1. Bãi tắm Quy Nhơn
Nằm giữa trung tâm thành phố Quy Nhơn (Bình Định), bãi tắm kéo dài 5 km từ Mũi Tấn đến Ghềnh Ráng (Quy Nhơn), chạy dài theo hình vầng trăng khuyết. Năm 2014, tỉnh Bình Định đã di dời tàu bè, lồng nuôi hải sản để cải tạo bãi tắm Quy Nhơn thành bãi tắm du lịch.
Trên bãi cát vàng chạy dài theo bờ biển là những dịch vụ ăn uống, thư giãn. Đặc biệt, bãi tắm gần với con phố ẩm thực hải sản Xuân Diệu, du khách có thể vừa tắm biển vừa thưởng thức hải sản ngon tuyệt tại thành phố này.
2. Bãi tắm Hoàng Hậu
Bãi tắm Hoàng Hậu (thường được gọi là Bãi Trứng) nằm trong khu du lịch Ghềnh Ráng. Bãi tắm với những hòn đá nhỏ tròn như quả trứng xếp chồng lên nhau rất bắt mắt. Trước đây khi tới thành phố Quy Nhơn, Nam Phương Hoàng hậu đã lựa chọn nơi này nghỉ dưỡng vì thế cái tên bãi tắm Hoàng Hậu cũng ra đời.
Vẻ đẹp của bãi tắm thu hút rất nhiều du khách tìm đến. Ngoài việc thỏa thích nô đùa với sóng nước, đến đây bạn còn có thể tham quan khu du lịch Ghềnh Ráng, nhà thờ đá, mộ thi nhân Hàn Mặc Tử…
3. Bãi Dại
Bãi Dại, Bãi Xép là hai bãi tắm thuộc khu du lịch sinh thái Bãi Dại, Bãi Xép được khai thác phục vụ khách du lịch.
Từ thành phố Quy Nhơn đi theo tuyến đường Quy Nhơn - Sông Cầu (quốc lộ 1D), Bãi Xép cách thành phố Quy Nhơn chừng 8 km là khu du lịch sinh thái rừng và biển. Nơi đây thu hút khách du lịch bởi vẻ hoang sơ với bãi tắm trong xanh, bờ cát dài mịn và những ghềnh đá sóng vỗ ngày đêm.
4. Bãi Xép
Từ Bãi Xép đi thêm khoảng 1 km nữa là tới khu du lịch sinh thái Bãi Dại. Đặc điểm của những bãi tắm sinh thái nơi đây là biển lặng, làn nước trong xanh, bờ cát mịn màng và những ghềnh đá nhấp nhô trong sóng nước.
Bên cạnh tắm biển, đến đây du khách có thể thưởng thức những đặc sản biển ngay tại khu du lịch sinh thái này hoặc thưởng thức gà chỉ tại các quán dọc theo tuyến đường Quy Nhơn - Sông Cầu.
5. Bãi tắm Eo Gió
Nằm cách thành phố Quy Nhơn hơn 7 km, Eo Gió (thuộc bãi biển xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn) là một trong những eo biển tuyệt đẹp của tỉnh Bình Định. Xuất phát từ Quy Nhơn, đi qua cầu Thị Nại đến ngã ba Nhơn Hội rẽ theo hướng tay phải đi chừng 6 km trên trục đường trải nhựa thẳng tắp, tới đoạn chỉ dẫn đường rẽ phải là đến trung tâm xã Nhơn Lý. Tuyến đường đi tới Nhơn Lý còn được gọi là tuyến đường Nhơn Hội - Cát Tiến.
Từ trung tâm xã Nhơn Lý theo hướng dẫn của người dân địa phương đi bộ chừng 500 m là đến với Eo Gió. Đây là eo biển được ôm ấp bởi đá núi và phủ trắng xóa bọt sóng ngày đêm. Những dốc đá muôn hình vạn trạng đánh vào tầm mắt cảm giác độc, lạ và nguyên sơ. Đứng trên núi nhìn xuống, có thể cảm nhận được những cơn gió mạnh tràn qua, nhiều người nói rằng cái tên Eo Gió cũng xuất phát từ điều này.
Eo Gió đẹp nhất từ tháng 4 đến 9, lúc này trời êm, biển lặng, nước biển trong xanh. Đến Eo Gió bạn có thể khám phá những hang đá, trượt mình trên những bãi cát hay nằm nhởn nhơ ngắm trời, ngắm biển và cả đồng cỏ xanh với những đàn dê lang thang trên đồi.
Eo Gió chưa được khai thác nhiều, đến đây bạn phải chuẩn bị thức ăn, đồ uống hoặc đặt trước phần ăn tại các nhà hàng ngay trong xã.
6. Bãi tắm Hòn Khô
Hòn Khô còn được gọi với cái tên Cù Lao Hòn Khô, là một trong 32 hòn đảo nằm gần bờ của tỉnh Bình Định, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 16 km. Trải nghiệm thú vị nhất tại Hòn Khô (thuộc thôn Hải Đông, xã Nhơn Hải) chính là có thể lặn ngắm san hô dưới mặt nước biển chưa đầy 1 mét.
Từ thành phố Quy Nhơn đi qua cầu Thị Nai, theo trục đường khu kinh tế Nhơn Hội rẽ tay trái đi dọc con đường theo dãy núi Phương Mai là đến với xã biển Nhơn Hải. Từ biển Nhơn Hải bạn thuê một chiếc thuyền chở khách với giá 200.000 đồng, đi chừng 20 phút là đến với Cù Lao Hòn Khô. Du khách muốn trải nghiệm cảm giác làm ngư dân có thể lắc thúng ra Hòn Khô.
Mặt biển trong xanh tới tận đáy, nước cạn nên nhìn trên mặt nước có thể thấy những rạn san sô muôn màu. Bạn có thể ngâm mình trong nước ngắm san hô hoặc nằm trên cát nhìn trời, biển. Nếu muốn khám phá những điều hoang sơ, có thể men theo bãi cát chạy dọc quanh núi đá.
Ngay trên Hòn Khô, bạn sẽ được thưởng thức nhiều đặc sản như tôm hùm, ghẹ, ốc mặt trăng, ốc đá, ốc nón, cá dìa, cá mú… của ngư dân địa phương nuôi trồng và đánh bắt.