A Bug's Life và Antz
Cuối năm 1998, khán giả được thưởng thức lần lượt hai bộ phim hoạt hình ăn khách. Đầu tiên là Antz của hãng Dreamworks, có sự lồng tiếng của đạo diễn Woody Allen lừng danh. Một tháng sau, A Bug's Life của Pixar ra mắt, kể về trận chiến giữa những chú kiến và loài châu chấu xấu xa. Người hâm mộ đồn đoán rằng A Bug’s Life đã “đạo” ý tưởng của Antz.
Hậu trường lùm xùm giữa Antz và A Bug's Life kéo dài và hết sức phức tạp. |
Trên thực tế, câu chuyện này tương đối phức tạp và diễn ra theo chiều hướng ngược lại, tức Antz mới là kẻ “đạo” ý tưởng. Chuyện bắt đầu khi Jeffrey Katzenberg có những hục hặc với Steve Jobs và John Lasseter của Pixar. Kết quả là ông quyết định ra đi và lập nên hãng DreamWorks với Steven Spielberg và David Geffen, nung nấu giấc mơ trở thành đối thủ hàng đầu của Disney và Pixar. Điều đáng nói là A Bug’s Life đã được phát triển và được cộng đồng làm phim hoạt hình biết tới tại thời điểm này.
Khi biết rằng dự án phim hoạt hình đầu tiên của DreamWorks xoay quanh những chú kiến, Lasseter và Jobs tin rằng Katzenberg đã đánh cắp ý tưởng của họ. Theo lời Lasseter, trong khoảng cuối năm 1995, ông từng có những trao đổi với Katzenberg về bộ phim A Bug’s Life. Ngược lại, Katzenberg cho rằng ý tưởng của Antz đến từ năm 1991 và từng được ông phát triển từ tháng 10/1994.
Hậu trường lùm xùm giữa hai dự án phim tiếp tục diễn ra với những cáo buộc dành cho đối phương đến từ cả hai phía. Cuối cùng, hãng Disney quyết định giữ im lặng khi ngày khởi chiếu của A Bug’s Life tới gần. Steve Jobs trả lời tờ Thời báo L.A. rằng: “Kẻ xấu hiếm khi giành chiến thắng”, còn người đứng đầu bộ phận marketing của Dreamworks đáp lại: “Steve Jobs nên uống thuốc đi”. Bất chấp việc cả hai bộ phim đều hết sức thành công tại phòng vé, mối quan hệ giữa hai bên vẫn hết sức căng thẳng sau nhiều năm trời.
Toy Story và The Christmas Toy
Bộ phim nổi tiếng nhất trong lịch sử hãng Pixar là Toy Story cũng không tránh khỏi cáo buộc “đạo” ý tưởng từ một tác phẩm hoạt hình khác mang tên The Christmas Toy.
Tác giả Jim Henson và "dàn diễn viên" của The Christmas Toy. |
Ra đời 9 năm trước tập phim Toy Story đầu tiên, The Christmas Toy do đạo diễn Jim Henson thực hiện, kể lại chuyến hành trình đưa khán giả vào một căn phòng toàn đồ chơi, mà ở đó mỗi món đều bí mật sinh hoạt khi không có con người xung quanh. Bộ phim năm 1986 cũng có một món đồ chơi luôn coi mình nằm ở vị trí cao hơn so với các món đồ chơi khác, và luôn sẵn sàng làm mọi thứ để duy trì điều đó.
Tuy nhiên, đây chỉ là một sự trùng hợp vô ý. Trên thực tế, The Christmas Toy có một chi tiết khá hấp dẫn là nếu một món đồ chơi không nằm ở đúng vị trí mà lần cuối con người nhìn thấy nó, nó sẽ bị mất đi năng lực sống về đêm. Đây chính là điều khiến cho hai bộ phim trở nên tương đối khác biệt.
Aladdin và The Thief and the Cobbler
Các bộ phim có cùng nguồn gốc nguyên tác rất khó tránh khỏi việc giống nhau và gây ra những tranh cãi. Đó là trường hợp xảy ra với Aladdin và The Thief and the Cobbler.
Bất chấp điều đó, có nhiều điểm tương đồng hết sức đáng ngờ giữa hai phim: cả hai nhân vật phản diện đều có một con chim là kẻ thân cận, cả hai nàng công chúa đều có đôi mắt to, một số hình nền được thiết kế tương đối giống nhau. Thậm chí, nhân vật phản diện trong The Thief and the Cobbler mang tên Zigzag trông rất giống Jafar nhưng lại có nhiều biểu cảm giống Thần đèn của Aladdin. Lý do sau này được tiết lộ là bởi cả hai bộ phim đều có chung một số nghệ sĩ hoạt hoạ.
Thần đèn và Jafar của Aladdin có nhiều nét tương đồng với Zigzag của The Thief and the Cobbler. |
Tuy nhiên, câu chuyện giữa Aladdin và The Thief and the Cobbler không hề đơn giản. The Thief and the Cobbler bắt đầu được thực hiện từ thập niên 1960, mất tới gần 30 năm để thực hiện, và thậm chí còn ra mắt sau cả Aladdin. Khi phát hành bộ phim này, hãng Miramax tạo ra một bản dựng để tác phẩm này có thể giống với Aladdin nhất có thể nhằm thu hút khán giả. Thật khó để kết luận xem ai đã “đạo” phim của ai trong quá trình sản xuất nhưng câu chuyện này dần dà cũng rơi vào quên lãng.
The Lion King và Kimba the White Lion
Đây hẳn là sự kiện gây tranh cãi đình đám nhất trong lịch sử hãng Disney từ trước tới nay, khi siêu phẩm The Lion King bị cáo buộc là “đạo” ý tưởng từ loạt truyện tranh/hoạt hình Kimba the White Lion đến từ Nhật Bản.
Một số hình ảnh tương đồng giữa The Lion King và Kimba the White Lion. |
Kimba the White Lion khởi thủy là một loạt truyện tranh và sau đó được chuyển thể lên màn ảnh khá thành công trong thập niên 1960. Cốt truyện nhắc nhở về mối đe dọa đến môi trường sống tự nhiên của động vật đến từ con người. Câu chuyện này xem ra không liên quan lắm tới The Lion King, nhưng cả hai bộ phim lại có nhiều hình ảnh khá tương đồng. Thậm chí, trong những bản thiết kế đầu tiên, nhân vật Simba của The Lion King mang bộ lông trắng hệt như Kimba, và một số thành viên trong đoàn làm phim đôi lúc còn gọi nhầm tên Simba thành Kimba.
Phía hãng phim hoạt hình Nhật Bản là Tezuka Productions cho biết họ không muốn lôi tòa án vào cuộc bởi Disney là một tập đoàn lớn, với những luật sư hàng đầu và họ khó lòng có thể giành phần thắng. Xem ra Kimba the White Lion chính là nguồn cảm hứng để Disney thực hiện The Lion King, nhưng tới nay hãng Disney vẫn phủ nhận điều này.
Finding Nemo và Pierrot Le Poisson-Clown
Pierrot Le Poisson-Clown là một cuốn sách kể về chú cá hề bơi ngoài biển đến từ nước Pháp. Điều duy nhất khiến cho tác phẩm văn học thiếu nhi này nổi tiếng là vụ kiện hãng Pixar của tác giả Franck Le Calvez.
Hình ảnh hai chú cá hề của Finding Nemo và Pierrot Le Poisson-Clown. |
Ông cho rằng nhà sản xuất phim hoạt hình đình đám đã “đạo” câu chuyện của Pierrot Le Poisson-Clown cho phần kịch bản của Finding Nemo và dựng nên hình ảnh chú cá hề nổi tiếng, sặc sỡ và mang đầy tính thương mại. Mặc dù cả hai nhân vật đều được tạo nên từ cùng một loài động vật nhưng cũng không thể phủ nhận sự giống nhau đến ngạc nhiên về thiết kế của hai nhân vật. Dẫu vậy, La Calvez rốt cuộc đã thua kiện tại tòa án.
Cuốn sách Pierrot Le Poisson-Clown được xuất bản lần đầu tiên vào tháng 11/2002, tức chỉ sáu tháng trước khi Finding Nemo ra mắt khán giả. Việc hoàn tất một bộ phim hoạt hình hoành tráng chỉ trong một khoảng thời gian ngắn như vậy là gần như không thể. Trên thực tế, Finding Nemo được hãng Pixar thai nghén kể từ sau khi Toy Story ra rạp, nên nhiều khả năng Le Calvez đơn giản chỉ muốn kiếm một món hời nhanh chóng qua vụ việc này.
Frozen và The Snowman
Bộ phim hoạt hình có doanh thu cao nhất mọi thời đại cũng không tránh khỏi cái dớp bị cáo buộc là “đạo” phim dù cho tới nay, câu chuyện này đã chìm xuồng theo thời gian.
Một hình ảnh na ná nhau giữa The Snowman và Frozen. |
Khi Frozen tung ra đoạn trailer đầu tiên với nhân vật Olaf, các nhà làm phim của The Snowman lập tức vào cuộc khi cho rằng hãng Disney đạo ý tưởng của họ. Không thể phủ nhận rằng có nhiều cảnh phim trông thực sự giống nhau, nhưng đây chỉ là một trường hợp “49 gặp 50”, bởi The Snowman cũng chẳng phải là bộ phim đầu tiên có nhân vật Người tuyết với chiếc mũi cà rốt.