6.000 trẻ em chết đuối mỗi năm, trường học vẫn lóng ngóng
Mỗi năm, nước ta có gần 6.000 trẻ em chết đuối và có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, đa số các trường học vẫn lóng ngóng với việc dạy bơi cho học sinh vì kinh phí, cơ sở vật chất.
Mới đây nhất là ngày 12/9, 8 nữ sinh lớp 7 và lớp 8 của Trường THCS An Mỹ rủ nhau đi chơi không may bị chết đuối tại hồ chứa nước xã Tuy Lai (huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Dễ nhận thấy là nguyên nhân chính trong các vụ tai nạn chủ yếu là do học sinh không biết bơi.
Hồ chứa nước xã Tuy Lai, Mỹ Đức, Hà Nội đã lấy đi 8 sinh mạng học sinh vào ngày 12/9/2012. Vụ chết đuối thảm thương này khiến dư luận bàng hoàng, xót xa.(ảnh Vietnmamnet). |
Đại học Ngoại thương là một trong số ít trường đưa môn bơi vào giảng dạy cho sinh viên. PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương cho biết, bơi lội là môn học truyền thống của trường để rèn luyện thể chất cho sinh viên. Không riêng gì học sinh tiểu học mà sinh viên cũng cần có kỹ năng tự bảo vệ mình khỏi tai nạn đuối nước.
Theo giáo viên (GV) dạy bơi của Trường ĐH Ngoại thương thì bơi là môn học tự chọn được cấp chứng chỉ thể chất sau khi sinh viên hoàn thành xong khóa học. “Mỗi khóa có khoảng 4 lớp, mỗi lớp có đến 100 – 150 sinh viên tham gia. Đó là kỹ năng cơ bản mà ai cũng nên có để bảo vệ chính mình”, cô Phương (GV dạy bơi ĐH Ngoại thương) cho biết.
Nhấn mạnh vai trò của việc phổ cập bơi cho HS tiểu học, bà Nguyễn Thị Phương (Hiệu phó Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm) nói: “Học sinh biết bơi cực kỳ quan trọng vì không những rèn luyện thể chất toàn diện mà còn là kỹ năng tồn tại, học cách ứng phó với tai nạn đuối nước. Hiện nay, nhà trường đang thực hiện phổ cập cho HS lớp 5 môn bơi lội”.
Năm 2010, để hạn chế số học sinh bị đuối nước, Bộ GD đưa ra Đề án về dạy bơi cho học sinh cấp tiểu học, mục tiêu là chậm nhất đến năm học 2014-2015, các Sở GD-ĐT phải xây dựng được mô hình dạy bơi thí điểm trong các trường tiểu học bằng các hình thức phù hợp. Tuy nhiên, dự án vẫn “dậm chân tại chỗ”.
Triển khai “lõng bõng”
Thực tế thì việc đưa môn bơi vào dạy ở các trường học kể cả ngoại thành và nội thành là rất khó thực hiện. Theo bà Nguyễn Thị Vân Anh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Diệu (Ba Đình – Hà Nội) thì Bộ GD&ĐT có quan điểm chống đuối nước cho trẻ em, nhưng những điều kiện về cơ sở vật chất của các nhà trường chưa đáp ứng được. Hàng năm Sở GD&ĐT Hà Nội vẫn tổ chức giải bơi lặn cho học sinh, nhưng muốn tham gia thì học sinh phải đi học ở những trung tâm hay các câu lạc bộ. Chia sẻ về những khó khăn gặp phải, bà Vân Anh nói: “Ở đây có một bất cập, những cháu nào tham gia giải thì mới đi tập nên tôi nghĩ về góc độ các nhà trường vẫn không đáp ứng được”.
Là một trường nằm gần với sông Đà, thầy Nguyễn Mai Lâm – Hiệu trưởng Trường tiểu học Tản Hồng (Ba Vì - Hà Nội) cho biết, ở địa phương không có địa điểm để tập bơi, cả xã duy nhất có một cái hồ, tuy nhiên hồ nước đã quá ô nhiễm, không thể sử dụng được. “Nhà trường chỉ hướng dẫn, phổ biến bằng lý thuyết cho học sinh để đảm bảo an toàn. Mặc dù biết dạy bơi cho học sinh là cần thiết nhưng không ai dám mang học sinh ra sông để dạy bơi, rất nguy hiểm".
Nhiều người đặt câu hỏi:"Đến bao giờ, học sinh tiểu học được phổ cập bơi lội khi cơ sở vật chất, kinh phí chưa có?" (ảnh minh họa). |
"Nếu học sinh tham gia tập bơi ở sông thì phải có bố mẹ, người lớn đi cùng. Ở trường thì không làm được, trường đã đề nghị với xã cho cải tạo một hồ trước cổng trường để cho học sinh sử dụng nhưng chưa có kinh phí, hơn nữa hồ này giờ họ cho đấu thầu nuôi cá bằng phân chim nên mùi rất nặng”, hiệu trưởng Trưởng Tiểu học Tản Hồng nói thêm. “Trường rất muốn áp dụng dạy bơi cho học sinh, nhưng còn quá nhiều khó khăn về kinh phí đưa đón trẻ, học phí vào bể, và giáo viên quản lý trẻ”, ông Đỗ Quang Hợp (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ.
Theo thống kê, mỗi năm, cả nước ta có hơn 6.000 trẻ em chết do đuối nước và mùa hè thường là thời điểm hay xảy ra đuối nước nhiều nhất. Từ năm 2007 - 2011, tỉ lệ trẻ em chết do đuối nước có chiều hướng gia tăng, chỉ xếp sau tai nạn giao thông. Cũng theo Liên đoàn Cứu sinh quốc tế, tỉ lệ trẻ em chết vì đuối nước ở Việt Nam cao gấp hai hoặc gấp ba tỉ lệ bình quân của thế giới.
Theo Giáo Dục Việt Nam