Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

6 bệnh truyền nhiễm dễ mắc vào mùa lạnh

Thời tiết lạnh, không khí ẩm lúc giao mùa là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn sinh sôi, gây ra nhiều bệnh truyền nhiễm.

Thời điểm giao mùa, trời chuyển lạnh đầu năm, nhiều người dễ bị nhiễm cúm. Ảnh minh họa: Unsplash.

Để chủ động phòng tránh dịch bệnh truyền nhiễm mùa đông xuân, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đã khuyến cáo người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh.

Việc đẩy mạnh các biện pháp phòng tránh dịch bệnh truyền nhiễm luôn cần được quan tâm đúng mức trước khi chúng bùng phát thành đại dịch. Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ thông tin 6 bệnh truyền nhiễm mùa đông xuân phổ biến, để người dân chủ động phòng ngừa.

Cúm mùa

Cúm mùa là bệnh có tỷ lệ người mắc rất cao, dễ gặp nhất vào mùa đông xuân và lúc thời tiết ẩm. Tiêu biểu trong đó có thể kể đến: Cúm A, Cúm B, Cúm A/H1N1 (ít gặp hơn).

Cúm có thể lây qua đường hô hấp khi giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng của người bệnh bắn ra bên ngoài không khí do hắt hơi, ho, xì mũi...

Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính. Tuy nhiên, bệnh có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già, trẻ em và phụ nữ có thai. Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.

Sởi, rubella

Đây là 2 căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh chủ yếu lây theo đường hô hấp, qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người bệnh. Đặc biệt, bệnh này có nguy cơ lây lan và dễ dàng trở thành đại dịch, nhất là ở các trẻ em chưa được tiêm phòng vaccine sởi, rubella.

benh truyen nhiem pho bien anh 1

Người bị sởi có triệu chứng sốt, phát ban khắp cơ thể. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Triệu chứng báo hiệu của bệnh thường là sốt, phát ban và viêm đường hô hấp. Nếu người mắc bệnh không được thăm khám và điều trị kịp thời có thể để lại các biến chứng nặng như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, viêm não… dễ dẫn đến tử vong.

Quai bị

Bệnh quai bị do virus gây ra, thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi, đặc biệt tập trung ở trẻ từ 6 đến 10 tuổi. Bệnh quai bị rất dễ lây qua đường hô hấp, khi nước bọt của người nhiễm bệnh phát tán ra ngoài không khí khi nói chuyện, ho, hắt hơi.

Bệnh thường lành tính, người mắc bệnh tự khỏi trong 1-2 tuần nhưng đôi khi có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là biến chứng trên cơ quan sinh dục.

Thủy đậu

Thủy đậu do virus Varicella Zoster gây ra. Bệnh có khả năng lây nhiễm khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc với mụn nước, tiếp xúc với vật dụng cá nhân của người bệnh.

Biểu hiện của bệnh gồm mệt mỏi, sốt nhẹ, chảy nước mũi, nhức đầu, đau họng, nổi ban ngứa ở mặt, cổ rồi nhanh chóng lan ra toàn thân.

benh truyen nhiem pho bien anh 2

Bệnh thuỷ đậu khiến người mắc bị nổi mụn nước. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Các ban ngứa ấy sau chuyển thành những nốt mụn chứa nước bên trong hoặc có mủ (nếu nhiễm trùng), cuối cùng chúng khô dần, thành vảy và khỏi sau 5-7 ngày. Bệnh thủy đậu nếu không được điều trị đúng, khi nhiễm trùng có thể biến chứng giảm tiểu cầu, viêm cơ tim, liệt thần kinh mặt, viêm tủy...

Sốt xuất huyết

Thời điểm đông xuân thường thường có những đợt không khí lạnh kèm mưa phùn, khiến môi trường ẩm ướt, muỗi có điều kiện sinh sôi và phát triển.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do muỗi vằn truyền virus Dengue từ người bệnh sang người bình thường. Một số triệu chứng điển hình của bệnh như sốt cao trên 40 độ C, ói, nhức đầu, phát ban dạng xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu cam.

Biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh là tình trạng tràn dịch màng phổi, chảy máu nội tạng, xuất huyết tiêu hóa,… có thể gây ra tử vong.

Tiêu chảy cấp

Bệnh tiêu chảy cấp là một trong những căn bệnh dễ bùng phát thành dịch tại Việt Nam, nhất là trong thời tiết lạnh ẩm mùa đông xuân. Theo đó, người thường mắc bệnh là trẻ em có sức đề kháng kém.

Bệnh do các loại vi trùng tả, thương hàn hay các loại virus đường ruột xâm nhập vào cơ thể bằng đường miệng. Tốc độ lây nhiễm của bệnh tiêu chảy rất nhanh, nên dễ dàng trở thành dịch bệnh nguy hiểm.

Cần làm gì để phòng tránh các dịch bệnh truyền nhiễm?

Để chủ động phòng tránh dịch bệnh truyền nhiễm mùa đông xuân, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh.

Người dân nên tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh theo đúng lịch. Bên cạnh đó, mọi người cần giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh, khi tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm cần đeo khẩu trang.

Khi có các triệu chứng mắc các bệnh truyền nhiễm, người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

Thế nào là chế độ ăn kiêng tốt nhất? Làm thế nào để ngừng lo lắng về cân nặng và tập trung vào việc sống lành mạnh? Để giải quyết mối quan tâm về vấn đề này, mục Sức khỏe của Znews giới thiệu bạn cuốn sách Chỉ dẫn để sống khỏe toàn diện của tác giả Shaun Francis. Sách sẽ giúp người đọc tập trung việc ăn uống lành mạnh, rèn luyện thể chất và giữ tinh thần minh mẫn trong thời buổi bận rộn.

Con đỉa 6 cm bò ngoe nguẩy trong khí quản người đàn ông

Người đàn ông sau khi tắm suối về bị ho ra máu liên tục trong 10 ngày, đi khám phát hiện con đỉa dài 6cm sống trong khí quản.

Nguyễn Thuận

Bạn có thể quan tâm