Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

50 nghệ nhân mọi miền đất nước quy tụ trong Dàn nhạc Seaphony

Chương trình nghệ thuật "Đêm vô thức bản địa" của Dàn nhạc Seaphony quy tụ hơn 50 nghệ nhân, nhạc công, nhạc sĩ đến từ các vùng miền trên cả nước.

Nghệ nhân hào hứng vì được đi máy bay ra Hà Nội Nghệ nhân Tít (Tây Nguyên) tỏ ra hào hứng khi được tham gia vào Dàn nhạc dân tộc bản địa Việt Nam

Dàn nhạc dân tộc bản địa Việt Nam với sự tham gia của nhiều nghệ nhân văn hóa của các vùng, miền trong cả nước sẽ có buổi diễn đầu tiên vào tối 12/12 tại Hà Nội. Chương trình được đặt tên là Đêm vô thức bản địa.

Các nghệ sĩ sẽ cùng hòa tấu những âm thanh độc đáo và đặc sắc của đàn môi, kèn lá, đàn tính, đàn goong, cồng chiêng, trống pa ra nưng, trống gineng, đàn đó... cũng như những làn điệu, bài ca chất chứa nhiều tâm tư, tình cảm.

Để tổ chức Đêm vô thức bản địa, các nghệ sĩ Nguyễn Nhất Lý, Nguyễn Mạnh Tiến, cùng các cộng sự đã đi đến các bản làng miền núi phía Bắc như Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Lạng Sơn, Điện Biên, Yên Bái, Hà Giang; đến buôn làng ở 5 tỉnh Tây Nguyên cũng như làng Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận, để tập hợp các nghệ nhân và tuyển chọn các nhạc khí tiềm năng cho dàn nhạc.

50 nghe nhan tham gia dan nhac anh 1
Buổi diễn "Đêm vô thức Chăm" hôm 30/9.

Nghệ sĩ Nguyễn Nhất Lý cho biết âm nhạc dân tộc của Việt Nam và các nước Đông Nam Á có nhiều nét tương đồng khi có nhiều nhạc cụ được làm từ mây, tre, nứa và các bộ cồng chiêng làm từ đồng. Việc tập hợp được các nghệ nhân dân gian chơi những loại nhạc cụ truyền thống Việt Nam là cả quá trình dài, được làm theo lộ trình.

Trước mắt, những người thực hiện mới quy tụ được nhóm khoảng 50 nghệ nhân, nhạc công, nhạc sĩ đến từ các vùng, miền trên cả nước để thành lập Dàn nhạc dân tộc bản địa Việt Nam. Trong năm tới, các nghệ sĩ sẽ đến các quốc gia Đông Nam Á để tiếp tục vận động, quy tụ những nghệ nhân, nghệ sĩ các quốc gia này cùng tham gia ban nhạc.

Nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Tiến cho biết ê-kíp thực hiện gặp nhiều khó khăn trong việc vận động các nghệ nhân tham gia. Nhiều người là phụ nữ, để thuyết phục được họ tham gia còn phải thuyết phục cả dòng tộc, gia đình.

Sau nhiều tháng kiên trì, vận động, thuyết phục, nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ đã được tập hợp để có được hình hài ban đầu của Dàn nhạc dân tộc bản địa Việt Nam.

50 nghe nhan tham gia dan nhac anh 2
"Đêm vô thức Tây Nguyên" đã diễn ra vào ngày 30/6.

Từ tháng 3, ê-kíp thực hiện đã cho ra mắt 3 chương trình: Đêm vô thức Tây Bắc (31-3), Đêm vô thức Tây Nguyên (30-6) và Đêm vô thức Chăm (30-9).

Đêm vô thức bản địa vào ngày 12/12 tại Nhà hát Lớn sẽ tập hợp những phần biểu diễn hay nhất của 3 buổi diễn trước đó.

Những người thực hiện hy vọng dự án này sẽ mở ra hướng mới cho việc kết nối cộng đồng những nghệ nhân, nghệ sĩ trong nước và khu vực, để từ đó có thể giới thiệu rộng rãi hơn văn hóa của Việt Nam và các nước trong khu vực ra thế giới.

Nghệ sĩ dương cầm và vĩ cầm cùng làm đêm nhạc cổ điển

Nghệ sĩ Nhân dân Ngô Văn Thành, Nguyễn Công Thắng và Đào Trọng Tuyên sẽ cùng biểu diễn trong "Romantic concert" diễn ra vào đầu tháng 12 tới đây tại Hà Nội.

Khuê Tú

Bạn có thể quan tâm