Mồ côi cha vẫn đỗ thủ khoa
Năm 2013, ghi dấu của nhiều gương mặt có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn đạt thành tích cao. Cậu học trò nghèo Lê Minh Cường, học sinh lớp 12C11 trường Tư thục Quốc Văn (TP.HCM) chính là một trong những người như thế khi cậu đỗ thủ khoa ĐH Sư phạm TP.HCM với điểm số 28,5.
Cường là có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: ba mất ngày cậu mới lên 4 tuổi vì bệnh ung thư, một mình mẹ nuôi 3 chị em ăn học và nhiều năm nay, gia đình Cường luôn nằm trong số những hộ nghèo nhất của xóm.
Cuộc sống của 4 người trong gia đình trông chờ vào tiền đi làm thêm của người mẹ, ngày cao nhất cũng chỉ được khoảng 100.000 đồng.
Năm lớp 9 Cường giành giải nhất môn Toán trong kì thi cấp tỉnh được trường tư thục Quốc Văn trao học bổng. Nhờ đó Cường được tiếp tục đi học, theo đuổi niềm đam mê trở thành thầy giáo của mình.
Tự mò mẫm học hành với mong muốn mang cái chữ để “đánh lùi” cái khổ đã bám riết gia đình, Cường đã đạt được kết quả xứng đáng, không chỉ trở thành tân sinh viên của trường Đại học Sư phạm TP.HCM mà còn là một thủ khoa khiến thầy cô và gia đình tự hào.
Minh Cường ngoài cùng bên trái. |
Cùng hoàn cảnh mồ côi cha như Cường là thủ khoa 29 điểm của ĐH Bách khoa TP.HCM Nguyễn Hoàng Nam. Cha mất từ khi còn nằm trong bụng mẹ, cậu vượt qua mọi khó khăn, giành thành tích học tập xuất sắc.
Cơm nguội với muối vừng là bữa sáng thường xuyên của mẹ con Nam. Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, Nam chưa bao giờ nản chí, cậu học trò trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) luôn cố gắng học thật tốt coi như món quà tặng mẹ.
12 năm liền Nam là học sinh giỏi, điểm tổng kết trung bình môn Toán luôn đạt 10.0; đạt giải khuyến khích Toán học sinh giỏi quốc gia khi đang theo học lớp 11, HCV Olympic truyền thống 30/4 lớp 11.
Hoàng Nam và mẹ. |
Cô gái mượn sách bạn ôn thi đỗ thủ khoa
Nguyễn Thị Lệ Huyền, học sinh Trung tâm giáo dục thường xuyên Huế, xuất sắc đỗ thủ khoa ngành Sư phạm tiểu học tại trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế.
Sau 5 năm phải nghỉ học giữa chừng để đi làm, trang trải cuộc sống gia đình, cô gái sinh năm 1989 quyết định trở lại trường học.
Mất kiến thức nền tảng cộng thêm việc dừng học quá lâu, Lệ Huyền gặp không ít khó khăn trong ngày đầu trở lại trường. Gia cảnh khó khăn, không đủ tiền mua sách tham khảo, đi học thêm; Huyền mượn vở bạn bè về để ôn thi. Và kết quả cho quãng ngày ôn luyện chăm chỉ là danh hiệu thủ khoa ĐH Sư phạm với 25 điểm.
Lệ Huyền tiếp tục con đường học tập của mình dù còn nhiều vất vả. |
Chàng thủ khoa nghèo của miền quê Ứng Hòa
Nguyễn Hữu Tiến là một trong những thủ khoa thủ khoa được nhắc đến nhiều nhất trong năm vừa qua. Tiến đỗ thủ khoa ĐH Y Hà Nội với 29,5 điểm và đỗ ĐH Dược với 27 điểm, cậu em trai sinh đôi cũng đỗ ĐH Bách Khoa Hà Nội với 26 tuổi.
Phía sau danh hiệu thủ khoa của Tiến là câu chuyện của một gia đình nông dân nghèo khó phải bươn trải quanh năm để con cái được ăn học đàng hoàng. Cha của Tiến từng phải sống trong ống cống hoang làm nghề bơm vá xe, người mẹ đi nhổ lông vịt thuê mỗi ngày để dành dụm cho các con ăn học.
Không được đi học thêm, ôn thi như các bạn, sau mỗi giờ học trên lớp, Tiến lại cùng em trai tự ôn bài ở nhà, mượn thêm sách vở của các bạn và làm lại các đề thi từ năm trước.
Thủ khoa Nguyễn Hữu Tiến. |
Cậu học trò khiếm thị đỗ thủ khoa đại học
Nguyễn Đình Chung sinh ra trong một gia đình nghèo ở thôn Ngang Nội (Hiên Vân, Tiên Du, Bắc Ninh). Sinh ra, Chung không được may mắn như những đứa trẻ khác khi một bên mắt vĩnh viễn không nhìn được, mắt còn lại thị lực chỉ đạt 1/10.
Vượt lên hoàn cảnh của bản thân, cậu học trò khiếm thị quê Bắc Ninh vẫn đỗ thủ khoa ĐH Kinh Bắc với 24,5 điểm; đồng thời Chung cũng đỗ trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội với 26 điểm.
Đình Chung và bố. |
Đã từng đến trường trong sự trêu đùa, kì thị của bạn bè nhưng chưa bao giờ cậu học trò Nguyễn Đình Chung cảm thấy tự ti và nản lòng. Kết quả học tập cao chính là lời khẳng định của Chung với bạn bè và là phần thưởng cho chàng trai khiếm thị.
Mỗi thủ khoa lại có một câu chuyện, nhưng tất cả đều mang chung một cái tên “nghị lực” và niềm đam mê được đến trường để theo đuổi ước mơ của bản thân.