Trong buổi họp báo hôm 28/6, ông Toru Kinoshita, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam nhận định nếu chính sách như hiện hành, giá xe lắp ráp (CKD) đã chạm tới đáy, không còn thay đổi gì nữa. Nếu có, thì ưu đãi về giá hay khuyến mại thêm do đại lý tự ý đưa ra, với giá trị không nhiều.
Trước đó không lâu, ông Bùi Kim Kha, Phó tổng giám đốc phụ trách mảng xe du lịch của Trường Hải, cũng cho biết giá Mazda, Kia tại Việt Nam đã chạm tới đáy và khó có thể giảm sâu như trước đây.
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất, lắp ráp ôtô Việt Nam (VAMA), Toyota Việt Nam và Trường Hải hiện là hai doanh nghiệp nắm giữ thị phần lớn nhất trên thị trường, chiếm hơn 60% thị phần trong 5 tháng đầu 2017.
Đối với dòng xe nhập khẩu (CBU), các doanh nghiệp ôtô vẫn chờ đợi biến động của thị trường. Câu trả lời từ phía hãng đều mang tính chung chung, không rõ ràng. Nhiều chuyên gia nhận định, giá xe CBU có thể vẫn giảm, nhưng chỉ ở mức nhẹ, không lớn và ồ ạt như đầu năm 2017 đến nay.
Ở nhóm xe sang, các thương hiệu như Mercedes-Benz, Audi, BMW hay Lexus đều án binh bất động. Cũng trong buổi họp báo ngày 28/6, đại diện Mercedes-Benz chia sẻ dù đề xuất miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần giá trị tạo trong nước đối với xe lắp ráp thành hiện thực cũng không ảnh hưởng tới họ. Vì linh kiện lắp ráp xe Mercedes-Benz tại Việt Nam đều nhập từ nước ngoài, do đó hãng không chạy đua theo chính sách.
Biến động lớn nhất trong thời gian gần đây là đợt giảm giá của các hãng xe châu Âu như Volkswagen, Renault và Peugeot. Volkswagen vừa đưa ra mức giảm 260 triệu đồng cho dòng Touareg, hạ giá bán xuống 2,629 tỷ đồng. Thậm chí trước đây, hãng từng đưa ra những đợt khuyến mãi khủng, hỗ trợ phí trước bạ trị giá hàng trăm triệu đồng. Cũng trong tháng 6, Peugeot công bố giảm giá 75 triệu đồng cho mẫu 3008. Trong khi đó, hãng Volvo không có chính sách giảm giá, nhưng việc hỗ trợ 100% phí trước bạ và tặng quà đối với dòng XC60 cũng tương đương vài trăm triệu đồng. Volvo XC90 và S90 cũng đang thuộc diện ưu đãi bằng quà tặng.
Theo một chuyên gia trong ngành, Volkswagen và Peugeot vào Việt Nam từ lâu nhưng do cách định vị thương hiệu trên bình dân, dưới hạng sang khiến cả 2 thương hiệu gặp khó. Volvo có nhiều tiếng tăm trên thế giới nhưng còn quá mới mẻ ở thị trường khó đoán như Việt Nam.
"Thuế nhập khẩu từ khối ASEAN giảm xuống 0% từ 2018 chưa thể trở thành cơ sở chắc chắn để xuất hiện các mẫu xe giá rẻ như mong đợi, vì thực tế thuế nhập khẩu không phải loại thuế phí duy nhất tác động lên giá xe. Do đó, không thể khẳng định rằng các hãng xe châu Âu cần giảm giá để cạnh tranh, và thực tế họ không có nhiều đối thủ trực tiếp ở Việt Nam. Đây chỉ là nước đi mang tính thời điểm", chuyên gia này nhận định.
Có thể tăng giá?
Trái với xu hướng chung của thị trường, xe bán tải thậm chí còn có thể tăng giá trong thời gian tới.
Vị quản lý cấp cao của Toyota cho biết xe bán tải được nhà nước đưa vào danh mục phương tiện thúc đẩy mục đích thương mại. Do đó, dòng xe này được hưởng 3 loại thuế phí, gồm thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt và phí trước bạ. Dù thuế nhập khẩu trong khối ASEAN về 0% sau 2018 cũng không tác động quá lớn, bởi xe bán tải hiện thời chỉ chịu mức thuế nhập khẩu 5%.
Đề xuất mới đây của Bộ Công Thương về việc đánh thuế, phí xe bán tải tương tự dòng xe dưới 9 chỗ ngồi chẳng khác nào một gáo nước lạnh. Nếu trở thành hiện thực, giá xe sẽ tăng hàng trăm triệu đồng, đẩy giá bán của rất nhiều mẫu xe bán tải qua mốc 1 tỷ đồng, thậm chí phiên bản cao cấp nhất của Ford Ranger chạm ngưỡng gần 2 tỷ đồng, với mức tăng 945 triệu đồng.
Với giá bán như vậy, các doanh nghiệp ôtô phải tính toán đến các biện pháp giảm giá. Trong đó, hàm lượng tính năng, công nghệ trên xe bán tải nhiều khả năng sẽ bị cắt giảm, không còn đầy đủ tiện nghi như xe con.
Nguyên nhân của việc điều chỉnh lại thuế, phí đối với xe bán tải là do có nhiều ý kiến cho rằng xe bán tải dưới 5 chỗ ngồi, khối lượng chuyên chở dưới 1,5 tấn được phép sử dụng như xe con, nhưng lại được ưu đãi, không phải chịu thuế giống xe con là không công bằng.
Giá xe còn phụ thuộc nhu cầu
Các chuyên gia trong lĩnh vực cho rằng người mua xe trước 2018 sẽ hưởng lợi, bởi thuế phí không quyết định tất cả. Giá xe còn phụ thuộc rất lớn vào nhu cầu của thị trường. Hiện tại, lượng hàng tồn của các hãng khá nhiều, dẫn đến các hành động kích cầu bằng giảm giá và khuyến mãi. Nếu người Việt đổ xô mua xe sau 2018, giá xe chắc chắn sẽ không giảm nhiều do lượng cung không bắt kịp.
Ví dụ dễ thấy nhất là Toyota Fortuner và Ford Explorer. Trong cơn bão giảm giá từ đầu năm, 2 mẫu SUV này thuộc diện ngoại lệ, phía hãng không có bất kỳ động thái nào về giá. Thậm chí, để sở hữu một chiếc Toyota Fortuner, khách hàng phải mua kèm các đồ chơi ở đại lý, giá trị từ 30-70 triệu đồng.
Tính đến thời điểm này, hầu hết các hãng trên thị trường đều đã thực hiện các chương trình giảm giá. Xét tổng thể, nhiều mẫu xe trên thị trường đã giảm giá từ 10-15%. Do đó, một "cú sốc" lớn về giá từ nay cho đến cuối năm dường như là việc khó xảy ra.
Để có giá bán thấp, các doanh nghiệp ôtô đã cắt giảm chi phí quản trị, sản xuất, bán hàng, thậm chí chấp nhận lời ít, bán cắt lỗ nhằm kích cầu, kéo lại thị trường. Tuy nhiên, tâm lý chờ đợi trong đại bộ phận người tiêu dùng đã khiến lượng cung nhiều, trong khi cầu thấp. Ngoài kế sách giảm giá để cạnh tranh, gần đây, các hãng còn đua nhau bổ sung công nghệ hiện đại nhằm thu hút người mua.
Khi được hỏi về thời điểm mua xe tốt nhất, các hãng xe thuộc VAMA đều chung ý kiến rằng vấn đề không phải 2017 hay 2018, nhu cầu mới là yếu tố tiên quyết dẫn đến quyết định mua xe, chứ không phải giá bán.