Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

6 bài học giáo viên nhận được khi làm việc trong đại dịch

Covid-19 làm thay đổi nhiều yếu tố của ngành giáo dục. Qua đó, thầy cô nhận được những bài học mới về cách giảng dạy và tiếp cận học sinh.

bai hoc cho giao vien sau dai dich anh 1

1. Giáo dục là lĩnh vực đòi hỏi sự linh hoạt: Khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều cơ sở giáo dục trên thế giới phải chuyển qua việc dạy học trực tuyến. Trước những tình huống bất ngờ, các nhà giáo dục hiểu rằng họ cần phải chuẩn bị sẵn sàng để kịp thời ứng phó. Dù trẻ trở lại lớp, giáo viên vẫn phải nhanh chóng thay đổi phương thức nếu phát hiện ca mắc Covid-19 trong trường. Heather Morrison, nhà tư vấn giáo dục tại Mỹ, nhận ra giáo viên không có quyền kiểm soát hoàn toàn mọi hoạt động giáo dục. Thay vào đó, họ cần tư duy linh hoạt để đưa ra nhiều cách khác nhau nhằm giúp học sinh phát huy tốt khả năng trong việc học. Ảnh: Freepik.

bai hoc cho giao vien sau dai dich anh 2

2. Giáo viên cần tương tác nhiều hơn với phụ huynh, đồng nghiệp: Đại dịch đã làm thay đổi cách thức tương tác giữa giáo viên với phụ huynh. Trước đây, phụ huynh không có nhiều thời gian gặp gỡ giáo viên vì bận rộn. Nhưng hiện tại, việc tương tác đã thuận lợi hơn vì có Internet và các ứng dụng họp trực tuyến. Qua đó, phụ huynh cũng có thể nắm rõ tình hình học tập và các vấn đề của trẻ. Ngoài ra, các giáo viên có thêm cơ hội giúp đỡ nhau trong đại dịch. Mối quan hệ của họ cũng được cải thiện thông qua các hoạt động trao đổi, chia sẻ mẹo hữu ích khi dạy online. Ảnh: New York State Education Department.

bai hoc cho giao vien sau dai dich anh 3

3. Lịch học của trẻ cần được điều chỉnh: Khi chuyển từ việc dạy trực tiếp qua trực tuyến, nhiều trường học vẫn giữ nguyên lịch và thời lượng của tiết học. Thậm chí, thời gian của nhiều tiết học kéo dài gấp đôi so với khi học trực tiếp. Nếu ngồi quá lâu trước màn hình điện thoại, máy tính, trẻ dễ mệt mỏi và khó tiếp thu kiến thức. Vì thế, đại dịch đã đặt ra vấn đề mới về việc điều chỉnh lịch học. Giáo viên và học sinh cần nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn, thời lượng các tiết học cần được cắt giảm phù hợp. Ảnh: Houston Chronicle.

bai hoc cho giao vien sau dai dich anh 4

4. Trẻ cần được tương tác với bạn bè nhiều hơn: Khi học online, cơ hội nói chuyện, tương tác của trẻ bị giảm đi. Các em không còn cơ hội gặp gỡ trực tiếp và tương tác cùng bạn bè. Đối với những trẻ gặp khó khăn trong giao tiếp, học online có thể khiến các quan hệ xã hội bị thu hẹp. Vì thế, khi dạy học, giáo viên cần tạo cơ hội để trẻ được tương tác với bạn bè nhiều hơn. Tương tự với khi lập nhóm làm bài tập, bạn nên cho trẻ trò chuyện trước với nhau và để các em chủ động chọn bạn cùng nhóm. Ảnh: WeAreTeachers.

bai hoc cho giao vien sau dai dich anh 5

5. Nhiều học sinh phát huy tốt hơn khi học online: Việc học qua màn hình máy tính khiến phần lớn trẻ gặp khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức. Tuy nhiên, nhiều em lại phát huy tốt và cảm thấy thoải mái khi được học trực tuyến. Stacey Robinsmith, giáo viên trung học tại Mỹ, nói với CBC News rằng nhiều học sinh được "hưởng lợi" từ việc học online. Nhiều cơ sở giáo dục đã thành công với mô hình học tập kết hợp. Điều này giúp trẻ làm chủ việc học và trở nên tập trung hơn khi lên lớp. Các em cũng trở nên tự lập, biết cách sắp xếp thời gian phù hợp để cân bằng giữa việc học và nghỉ ngơi. Ảnh: Campus Security & Life Safety.

bai hoc cho giao vien sau dai dich anh 6

6. Không nên loại bỏ hoàn toàn việc học online: Những nền tảng trực tuyến như Zoom, Microsoft Teams cho phép giáo viên và học sinh kết nối với nhau trong giai đoạn dịch bệnh. Dù sau này các trường học khôi phục hoàn toàn việc dạy trực tiếp, chương trình dạy online không nên bị loại bỏ. Tiến sĩ Susan H. Shapiro tại Touro College (Mỹ) khuyên giáo viên và nhà trường nên tận dụng các nền tảng này, thậm chí tích hợp chương trình học để cung cấp cho những học sinh có nhu cầu. Ảnh: ELearning Industry.

Nhiều trẻ em ở Mỹ chọn học online vì sợ bị bắt nạt tại trường

Nhiều học sinh, đặc biệt là trẻ da màu, cho rằng học online là cách tốt nhất để các em tránh khỏi tình trạng bắt nạt khi ở trường.

Minh Thúy

Bạn có thể quan tâm