Thế giới
Ảnh & Video
69 năm ngày Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản
- Thứ sáu, 8/8/2014 17:51 (GMT+7)
- 17:51 8/8/2014
Ngày 6 và 9/8/1945, quân đội Mỹ thả hai quả bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản, để lại nhiều hậu quả thảm khốc.
|
Theo lệnh của Tổng thống Harry S Truman, lúc 8h15 (giờ Hiroshima) ngày 6/8/1945, máy bay B-29 “Enola Gay” của quân đội Mỹ thả quả bom nguyên tử "Little Boy" xuống trung tâm thành phố Hiroshima. Quả bom chứa khoảng 60 kg Uranium 235 và đương lượng 13 kiloton đã phát nổ cách mặt đất khoảng 600 m. Ngay lập tức, nó giết chết ít nhất 90.000 người. 90% nhà cửa ở Hiroshima bị hủy diệt hoặc hư hại. |
|
Một kỹ sư Australia công tác tại thành phố cảng Kure đã ghi lại hình ảnh đám khói lớn bốc lên từ vụ nổ tại thị trấn Yoshiura thuộc Hiroshima. Tại thời điểm bị đánh bom, Hiroshima là thành phố quan trọng cả về quân sự và công nghiệp. |
|
Siêu pháo đài bay Boeing B-29 “Enola Gay” hạ cánh tại căn cứ quân sự Tinia sau khi hoàn thành nhiệm vụ. |
|
Quả bom nguyên tử mang tên “Little Boy” có chiều dài 3 m, đường kính 71 cm và khối lượng 4.000 kg. Sức công phá của nó tương đương 13 đến 16 nghìn tấn thuốc nổ TNT. |
|
Tổ bay nhận nhiệm vụ ném quả bom nguyên tử đầu tiên xuống thành phố Hiroshima trong Thế chiến II chụp ảnh trước “Enola Gay”. Cơ trưởng của máy bay là Đại tá Paul Tibbets (đứng giữa). Đại úy William Sterling Parsons là người đưa quả bom "Little Boy" vào tình trạng sẵn sàng sau khi máy bay cất cánh và phụ tá của ông là Morris R. Jeppson nhận nhiệm vụ dỡ các thiết bị an toàn của quả bom 30 phút trước khi tới mục tiêu. Đây là lần đầu tiên vũ khí hạt nhân được sử dụng trong chiến tranh. |
|
Vụ ném bom kinh hoàng đã phá hủy hầu hết cấu trúc của thành phố vốn được coi là căn cứ hậu cần nhỏ của quân đội Nhật Bản. Hiroshima cũng là mục tiêu ưu tiên số 1 của nhiệm vụ tấn công nguyên tử. Mục tiêu số hai là thành phố Kokura và mục tiêu dự bị là Nagasaki. |
|
Các nạn nhân của vụ ném bom Hiroshima xếp hàng để điều trị khẩn cấp. Đến tháng 12/1945, hàng ngàn người chết bởi vết thương, nhiễm độc phóng xạ đã đưa tổng số nạn nhân tử vong ở Hiroshima trong năm 1945 lên 140.000 người. Nhiều thai nhi đã chết ngay khi còn trong bụng mẹ hoặc sinh ra với các dị tật, dị hình. |
|
Cột khói khổng lồ hình nấm cao hàng trăm m xuất hiện trên bầu trời Nagasaki chỉ vài giây sau khi sĩ quan Mỹ trên phi cơ B-29 “Bockscar” thả quả bom “Fat Man” xuống thung lũng công nghiệp của thành phố vào lúc 11h01 (giờ địa phương) ngày 9/8, chỉ vài ngày sau khi quân đội Mỹ ném bom Hiroshima. 43 giây sau, quả bom chứa 6,4 kg Plutonium 239 và đương lượng 21 kiloton đã phát nổ ở khoảng cách 469 m so với mặt đất. |
|
"Fat man” có chiều dài 3.25 m, đường kính 1,52 m, nặng 4.630 kg. Bom có sức công phá tương đương với 21 kiloton thuốc nổ TNT. Đúng theo tên gọi, “Fat Man” to gấp đôi quả bom nguyên tử “Little Boy” được thả xuống Hiroshima ba ngày trước. |
|
Mũi tên đánh dấu vị trí bom nguyên tử thứ hai rơi xuống thành phố Nagasaki. Quả bom thả vội vàng đã nổ ở đoạn giữa hai mục tiêu chính, xưởng thép và vũ khí ở phía bắc và xưởng thủy lôi ở phía nam, những khu vực ít dân cư. Vì vậy, mặc dù quả bom thứ hai với đương lượng nổ lớn hơn quả "Little Boy" ở Hiroshima nhưng gây thiệt hại ít hơn so với ở Hiroshima. Theo ước tính, 70.000 người đã thiệt mạng ngay sau vụ nổ và 60.000 người bị thương. |
|
Các nạn nhân của vụ nổ nằm tại một bệnh viện quân đội ở Hiroshima. 3 ngày sau khi quân đội Mỹ thả bom xuống Nagasaki, Nhật Bản đầu hàng. Những người ủng hộ việc ném bom cho rằng, hai vụ nổ đã kết thúc Thế chiến II sớm nhiều tháng nên cứu cứu sống nhiều sinh mạng. Tuy nhiên, phe chỉ trích coi đây là hành vi trái đạo đức và về mặt chiến thuật quân sự, việc ném bom là không cần thiết và không thể biện minh. |
|
Anh Akira Yamaguchi, công dân Hiroshima, mang trên người những vết sẹo do bỏng nặng. Vai trò của hai vụ nổ đối với việc nước Nhật đầu hàng, cũng như hậu quả và các giải thích cho việc thả bom vẫn là chủ đề còn bàn cãi cho tới ngày nay. |
Nhật Bản
Mỹ
Anh
Hiroshima
nguyên tử
bom
Nagasaki
đầu hàng
thương vong
thiệt hại
chiến tranh