Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

6 sai lầm của học sinh khi chọn ngành

Nhiều học sinh gặp khó khăn khi lựa chọn ngành học phù hợp với bản thân, thậm chí học sinh khá, giỏi cũng "bế tắc" khi đối diện với vấn đề này.

sai lam khi chon nganh hoc anh 1

1. Chọn ngành "dễ học": Nhiều học sinh nhận thấy bản thân không có sở thích hoặc năng khiếu đặc biệt ở một lĩnh vực cụ thể nên đã chọn những ngành được cho là "dễ học", "dễ xoay xở". Thực tế, mỗi ngành học có đặc thù và độ khó riêng. Nếu không tìm hiểu kỹ hoặc không quyết tâm theo đuổi việc học, các em dễ bị đuối, chán nản, thậm chí bỏ cuộc. Thay vì theo đuổi một ngành "dễ", học sinh nên cân nhắc những ngành phù hợp với bản thân hoặc liên quan sở thích. Khi được theo đuổi những điều yêu thích, các em dễ phấn đấu và không ngại đương đầu thử thách. Ảnh: HuffPost.

sai lam khi chon nganh hoc anh 2

2. Chọn ngành "an toàn": Đối với nhiều học sinh, một ngành học "an toàn" hội tụ các yếu tố bao gồm: Ra trường dễ tìm việc, cơ hội việc làm không bị giảm, lương ổn định, không bị sa thải đột xuất. Thậm chí, nhiều người chưa từng nghĩ đến việc xây dựng một lộ trình việc làm thay thế, nếu phải từ bỏ công việc hiện tại. Trên thực tế, không có ngành nghề nào đáp ứng đủ những yêu cầu về sự an toàn đó. Mỗi ngành, lĩnh vực đều có rủi ro khó tránh, học sinh cần cân nhắc kỹ và chuẩn bị trước cho những tình huống bất ngờ trong tương lai. Ảnh: Plexuss.

sai lam khi chon nganh hoc anh 3

3. Chọn theo bạn bè: Nhiều học sinh chọn ngành giống bạn để được học cùng nhau, bất chấp ngành đó có không phù hợp, không đúng với đam mê. Thomas Frank, tác giả cuốn sách 10 Steps to Earning Awesome Grades, nhận định mỗi người có mối quan tâm, động lực và các mạng lưới quan hệ khác nhau. Khi lên đại học, những khác biệt này sẽ thể hiện rõ hơn. Vì vậy, học sinh không nên chọn ngành dựa trên quyết định của người khác, các em nên theo đuổi chính kiến riêng và cho phép bản thân thử thách với những điều mới mẻ. Ảnh: Living by Design Ministries.

sai lam khi chon nganh hoc anh 4

4. Chọn theo ý của cha mẹ: Đây là điều phổ biến tại nhiều gia đình, đặc biệt là gia đình châu Á. Cha mẹ luôn muốn con chọn những nghề ổn định, lương cao, hoặc chỉ đơn giản là muốn con theo truyền thống của gia đình. Nhiều học sinh thuận theo ý của cha mẹ nên buộc phải từ bỏ đam mê, không được học ngành yêu thích. Từ đó, các em dễ sinh ra tâm lý chán nản, muốn từ bỏ. Nếu cảm thấy mong muốn của gia đình vượt quá khả năng hoặc không phù hợp với bản thân, các em nên thẳng thắn bày tỏ quan điểm, thuyết phục cha mẹ để theo đuổi đam mê của chính mình. Ảnh: CollegeVine blog.

sai lam khi chon nganh hoc anh 5

5. Chọn theo số đông: Nhiều học sinh có xu hướng tìm đến những ngành đông người học thay vì theo đuổi sở thích. Các em cho rằng những ngành học được số đông lựa chọn là ngành lương cao, ổn định, có triển vọng trong tương lai. Thực tế, những ngành đông người học sẽ khắc nghiệt hơn, tỷ lệ cạnh tranh và đào thải cao hơn. Điều này dẫn đến việc nhiều sinh viên chọn ngành hot khi ra trường phải làm trái ngành, không thể theo công việc mong muốn. US News khuyên học sinh nên dành thời gian khám phá bản thân, xác định rõ con đường tương lai trước khi đưa ra quyết định chọn ngành. Ảnh: WordDive.

sai lam khi chon nganh hoc anh 6

6. Trì hoãn quá lâu: Ông Thomas Frank cho rằng học đại học là một khoản đầu tư dài hạn, vì thế, học sinh cần chuẩn bị kỹ càng cho mọi quyết định của mình. Khi buộc phải quyết định ở phút chót, các em dễ áp lực và đưa ra những lựa chọn sai lầm. Thay vì chờ đến sát ngày mới đưa ra quyết định chọn ngành, học sinh nên tìm hiểu, chuẩn bị từ sớm. Ảnh: Occam Education.

6 xu hướng việc làm trong thời đại mới

Ông Henry Mack, Thứ trưởng Giáo dục bang Florida (Mỹ), chỉ ra 6 ngành nghề mũi nhọn, là xu hướng tại Mỹ hiện nay.

Minh Thúy

Bạn có thể quan tâm