Trưa 19/12, 6 trẻ nhỏ đến chơi tại khu vực một hộ dân vừa múc đất để làm móng nhà tại xã Nậm Nhoóng, huyện Quế Phong (Nghệ An). Lúc này, vách đất mới được máy múc bạt núi đổ ập xuống, vùi lấp 5 trẻ. Sự việc khiến một trẻ tử vong, 4 bé còn lại phải nhập viện.
Theo lãnh đạo địa phương, vách đất nơi xảy ra vụ việc vừa được chủ nhà thuê máy đào về hạ nền để làm nhà. Do đất pha cát nên dễ sạt lở.
Trong vụ việc này, ai phải chịu trách nhiệm với gia đình của các em nhỏ?
Luật sư Lưu Kiều Trang - Phó giám đốc Công ty Luật Hà Trọng Đại và cộng sự
Cần làm rõ nguyên nhân sự việc và điều kiện đảm bảo an toàn lao động, từ đó xác định trách nhiệm của người lái máy xúc trong vụ việc này. Để có căn cứ xem xét có khởi tố vụ án hình sự hay không, cơ quan điều tra cần xem xét 2 yếu tố cấu thành tội phạm hình sự, đó là yếu tố chủ quan và khách quan của hành vi này.
Về mặt chủ quan, cần xác minh người lái máy xúc có cố tình thực hiện hành vi nhằm gây hậu quả nghiêm trọng hay sự việc bởi lỗi cẩu thả hoặc yếu tố khách quan gây ra? Về mặt khách quan, cần xác minh người này đã đảm bảo đúng các quy định về an toàn trong lao động sản xuất theo Luật An toàn, vệ sinh lao động và Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4447:2012 như đặt biển cảnh báo, lắp đặt rào chắn nhằm hạn chế người qua lại chưa?
Trường hợp đủ căn cứ xác định hành vi của người lái máy xúc có dấu hiệu tội phạm hình sự, cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người theo Điều 295 Bộ luật Hình sự 2015.
Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: L.T. |
Trường hợp không xử lý hình sự, những người có trách nhiệm liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự cho gia đình các em nhỏ bị đất đá vùi lấp.
Điều 584, 587 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe... của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người được xác định tương ứng với mức độ lỗi của họ. Nếu không xác định được thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.
Tình huống này, người lái máy xúc thực hiện múc đất mà không đảm bảo an toàn lao động, xâm phạm trực tiếp sức khỏe, tính mạng của 5 em nhỏ. Ngoài ra, chủ công trình là người quản lý, thuê máy đào về để hạ nền nên cũng sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường cho các gia đình bị thiệt hại. Nếu xác định được mức độ lỗi của từng người thì người gây thiệt hại sẽ bồi thường tương ứng với mức độ lỗi đó. Nếu không xác định được mức độ lỗi, họ phải bồi thường bằng nhau.
Trường hợp người lái máy xúc chỉ có lỗi một phần, anh ta sẽ chỉ phải bồi thường phần thiệt hại được xác định do mình gây ra còn nếu sự việc xảy ra hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng, theo Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015, người này sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Ngoài ra, theo Khoản 2 Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015, người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
Như vậy, trong trường hợp xác định việc sạt lở đất là do sự kiện bất khả kháng và người lái máy xúc cũng như chủ công trình không thể lường trước được sự kiện đó xảy ra thì chủ công trình và những người liên quan sẽ không phải bồi thường thiệt hại. Ngoài ra, họ có thể được giảm mức bồi thường khi chứng minh được lỗi của họ là lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của họ.