Deadpool: Không chỉ ăn khách tại phòng vé khi thu hơn 760 triệu USD toàn cầu, Deadpool còn được giới phê bình đánh giá cao bởi nội dung hài hước, các pha hành động lôi cuốn, cùng một số khía cạnh kỹ thuật. Trong đó, gương mặt sứt sẹo của gã lính đánh thuê lắm mồm, ưa bạo lực chính là điểm nhấn ấn tượng, giúp bộ phim đến nay vẫn còn tên trên đường đua hạng mục Hóa trang & làm tóc xuất sắc của Oscar. Ảnh: Fox.
|
The Dressmaker: Bộ phim lấy đề tài báo thù với bối cảnh thập niên 1920 tại Australia cùng Kate Winslet trong vai chính. Bên cạnh những bộ xiêm y lộng lẫy, phần hóa trang giúp cho nhân vật Myrtle “Tilly” Dunnage trở nên đáng nhớ trong tâm trí khán giả. Trước khi lên đường chinh phục nước Mỹ, The Dressmaker từng giành nhiều giải thưởng điện ảnh lớn nhỏ tại xứ sở chuột túi. Ảnh: Amazon Studios.
|
Florence Foster Jenkins: Tác phẩm thuộc dòng tiểu sử, kể lại cuộc đời bi hài của nữ ca sĩ bị cho là có “giọng hát dở nhất thế gian” Florence Foster Jenkins với Meryl Streep trong vai chính. Ngoài phần phục trang giúp tái hiện không khí thập niên 1940 tại New York, Mỹ, các nghệ sĩ hóa trang còn giúp cho huyền thoại điện ảnh mang tạo hình gần như giống hệt nhân vật ngoài đời thực. Ảnh: Paramount.
|
Hail, Caesar!: Bộ phim hài hước của anh em đạo diễn nhà Coen gây ra sự chia rẽ thú vị: giới phê bình hết lời ca ngợi, còn công chúng thì chẳng mấy mặn mà. Song, các khía cạnh kỹ thuật của Hail, Caesar! gần như không có điểm gì đáng chê, trong đó có phần hóa trang cho dàn sao gồm Josh Brolin, George Clooney, Alden Ehrenreich, Ralph Fiennes, Tilda Swinton, Channing Tatum… Chuyện phim bắt đầu khi một diễn viên tại Hollywood trong những năm 1950 bị mất tích, gây ra vô số tình huống tréo ngoe. Ảnh: Universal.
|
A Man Called Ove: Tác phẩm điện ảnh Thụy Điển hiện còn có tên trong danh sách tranh tài hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc của Oscar 2017. Chuyện phim xoay quanh những khám phá về người đàn ông 59 tuổi Ove giữ chức quận trưởng, sau khi một gia đình chuyển tới sống đối diện nhà ông. A Man Called Ove thực chất được thực hiện dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên năm 2012 của Fredrik Backman. Ảnh: Nordisk Film.
|
Star Trek Beyond: Đưa khán giả tới một hành tinh bí ẩn xa xôi, nơi phi hành đoàn USS Enterprise phải tìm cách thoát thân, Star Trek Beyond là mảnh đất màu mỡ để các nghệ sĩ hóa trang thể hiện tài năng. Gương mặt và tạo hình của hàng loạt sinh vật kỳ quái, đặc biệt là ác nhân Krall do Idris Elba sắm vai, là thành tựu mà ê-kíp hoàn toàn có thể tự hào sau khi bom tấn ra mắt. Ảnh: Paramount.
|
Suicide Squad: Khác với Deadpool, tuy gặt hái thành công tại phòng vé, nhưng Suicide Squad lại bị giới phê bình chỉ trích vì phần nội dung thiếu thuyết phục. Song, đội ngũ hóa trang đã rất thành công trong việc xây dựng tạo hình cho các ác nhân nhà DC, như Joker, Harley Quinn, Killer Croc…, giúp nhóm nhân vật như từ truyện tranh bước lên màn ảnh. Đó thực sự là một trong những điểm cộng lớn dành cho bom tấn. Ảnh: Warner Bros.
|