1. Nói lời xin lỗi: Dạy con nói xin lỗi là điều tốt, nhưng cha mẹ không nên ép con. Từ bé, cha mẹ nên giúp trẻ hiểu rõ khái niệm của lời xin lỗi và thời điểm nào nên nói xin lỗi người khác. Điều quan trọng là bạn phải dẫn dắt trẻ nhận ra lỗi lầm của mình. Sự ép buộc không giúp trẻ nhận lỗi, nó chỉ khiến các em kích động và dễ lặp lại sai lầm tương tự trong tương lai. Thậm chí, nhiều em sẽ cho rằng mọi hành vi có thể được xóa bỏ chỉ bằng một câu xin lỗi. Vì thế, cha mẹ nên kiên nhẫn phân tích hành động của trẻ và chỉ rõ lỗi sai, đồng thời giải thích vì sao các em nên nói lời xin lỗi chân thành với người khác. Ảnh: Parents. |
2. Ăn hết thức ăn trong bát: Đôi khi cha mẹ phải đối diện với tình trạng trẻ bỏ bữa và không chịu ăn hết phần thức ăn. Một số cha mẹ sẽ ép con ăn hết bằng cách dọa nạt, thậm chí đánh con. Tuy nhiên, cách làm này sẽ dễ khiến trẻ nảy sinh ác cảm với thức ăn và việc dùng bữa cùng cha mẹ. Các nhà tâm lý trẻ em cho rằng thói quen ăn uống phụ thuộc vào khẩu vị, môi trường và tính cách của trẻ. Cha mẹ không nên ép con, hãy để trẻ ăn khi chúng muốn và dạy cho trẻ những bài học về tầm quan trọng của thức ăn và dinh dưỡng. Ảnh: iStock. |
3. Chọn sở thích: Phát triển sở thích từ thời thơ ấu là điều tốt, nhưng cha mẹ không nên ép buộc con phải theo đuổi định hướng do người lớn đặt ra. Bạn có thể quan sát cách trẻ khám phá và tìm hiểu hoạt động chúng quan tâm, từ đó dẫn dắt con phát triển. Nếu ép con phải chọn sở thích theo ý người khác, các em sẽ không có hứng thú theo đuổi, thậm chí chán ghét những điều đã được vạch sẵn. Ảnh: Wisconsin Early Autism Project. |
4. Chọn bạn bè: Nhiều cha mẹ muốn con làm bạn với những người nổi trội để tăng thêm cơ hội học hỏi, phát triển. Thậm chí, một số người buộc con phải chơi với người bạn này, không được chơi với người bạn khác. Cách làm này của cha mẹ có thể làm ảnh hưởng khả năng giao tiếp, kết bạn của con và khiến mọi mối quan hệ của chúng tồi tệ hơn. Vì thế, bạn nên cho phép con chọn người bạn phù hợp với mình. Trong trường hợp trẻ chơi với người xấu, bạn hãy giải thích với con lý do nên tránh một số người nhất định. Ảnh: FirstCry Parenting. |
5. Xây dựng tính cách: Trẻ em có cách bộc lộ cảm xúc, tính cách khác nhau. Nếu trẻ là người hướng nội, cha mẹ nên chấp nhận và tôn trọng lựa chọn của con, thay vì ép con phải hướng ngoại một cách gượng ép. Tương tự, nếu trẻ hướng ngoại và thích vui chơi, bạn nên cho phép con dành thời gian ở bên bạn bè. "Hãy tận hưởng những điều con bạn thể hiện, thay vì ép con trở thành người bạn mong muốn", nhà văn F. Scott Fitzgerald viết. Ảnh: Stocksy. |
6. Nhường đồ chơi cho người khác: Nhiều gia đình từng gặp tình huống khó xử khi con từ chối chia sẻ đồ chơi với bạn bè. Khi đó, phần lớn cha mẹ sẽ yêu cầu con nhường, thậm chí ép con phải tặng món đồ chơi yêu thích của mình cho người khác. Theo Aboluowang, ép con phải chia sẻ những món đồ mình thích không phải cách giúp con nâng cao các kỹ năng xã hội. Ngược lại, điều này vô tình khiến trẻ tổn thương và có những hiểu biết sai lệch về các mối quan hệ. Tiến sĩ Laura Markham cũng nhận thấy việc ép buộc trẻ nhỏ phải chia sẻ khiến các em hình thành một số suy nghĩ, hành vi sai lệch và cha mẹ có thể sẽ phải chịu hậu quả thay. Ảnh: Movement Matters. |