Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

6 món bánh nghe tên là cười

Gắn với những bộ phận đặc biệt, những động từ mạnh, các món như bánh đòn, bánh đập, bánh khọt, bánh khoái… khiến người ta bật cười khi nghe tên.

Bánh đòn
Ảnh: lamsao.com
Bánh đòn hay bánh tét là một trong những loại bánh không thể thiếu trong nhà của các gia đình miền Trung hay miền Nam trong dịp Tết Nguyên đán. Nếu tên gọi thứ nhất xuất phát từ hình dáng thon dài, đều cả hai đầu như cái đòn của món bánh này. Còn cái tên bánh tét có nguồn gốc từ hành động dùng lạt buộc trên thân bánh, cắt bánh thành từng lát.

Nguyên liệu của bánh đòn/tét gồm nếp, đậu xanh và thịt ba chỉ hay phần thịt nọng nhiều mỡ. Để bánh ngon, người gói sau khi ngâm nếp qua đêm, thường tẩm ướp gia vị thậm chí xào mỡ hành cho thơm. Điều kiện để có một cây bánh tét ngon là bánh được gói chắc tay, vừa ăn, phần nếp và phần nhân không bị lẫn vào nhau.

Bánh đập

Bánh đập hay bánh tráng đập là một trong những món quà vặt dễ ăn, dễ tìm, giá rẻ ở các tỉnh miền Trung…

Tạo hình của bánh đập khá đơn giản với chiếc bánh tráng mỏng, nóng hổi được trải đều lên trên chiếc bánh tráng gạo nướng tạo nên món ăn vừa mềm mịn, dai nhẹ vừa thơm lừng, giòn vui tai.

Có thế chấm bánh đập với tất cả các món nước chấm như mắm nước, xì dầu, nước kho cá, nước kho thịt, nhưng ngon nhất là chấm cùng mắm nêm có vị chua thanh của thơm bằm nhuyễn, vị cay xé lưỡi của tỏi, ớt.

Bánh khoái

Ảnh: hungontheworld.com
Xuất thân từ vùng đất kinh kỳ xưa, bánh khoái có tạo hình khá giống bánh xèo miền Trung. Song nếu quan sát kỹ, bánh khoái không chỉ phong phú hơn về các thành phần đi kèm như thịt heo, tôm, nấm hương/nấm mèo, lòng đỏ trứng… mà còn được chế biến thành hai lớp nhân khác nhau. Điểm nhấn này giúp bánh thơm hơn, đậm vị hơn song cũng vì thế mà mau ngán hơn.

Bánh khọt

Bánh khọt là món ăn đặc sản của Vũng Tàu. Có hai cách giải thích tên gọi của món ăn. Một xuất phát từ âm thanh khọt khọt vang lên khi người ta cho bột vào chảo. Hai là ngày xưa người dân nghèo chỉ có tiền làm món bánh toàn bột. Gọi lâu chệch thành khọt.

Bánh khọt chỉ nhỉnh hơn lòng bàn tay với phần nhân là con tôm đỏ au, cùng ít mỡ hành, rau hẹ đưa hương. Thuộc dòng món cuốn, bánh khọt có thể ăn vào bất kỳ thời gian nào trong năm nhưng ngon nhất là khi trời mưa.

Bánh cu đơ

Có cái tên khá buồn cười song bánh cu đơ gắn với câu chuyện cảm động về tình yêu của người cha nghèo dành cho con trai của mình. Câu chuyện như sau: có một người cha nghèo đến nỗi dù rất muốn làm một buổi lễ đơn giản cho con để mời láng giềng nhưng trong nhà chỉ còn một ít đậu phộng, ít mật đường. Sau bao đêm suy nghĩ, cuối cùng người cha nghĩ ra rang chín lạc rồi trộn mật đổ lên trên. Món ăn này được gọi là Cu Hai. Sau đó, người Pháp đến Việt Nam gọi món này là Cu Đơ (Duex có nghĩa là hai).

Kẹo cu đơ có bánh tráng nướng giòn ở hai mặt, ở giữa là nhân lạc rang được phủ ông một lớp mật có màu vàng rất hấp dẫn và bắt mắt.

Bánh cáy

Ảnh: monngonvietnam
Bánh cáy là món bánh dành cho dịp Tết của người Thái Bình. Tên gọi như thế vì những hạt nếp cái hoa vàng sau khi đem ngâm, trộn gấc đỏ đồ xôi, rồi ép dẻo, xắt hạt lựu, đem phơi khô có màu vàng giống trứng con cáy.

Bánh cáy hấp dẫn mọi người với khối bánh màu trắng ngà, lấm tấm hạt vàng. Khi ăn có vị ngọt của đường, cay nhẹ của gừng, béo bùi của nếp, dẻo thơm của cốm non.

An Huỳnh

Bạn có thể quan tâm