1. Tiểu đường
Theo Daily Health Post, các bệnh nhân tiểu đường thường không thể ngủ yên giấc vì những biến động đường trong máu, đổ mồ hôi đêm và nhu cầu đi tiểu thường xuyên. Điều này khiến giấc ngủ gián đoạn vào ban đêm. Cách đơn giản để ngăn chặn vấn đề này là bạn nên đi vệ sinh trước khi đi ngủ và không uống bất kỳ loại nước nào 2-3 giờ trước đó.
2. Đau viêm mãn tính
Các bệnh đau viêm mãn tính như viêm khớp, đau cơ xơ... có thể làm bạn khó chìm vào giấc ngủ và bị thức giấc giữa đêm do những cơn đau hành hạ. Thêm vào đó, những người bị viêm khớp phải thay đổi vị trí nằm ngủ thường khó ngủ lại, sẽ cảm thấy mệt mỏi, uể oải vào ngày hôm sau.
Viêm khớp, đau cơ xơ là những triệu chứng khiến bạn mất ngủ vì những cơn đau hành hạ. Ảnh: Health |
3. Bệnh tim mạch
Động mạch vành và suy tim xung huyết là hai vấn đề tim mạch ảnh hưởng lớn đến chất lượng giấc ngủ. Động mạch vành có thể gây đau ngực, nhịp tim bất thường, gây đau tim trong khi bạn đang ngủ.
Trong khi đó bệnh xuy tim sung huyết do khả năng bơm máu của tim bị suy yếu, làm cho máu chảy ngược và gia tăng áp lực lên mạch máu. Điều này khiến dịch máu dư thừa tràn ra tất cả các bộ phận của cơ thể, tích tụ xung quanh phổi khi bạn nằm, gây khó thở và làm gián đoạn giấc ngủ ban đêm.
4. Trầm cảm
Theo tiến sĩ James Wellman, giám đốc Y tế của Trung tâm Rối loạn giấc ngủ ở Georgia (Mỹ), mất ngủ là một trong những triệu chứng phổ biến và nghiêm trọng của bệnh trầm cảm. Cảm giác lo lắng, khó chịu kéo dài cũng khiến bạn tỉnh táo, tinh thần không thư giãn, khó chìm vào giấc ngủ.
5. Hen suyễn
Những người bị hen suyễn thường xuyên rối loạn giấc ngủ vì khó thở, thở khò khè và ho. Triệu chứng hen suyễn thường nặng hơn vào ban đêm do sức đề kháng của đường hô hấp giảm. Một vài loại thuốc điều trị hen suyễn cũng gây chứng mất ngủ hoặc gián đoạn giấc ngủ.
6. Rối loạn ăn uống
Tiến sĩ Wellman cho biết rối loạn ăn uống như suy dinh dưỡng, giảm cân quá mức hoặc ăn uống vô độ cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ của con người. Nghiên cứu cho thấy chứng biếng ăn khiến cơ thể yếu ớt, trọng lượng thấp, thời gian của giấc ngủ REM (giấc ngủ sâu) ít hơn bình thường.
Bên cạnh đó, ăn uống vô độ khiến hệ tiêu hóa không hoạt động kịp và phải làm việc suốt đêm, giấc ngủ không sâu, trọn vẹn.