Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

7 biện pháp dập dịch Covid-19 của TP.HCM

Đây là các động thái của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM nhằm khống chế dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.

Sáng 11/6, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh nhận định sau 10 ngày giãn cách xã hội, ổ dịch điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng cơ bản đã được kiểm soát. Tuy nhiên, thành phố vẫn ghi nhận một số chuỗi lây nhiễm riêng lẻ.

TP.HCM đang thực hiện hiện 7 biện pháp để nhanh chóng kiểm soát dịch trên địa bàn.

Tiếp tục điều tra truy vết, khoanh vùng, dập dịch nhanh và triệt để

Trong đó, tại khu vực phát hiện ca dương tính với virus, các đơn vị cần khoanh vùng xử lý, xét nghiệm tầm soát quanh địa điểm có ca bệnh và khu vực lân cận, đồng thời xét nghiệm mở rộng trong cộng đồng.

Song song với xét nghiệm mở rộng, TP.HCM cũng xét nghiệm kiểm tra theo chuỗi tiếp xúc gần, có nguy cơ lây nhiễm cao.

Thành phố cũng sẽ thông báo, vận động những người từng đến các địa điểm có ổ dịch khẩn trương khai báo cho y tế địa phương để giám sát kịp thời, ngăn ngừa tiếp tục lây nhiễm trong cộng đồng.

Tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 trong khu công nghiệp

Các cơ sở sản xuất, lao động trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao..., đã được xét nghiệm mở rộng trong thời gian qua với 53.255 mẫu.

Đến nay, dù phát hiện thêm 4 trường hợp là người lao động trong khu công nghiệp, TP.HCM may mắn chưa ghi nhận người mắc bệnh và lây lan tại đây.

Ngoài ra, TP.HCM cũng cần tăng cường vai trò của cơ quan quản lý, từ đó quản lý chặt hoạt động trong khu công nghiệp, ký cam kết với cơ sở, doanh nghiệp về tổ chức biện pháp phòng, chống dịch.

Thành phố sẽ tiếp tục lấy mẫu và xét nghiệm tầm soát có trọng tâm ở các khu công nghiệp, khu chế xuất công nghiệp, khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố có môi trường làm việc dễ lây lan, thông khí kém, đặc biệt là các công ty trong các khu công nghiệp có người nhiễm, nghi nhiễm.

Đảm bảo cách ly tập trung và giám sát cách ly tại nhà

Cụ thể, thành phố đang triển khai 6 khu cách ly tập trung với công suất 5.500 giường, tiếp tục mở rộng cơ sở cách ly tại Ký túc xá Đại học Quốc gia đạt 10.000 giường.

tinh hinh dich Covid-19 tai TP.HCM anh 1

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại TP.HCM. Ảnh: Hoàng Giám.

Các đơn vị này được yêu cầu đảm bảo mỗi phòng cách ly bố trí 2 giường. Phòng rộng có thể được bố trí 3-4 giường nhưng phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2 m, có vách ngăn.

TP.HCM cũng đang tổ chức 51 khu cách ly tại khách sạn với 5.000 giường, 2 khu cách ly quân đội có 678 giường, đồng thời mở rộng các khu cách ly tập trung tại mỗi quận, huyện thêm 200 giường.

Sở Y tế TP.HCM đã phân công các bệnh viện thành phố tham gia nhiệm vụ chuyên môn y tế trong các khu cách ly.

Người cách ly tại nhà, nơi cư trú sẽ được giám sát chặt, xử lý nghiêm vi phạm. Thành phố cũng đang vận động người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ sức khỏe, trung thực và kịp thời khai báo.

Tăng năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2

TP.HCM đã huy động lực lượng toàn ngành để tham gia lấy mẫu, có ngày cao điểm đạt mức 100.000 mẫu/24 giờ.

Mặt khác, TP.HCM cũng sẽ phát huy hết công suất xét nghiệm của các cơ sở y tế thuộc thành phố, Trung ương và bệnh viện tư nhân.

Sở Y tế TP.HCM sẽ mở rộng và nâng cao năng lực xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 tại các bệnh viện và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố thông qua việc đề nghị các bệnh viện hạng 1, hạng 2, hạng 3…, khẩn trương rà soát, kiện toàn năng lực về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự, sinh phẩm…

Sẵn sàng năng lực điều trị bệnh nhân Covid-19

Theo đó, thành phố chủ động xây dựng phương án cho 5.000 ca nhiễm bao gồm vật tư, trang thiết bị, thuốc sinh phẩm, hóa chất theo phương châm 5 tại chỗ.

Để tăng cường năng lực điều trị người bệnh nặng, ngoài Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, sở y tế đã chuẩn bị triển khai thêm một đơn vị chuyên tiếp nhận người bệnh Covid-19 tại Bệnh viện huyện Củ Chi với 500 giường, có khu hồi sức dành cho người bệnh nặng.

tinh hinh dich Covid-19 tai TP.HCM anh 2

Một khu vực được phong tỏa tại TP.HCM. Ảnh: Hoàng Giám.

Ngoài ra, Sở Y tế TP.HCM đang triển khai nguyên tắc “4 tại chỗ” theo chỉ đạo của Bộ Y tế, chuẩn bị mở thêm các đơn vị cấp cứu, hồi sức tại các bệnh viện dã chiến Củ Chi và Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ, luân phiên nhân lực cấp cứu, hồi sức hỗ trợ cho các bệnh viện tại các quận trọng điểm trên tinh thần điều phối nguồn lực từ các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của thành phố.

Tòa nhà phong tỏa kiểm soát chặt người ra vào

Sở Y tế TP.HCM đề nghị quản lý các tòa nhà văn phòng, công ty, trung tâm thương mại được phong tỏa cam kết cung cấp đầy đủ danh sách người làm việc, người đến giao dịch để được giám sát và theo dõi y tế.

Tòa nhà đã được xử lý phòng, chống dịch đầy đủ, người làm việc có nguy cơ lây nhiễm đã được giám sát thì được giải tỏa phong tỏa. Tuy nhiên, các đơn vị này chỉ được hoạt động trở lại với nhân viên không thuộc diện phải giám sát y tế. Nhân viên đã cách ly đủ 14 ngày, tổ chức xét nghiệm giám sát, có kết quả âm tính mới được đi làm lại.

Tổ chức tiêm chủng vaccine Covid-19

Theo đó, từ ngày 3/6, thành phố đã tiêm vaccine đợt 3 với tổng số 71.900 liều do Bộ Y tế cung cấp cho những đối tượng ưu tiên, đảm bảo an toàn, chất lượng và tiến độ, dự kiến hoàn tất vào ngày 15/8. Đến nay, thành phố đã tiêm mũi một cho 6.070 người.

Tính từ 27/4 đến sáng 11/6, theo công bố của Bộ Y tế, TP.HCM có tổng cộng 572 bệnh nhân Covid-19. Trong đó, chùm ca bệnh liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng gồm 420 người. Đặc biệt, trong thời gian qua, thành phố phát hiện thêm 109 bệnh nhân chưa rõ nguồn lây (thông qua khám sàng lọc ở bệnh viện và người liên quan).

'TP.HCM cần thay đổi chiến lược xét nghiệm trước khi quá muộn'

Các chuyên gia cho rằng trong giai đoạn này, TP.HCM nên làm test nhanh trước, song song thực hiện rRT-PCR nhằm sớm khống chế dịch Covid-19.

Quốc Toàn - Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm