Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

6 bước cần nhớ khi xử lý vết bỏng

Nhiều người Việt Nam có thói quen bôi kem đánh răng hoặc nước mắm khi bị bỏng vì cho rằng nó làm dịu vết thương, tuy nhiên đây là cách xử lý sai khiến vết thương nặng hơn.

Bỏng là vết thương phá hủy các tế bào da và các mô khác bị gây ra bởi việc truyền sức nóng, hoặc lạnh cực độ xâm nhập vào cơ thể.

Các vết bỏng thường do việc cơ thể tiếp xúc với các vật thể nóng, tia phóng xạ hoặc hóa chất, sức nóng từ hơi nước, chất lỏng đang sôi.

Xu ly vet bong dung cach anh 1
Vết bỏng sẽ nặng hơn nếu không được sơ cứu đúng cách. Ảnh: Gettyimages

Chuyên gia sơ cấp cứu Tony Coffey, người Australia, mới đây đã có khóa hướng dẫn Sơ cấp cứu và Thoát hiểm cho người Việt Nam. Trong đó ông có hướng dẫn cách xử lý khi gặp nạn nhân bị bỏng.

Dưới đây là các thao tác đúng:

1. Làm mát vùng da với nước sạch ít nhất 20-30 phút.

2. Che vết bỏng với vải chuyên dùng sạch, không dính.

3. Tháo gỡ quần áo chật, trang sức, đồng hồ.

4. Tháo bỏ quần áo nhiễm bẩn nếu nó không dính chặt vào vết bỏng.

5. Rửa sạch các hóa chất còn trên da, mắt, tóc.

6. Kiểm tra đường thở và các triệu chứng bất thường khác trên cơ thể.

Lưu ý, không dùng đá lạnh chườm lên vết bỏng vì việc bị chuyển nhiệt độ đột ngột có thể khiến cho da bị bỏng 2 lần. Cần kiên nhẫn cho vùng bỏng dưới vòi nước vì da lúc này cần thời gian để trở về trạng thái ban đầu.

Nhiều người có quan niệm bôi bơ, kem đánh răng hoặc nước mắm lên vết bỏng. Điều này có thể làm vết bỏng thêm trầm trọng. Tuyệt đối không chọc thủng hoặc làm xì các vết rộp phỏng, không tự ý bôi dầu vào vùng da bị bỏng.

Thảo Nghi

Bạn có thể quan tâm