Nhận định nho cảnh sẽ hút hàng vào dịp Tết Mậu Tuất 2018, anh Nguyễn Vui, chủ nhà vườn ở thị trấn Phước Dân, Ninh Phước (Ninh Thuận) chuẩn bị 5.000 chậu để tung ra thị trường.
Anh Vui là thợ điện, vào năm ngoái, khi tình cờ thấy được nhu cầu chơi nho cảnh của người dân ngày càng cao, anh bỏ nghề để trở về với cái gốc người trồng nho.
Chăm sóc nho cảnh chuẩn bị Tết tại nhà vườn Toàn Thịnh. Ảnh: Tuấn Kiệt. |
Tận dụng những gốc nho dại, nho thải của người dân, anh Vui mua về chăm sóc, cấy ghép thành những chậu kiểng. Với kinh nghiệm của người dân ở thủ phủ nho, anh Vui có thể cho cây ra hoa, đậu trái và chín vào đúng thời điểm Tết.
"Mấy năm trước tôi trồng thử nghiệm và chỉ bán cho những vựa hoa kiểng nhưng thấy nhu cầu rất lớn. Năm nay tôi mạnh dạn đầu tư 5.000 chậu để tung ra thị trường", anh Vui nói.
Theo anh Vui, ngày Tết chưng nho cảnh nhằm cầu mong cho gia chủ có tài lộc, sức khỏe. Trái nho hình cầu sẽ giúp hấp thụ những luồng khí không tốt, chùm nho xum xuê có ý nghĩa cầu mong sự sung túc.
Anh Nguyễn Vui bên vườn nho chiết cành làm nho kiểng. Ảnh: Tuấn Kiệt. |
Ngoài trồng nho cảnh từ những gốc nho dại, anh Vui còn mua những dàn nho vừa ra trái để chiết cành vào chậu, làm nho kiểng đúng dịp Tết.
“Những cành nho sau khi chiết, rễ mạnh sẽ được vào chậu, chăm sóc khỏe mạnh mới bán. Nho kiểng sau khi chưng ngày Tết có thể ăn trái, tiếp tục trồng ra trái các mùa vụ sau”, anh Vui giải thích.
Giá bán mỗi chậu nho kiểng tại đây dao động từ 120.000-150.000 đồng, nếu khách hàng đặt chậu riêng, giá có thể cao hơn. Mỗi mùa Tết có thể đem lại cho anh Vui thu nhập gần 200 triệu đồng.
Ninh Thuận được xem là thủ phủ nho của cả nước với diện tích trồng nho hơn 1.200 ha, sản lượng hàng năm hơn 30.000 tấn.
Ninh Thuận, thủ phủ nho của cả nước. Ảnh: Google Maps. |