Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

6 trường sư phạm tại TP.HCM sẽ công nhận chương trình của nhau

Các trường sư phạm tại TP.HCM đã thảo luận vấn đề chia sẻ nguồn lực và công nhận chương trình của nhau, hướng tới hình thành một "Uber" trong môi trường giáo dục đại học.

Đây là nội dung thảo luận quan trọng được đưa ra trong hội nghị hội đồng hiệu trưởng khối ngành sư phạm tại TP.HCM, diễn ra ngày 18/10.

6 trường đại học đào tạo khối ngành sư phạm tại TP.HCM đã tham gia thảo luận gồm: ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ĐH Nông lâm TP.HCM, ĐH Sài Gòn, ĐH Sư phạm Thể dục Thể thao TP.HCM, ĐH Mở TP.HCM và đại diện Sở GD&ĐT TP.HCM. 

Tại hội nghị, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, đưa ra ý tưởng các trường cùng bắt tay nhau chia sẻ nguồn lực quan trọng, công nhận chương trình đào tạo của nhau và trao đổi giảng viên, sinh viên.

chia se tai nguyen trong giao duc dai hoc anh 1
Hình thức chia sẻ nguồn lực do ông Dũng đề xuất được nhiều trường ủng hộ. Ảnh: M.N.

Theo ông Dũng, hiện nay, việc chia sẻ nguồn lực được thực hiện rộng rãi trên nhiều lĩnh vực, điển hình là mô hình rất thành công của Uber. Tuy nhiên, việc này còn rất hạn chế trong lĩnh vực giáo dục.

Trong khi đó, tối ưu hóa các nguồn lực sẵn có của mỗi trường sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả sinh viên và đại học. Các trường đào tạo khối ngành sư phạm hiện nay có nhiều môn học chung nhưng mỗi trường lại có giáo trình riêng, cách dạy khác nhau. Ông Dũng đề nghị các trường cùng bàn bạc để có thể chia sẻ nguồn lực với nhau.

"Nếu thành công, đây là hình thức 'Uber' trong giáo dục. Các trường sẽ dùng tài nguyên chung, thư viện số, phòng thí nghiệm, công nhận tín chỉ của nhau, trao đổi giảng viên, sinh viên... Sắp tới, các trường ngồi lại, chọn ra một số môn, ngành đào tạo để thí điểm cho hình thức chia sẻ này. Ban đầu có thể là các môn học đại cương", ông Dũng cho biết.

Tương tự, TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Nông lâm TP.HCM, cho rằng trong bối cảnh hội nhập và quốc tế hóa giáo dục đại học sâu rộng hiện nay, các trường đại học chia sẻ, kết nối, công nhận chương trình, tín chỉ lẫn nhau là cần thiết. 

"Khi lấy nhu cầu người học làm gốc, mọi sự kết nối nhẹ nhàng, chất lượng và hiệu quả. Sinh viên các trường sẽ lựa chọn học phần, giảng viên, thưởng thức phòng lab, thư viện của trường bạn trong hệ thống liên kết", ông Lý nói.

Ông Dũng cho biết với hình thức chia sẻ này, trường đại học và sinh viên sẽ có nhiều lợi ích.

"Đơn cử như phòng thí nghiệm Vật lý của ĐH Sư phạm TP.HCM rất hiện đại nhưng số lượng người dùng ít, sinh viên của ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, nếu có nhu cầu, có thể qua ĐH Sư phạm sử dụng. Sinh viên ĐH Nông Lâm nhưng nhà gần ĐH Sư phạm, có thể học môn Chính trị đại cương ở ĐH Sư phạm...", hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM nêu ví dụ.

Tuy nhiên, điểm khó khăn hiện nay, nếu thực hiện mô hình chia sẻ nguồn lực, là mức học phí chênh lệch giữa các trường đã thực hiện tự chủ và chưa thực hiện tự chủ. Trong 6 trường đại học tham gia hiện nay, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM và ĐH Mở đã tiến tới tự chủ. Do đó, các trường cần thảo luận kỹ cách thức vận hành mô hình này trong thời gian tới.

Hàng trăm sinh viên Sài Gòn có thể bị xóa tên vì không nộp bằng THPT

Hơn 300 sinh viên ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM có thể bị đuổi học, xóa tên nếu không nộp bằng tốt nghiệp THPT đúng thời hạn.


Minh Nhật

Bạn có thể quan tâm