Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

58 bài thi trắc nghiệm điểm 0 - đừng chỉ đổ lỗi cho thí sinh

Nhiều người cho rằng với số lượng bài thi bị điểm 0 lên đến 58, sai sót khó nằm ở thí sinh. Dù lỗi của phần mềm hay cán bộ chấm thi, Bộ GD&ĐT cũng nên làm rõ.

Sau khi báo chí thông tin sự việc, ông Sái Công Hồng, Phó cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT, cho biết 58 bài thi ở Tây Ninh bị điểm 0 do thí sinh tô sai mã đề, tô nhầm số báo danh và tô mờ đáp án. Sau đó, ông nói đây mới là nguyên nhân ban đầu theo báo cáo của đơn vị chấm trắc nghiệm, chưa phải kết luận cuối cùng của Bộ GD&ĐT.

Trong khi đó, phía trường ĐH Công nghệ Đồng Nai (đơn vị chấm thi trắc nghiệm tại Tây Ninh) khẳng định sai sót xảy ra do phần mềm chấm thi không nhận dạng được bản scan phiếu trả lời của thí sinh.

Đừng để thí sinh thiệt thòi

Đến nay, 58 bài thi bị điểm 0 ở Tây Ninh đã được trả lại điểm thực nhưng điều này không khiến dư luận yên tâm vì chưa xác định rõ trách nhiệm thuộc về ai và liệu sai sót này có xảy ra ở tỉnh, thành khác không.

58 bai thi bi diem 0 anh 1
Ông Sái Công Hồng cho biết thông tin 58 bài thi bị điểm 0 do thí sinh tô sai mã đề, tô nhầm số báo danh và tô mờ đáp án chỉ là nguyên nhân ban đầu. Ảnh: Việt Linh.

“Tây Ninh phát hiện ra để chấm phúc khảo, nếu tỉnh khác không phát hiện ra hoặc không đề nghị chấm phúc khảo, thí sinh sẽ thiệt thòi”, độc giả Hoàng Sơn viết.

Tài khoản Ma Cương cũng đặt câu hỏi tương tự và mong muốn bộ cho chấm chéo giữa các tỉnh để đảm bảo quyền lợi của nhiều thí sinh khác.

Bạn đọc Hải Trần giải thích quy định về việc tô số báo danh, mã đề được các trường hướng dẫn rất kỹ. Vào phòng thi, giám thị cũng nhắc nhở liên tục nên không thể đến 58 thí sinh trong một tỉnh mắc cùng lỗi.

Trong khi đó, Dương Minh cho rằng nếu thí sinh thực sự tô sai mã đề, số báo danh, trách nhiệm vẫn có phần của giám thị vì chưa kiểm tra kỹ trong quá trình coi thi và khi thu bài.

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng GD&ĐT - sai sót trong việc chấm thi đã rõ ràng. Một khi đã để xảy ra lỗi, Bộ GD&ĐT cần đứng ra làm việc với trường đại học phụ trách chấm thi. Hai bên đối thoại để tìm ra sai sót, làm rõ trách nhiệm để đảm bảo kỳ thi sau không xảy ra tình trạng tương tự.

Trên thực tế, trường hợp thí sinh tô nhầm có thể xảy ra nhưng thường được phát hiện và sửa sớm, chứ không phải để hơn 50 bài thi bị lỗi đến lúc chấm.

Độc giả Thái Sơn tỏ ra ngạc nhiên khi phía bộ nói đây là lỗi của thí sinh. Người này không tin vì số lượng bài bị điểm 0 lớn, chưa kể trong số thí sinh “mắc lỗi”, có em từng đoạt giải quốc gia, khó phạm sai sót như vậy.

Cụ thể, trường hợp em Lê Quang Kỳ là học sinh giỏi quốc gia 2 năm liên tiếp nhưng suýt trượt tốt nghiệp do có 3 bài thi 0 điểm càng khiến nhiều người tin tưởng lỗi không nằm ở thí sinh.

“Sai mã đề, số báo danh đến 3 lần thì đúng là hư cấu”, Nguyễn Khoa Thuận bình luận.

Vì thế, nhiều người cho rằng người lớn làm sai, nên nhận lỗi, đừng đổ lên thí sinh.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Sau trường hợp ở Tây Ninh, nhiều người đặt câu hỏi về phần mềm chấm thi cùng năng lực của một số cán bộ chấm thi trắc nghiệm. Họ hy vọng bộ sớm xác định sai sót ở khâu, bộ phận nào để kịp thời sửa chữa, tránh lỗi sai tương tự.

“Bộ GD&ĐT giải thích sau khi chuyện đã xảy ra nhưng chưa thấy nói rõ trách nhiệm thuộc về ai. Tây Ninh như vậy, những nơi khác thì sao?”, Nguyễn Xuân Quý bình luận.

Trong khi chờ bộ xác định rõ sai sót, nhiều người vẫn mong đợi cơ quan quản lý giáo dục "làm gì đó". Họ cho rằng không phải cứ 58 bài điểm 0 được đưa về điểm thật là thí sinh không chịu ảnh hưởng. Không ai dám chắc sai lầm của cán bộ hay phần mềm chấm thi trắc nghiệm (nếu có) chỉ ảnh hưởng kết quả thi của 58 thí sinh.

Tài khoản Hung cho rằng dư luận cần câu trả lời cụ thể, xác định lỗi ở đâu, ai chịu trách nhiệm. Người này không chấp nhận lý do trường chấm thi mới làm nên chưa có kinh nghiệm để biện minh cho việc 58 bài thi bị điểm 0.

Bị chấm nhầm điểm 0, thí sinh sốc, hoang mang vì suýt trượt tốt nghiệp

"Hoảng sợ, bật khóc, ám ảnh" là cảm giác mà thí sinh có bài thi bị chấm nhầm 0 điểm ở Tây Ninh trải qua từ khi biết mình có thể rớt tốt nghiệp đến lúc nhận kết quả phúc khảo.


Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm