Sở GD&ĐT TP.HCM vừa báo cáo kết quả tổ chức học tập trực tiếp tại cơ sở giáo dục từ 13/12 đến 26/12.
Theo đó, toàn thành phố có 254/286 trường THCS tổ chức dạy học trực tiếp với 88.161 học sinh. Số học sinh tới trường đạt tỷ lệ 97,63%. Những em chưa đi học trực tiếp trong thời gian này chủ yếu vào diện đang là F0, ở khu vực cách ly hoặc chưa trở lại thành phố.
Khối THPT có 185/204 trường tổ chức đón học sinh. Tỷ lệ học sinh đến trường đạt 96,02%.
Sở giáo dục cho biết đa phần các trường chưa thể đón học sinh thuộc huyện Củ Chi hoặc trường ngoài công lập, học sinh chưa trở lại thành phố.
Khối giáo dục thường xuyên có 4 trường THPT chưa thể cho học sinh đến lớp vì gặp khó khăn về cơ sở vật chất, một số đơn vị do đặc thù của cơ quan chủ quản.
![]() |
55 trường học tại TP.HCM chưa thể đón học sinh tới trường. Ảnh: Chí Hùng. |
Tình hình hai tuần thí điểm dạy học trực tiếp được sở giáo dục đánh giá có nhiều thuận lợi khi có sự phối hợp nhịp nhàng giữa ngành giáo dục và y tế trong việc kiểm tra, thẩm định kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp; phát hiện, xử lý F0 trong trường; tập huấn cho đội ngũ giáo viên; khử khuẩn trường học.
Trong thời gian 2 tuần thí điểm, TP.HCM ghi nhận 60 ca F0 là giáo viên, nhân viên, học sinh. Tất cả đều được xử lý an toàn. Đây là cơ sở để ngành giáo dục thành phố đề xuất với UBND TP.HCM mở rộng cho học sinh khối 7, 8, 10, 11 cùng đến trường từ ngày 3/1/2022.
Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết do một số trạm y tế địa phương đang quá tải dẫn đến tình trạng một vài trường không được cơ quan y tế địa phương hỗ trợ kịp thời khi phát hiện và xử lý F0.
Các cơ sở giáo dục gặp khó khăn về thiết bị y tế để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch trong nhà trường như thiếu đồ bảo hộ, bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh Covid-19. Nhiều trường cũng đang thiếu nhân viên y tế học đường chuyên trách.
Đặc biệt, có trường hợp phụ huynh không khai báo y tế với địa phương và nhà trường khi con mình mắc bệnh trong thời gian học trực tiếp dẫn đến khó khăn khi khoanh vùng xử lý F1. Nhiều học sinh vẫn chủ quan, chưa thực hiện đúng các quy định phòng dịch.
Từ đó, Sở GD&ĐT TP.HCM tiếp tục kiến nghị UBND TP.HCM hỗ trợ bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh Covid-19 cho các cơ sở giáo dục. Để bổ sung nhân viên y tế cho trường học, sở mong muốn thành phố cho phép phối hợp với sở Nội vụ đề xuất cơ chế định biên vị trí việc làm với nhân viên y tế trường học.