hoàn toàn dầu thừa. Bạn cần double cleansing (làm sạch kép hay rửa mặt hai lần), có nghĩa dùng dầu tẩy trang (sản phẩm gốc dầu) rồi đến sữa rửa mặt (sản phẩm gốc nước).

"Hãy sử dụng một loại sữa rửa mặt dịu nhẹ để nhẹ nhàng làm sạch dầu thừa", bác sĩ Mack khuyên. Cô nói thêm rằng nếu đã làm sạch kép mà vẫn lên mụn, có thể bạn đang dùng sai loại dầu tẩy trang gây bít tắc lỗ chân lông.

5. Làm sạch bằng dầu tẩy trang quá thường xuyên

su dung dau tay trang anh 3

Cần quan sát tình trạng da để điều chỉnh việc dùng dầu tẩy trang. Ảnh: Pexels.

Khi sử dụng dầu tẩy trang, cũng như bất kỳ loại mỹ phẩm nào, nên quan sát hiệu quả và phản ứng của da để xem nó có phù hợp không.

"Nếu dùng dầu tẩy trang quá thường xuyên, có thể lấy đi quá nhiều dầu nhờn tự nhiên của da, khiến tuyến bã nhờn rơi vào trạng thái "hoảng loạn" dẫn đến tăng tiết dầu nhiều hơn để bù đắp", Sarah Villafranco, Tiến sĩ Y khoa, bác sĩ và người sáng lập Osmia Organics, nói với WellandGood.

Vì vậy, các chuyên gia khuyên bạn nên sử dụng dầu tẩy trang một lần một tuần rồi quan sát phản ứng của da, sau đó mới tăng tần suất. Nếu thấy da mình bị khô, hãy cân nhắc cắt giảm số lần dùng dầu tẩy trang.

Cách sử dụng dầu tẩy trang đúng cách:

Bước 1: Lấy một lượng dầu tẩy trang bằng đồng xu ra tay sạch và thoa lên da khô.

Bước 2: Nhẹ nhàng massage dầu vào da theo chuyển động tròn. Điều này sẽ tạo ra ma sát làm nóng cả da và sản phẩm, mở lỗ chân lông để dầu thẩm thấu tốt hơn.

Bước 3: Sử dụng nước ấm và khăn mặt ẩm để loại bỏ dầu tẩy trang cùng mọi tạp chất bám trên da. Điều quan trọng là phải đảm bảo dầu tẩy trang được rửa sạch hoàn toàn trước khi chuyển sang các bước chăm sóc da sau đó, vì nếu để dầu tẩy trang trên da có thể làm tắc lỗ chân lông (và gây ra mụn), ngăn các sản phẩm khác thẩm thấu vào da.

Bước 4: Làm sạch kép với sữa rửa mặt.

AI có cướp đi công việc của chúng ta?

Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.

Gen Z đã sai về kem chống nắng

Các cuộc khảo sát cho thấy nhiều người trẻ đang tiếp nhận thông tin sai lệch về kem chống nắng và ung thư da từ mạng xã hội, dẫn đến lỗ hổng kiến ​​thức và hành vi nguy hiểm.

Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm