Hổng dám đâu
Với những người thuộc thế hệ 8X, 9X, Hổng dám đâu là ca khúc mà hầu như ai cũng biết. Sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên có giai điệu vui tươi, lời ca ngắn gọn, gần gũi với thiếu nhi: "Bao bạn thân lấp ló gọi em tung tăng sân nhà/ Đá bóng với đá cầu, nhảy dây, bắn bi, trốn tìm". Thậm chí, câu hát trong ca khúc này: "Hổng dám đâu, em còn phải học bài..." từng trở thành lời cửa miệng của biết bao thế hệ thiếu nhi.
Một con vịt
Một con vịt là ca khúc gắn liền với tên tuổi của Xuân Mai. Khi thực hiện MV cho ca khúc này, Xuân Mai chỉ khoảng 4-5 tuổi. Nét đáng yêu, trong sáng cùng cách thể hiện ca khúc tự nhiên, trôi chảy đã khiến cô bé trở thành thần tượng của nhiều khán giả nhỏ tuổi.
Sáng tác của nhạc sĩ Kim Duyên có ca từ đơn giản nhưng sinh động, gần gũi. Bài hát cũng là cách cha mẹ dạy con hiểu biết về thế giới tự nhiên xung quanh mình. Đến nay, bài hát vẫn được nhiều người nhớ đến như một phần của ký ức tuổi thơ.
Em là bông hồng nhỏ
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết ca khúc Em là bông hồng nhỏ cho phim Cho cả ngày mai được sản xuất năm 1981. Nhạc phẩm được Hồng Nhung thể hiện khi cô mới 14 tuổi và gắn liền với sự nghiệp của cô Bống khi trưởng thành.
Em là bông hồng nhỏ được yêu thích vì phần lời ca dễ thuộc và ý nghĩa, nói về những mơ mộng thuở nhỏ rất đỗi hồn nhiên, trong sáng: "Em sẽ là mùa xuân của mẹ/ Em sẽ là mùa xuân của cha/ Trang sách hồng nằm mơ mà ngủ/ Em gối đầu trên những dòng thơ...".
Cả nhà thương nhau
Ca khúc Cả nhà thương nhau được Phan Văn Minh sáng tác năm 1988 để tặng vợ con sau những năm công tác ở miền núi xa xôi. Những xúc cảm thân thuộc trong gia đình đã trở thành nguồn cảm hứng giúp nhạc sĩ hoàn thành ca khúc này chỉ trong 15 phút.
Tuy bài hát chỉ gói gọn trong 4 câu ngắn nhưng lại có sức lan tỏa mạnh mẽ: "Ba thương con vì con giống mẹ/ Mẹ thương con vì con giống ba/ Cả nhà ta cùng thương yêu nhau/ Xa là nhớ, gần nhau là cười". Ca sĩ Xuân Mai, bé Bảo An hay Yến Nhi từng thể hiện thành công ca khúc này.
Cháu yêu bà
Tương tự Cả nhà thương nhau, ca khúc Cháu yêu bà của cố nhạc sĩ Xuân Giao từng reo vào lòng trẻ thơ những giai điệu đơn giản mà bất kì em nhỏ nào cũng có thể học thuộc. Ca khúc nằm lòng với nhiều thế hệ thiếu nhi cùng 4 câu hát thắm đượm tình yêu thương: "Bà ơi bà! Cháu yêu bà lắm/ Tóc bà trắng, màu trắng như mây/ Cháu yêu bà, cháu nắm bàn tay/ Khi cháu vâng lời cháu biết bà vui".
Cho con
Những câu hát “Ba sẽ là cánh chim, đưa con đi thật xa. Mẹ sẽ là cành hoa, cho con cài lên ngực” từng vang lên trên khắp các sân khấu ca nhạc dành cho thiếu nhi một thời. Với ca từ dễ nhớ, dễ thuộc nhưng cũng vô cùng ý nghĩa, Cho con đã trở thành bài hát nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu.