Vviệc rèn luyện sức khỏe trong điều kiện thời gian eo hẹp của cuộc sống hiện đại không phải là điều đơn giản. Nhất là khi chị em phụ nữ luôn gánh chịu áp lực phải phấn đấu sao cho vừa “giỏi việc nước” lại “đảm việc nhà”.
Một số gợi ý dưới đây sẽ giúp bạn có được những lựa chọn phù hợp cho việc rèn luyện sức khỏe, giữ gìn được sự trẻ trung và dẻo dai cho cơ thể trong cả năm.
1. Dành thời gian ưu tiên cho việc tập thể dục
Cần cố gắng dành khoảng 1 giờ mỗi ngày cho các hoạt động thể dục thể thao. Bạn có thể chọn từ một đến hai bộ môn mà mình yêu thích, bắt đầu từ những điều đơn giản như đi bộ, các động tác giúp kéo giãn cơ bắp, aerobic, khiêu vũ thể thao… đến những môn phức tạp hơn như yoga, võ thuật…
2. Tập thể dục vào thời điểm bạn thích nhất trong ngày
Nếu không có quyết tâm, bạn sẽ tìm ra rất nhiều lý do “hợp lý” để thoái thác việc rèn luyện sức khỏe. Do đó, cần tự tạo ra thời gian biểu tập luyện phù hợp của riêng mình và cố gắng duy trì chúng trở thành một thói quen thường ngày. Các kết quả nghiên cứu đều thừa nhận rằng những hoạt động thể dục vào buổi sáng sớm sẽ là lựa chọn phù hợp nhất. Tuy nhiên, bạn chỉ cần chọn thời gian phù hợp với lịch sinh hoạt của mình để việc tập luyện không gây ảnh hưởng đến những hoạt động thường ngày.
3. Kết bạn và lập nhóm để cùng nhau tập luyện
Nếu không phải là người có tính kỷ luật cao, bạn nên kết bạn với những người cùng tập và lập thành nhóm riêng hoặc thuê huấn luyện viên nếu như điều kiện kinh tế cho phép. Điều này sẽ giúp bạn nâng cao được ý thức rèn luyện sức khỏe. Cảm giác bị ràng buộc với những người khác buộc bạn phải tham gia tập luyện thường xuyên và chăm chỉ hơn.
4. Không theo đuổi các “mốt” ăn kiêng “thời thượng”
Một cơ thể khỏe mạnh là kết quả của những lựa chọn lành mạnh trong lối sống thường ngày. Loại bỏ những thực phẩm được chế biến sẵn ra khỏi khẩu phần ăn hàng ngày, tập trung vào các loại thực phẩm tươi sống, chưa được tinh chế sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Hãy ăn để nuôi sống cơ thể chứ đừng nạp năng lượng theo cảm xúc. Chắc chắn, bạn sẽ gặp khó khăn khi từ bỏ những món ăn vặt yêu thích. Cách tốt nhất là thực hiện chế độ từ bỏ dần dần, giảm dần tỷ lệ các món có nhiều chất béo, đường, các chất kích thích đồng thời tăng dần những món được chế biến từ rau, củ, quả tươi, ngũ cốc thô…
5. Kiên trì theo đuổi chế độ ăn uống và tập luyện lành mạnh
Tâm lý vội vàng khi thực hiện chế độ ăn kiêng hay tập thể thao có thể gây tổn thương cho cơ thể, hoặc khiến sức khỏe gặp trục trặc. Bạn nên tập trung vào việc xây dựng chế độ ăn uống tốt hơn thay vì chỉ hạn chế những thói quen ăn uống bất lợi. Tương tự như vậy, thay vì chỉ lập mục tiêu tập luyện trong tuần hay trong tháng, bạn nên hướng đến những kế hoạch dài hơn nhằm hạn chế tình trạng cơ thể bị mệt mỏi do hoạt động quá sức.
6. Xây dựng những thói quen lành mạnh
Mục tiêu của việc rèn luyện thân thể phải bao gồm cả việc giữ gìn sự khỏe mạnh cho thể chất lẫn tinh thần. Việc thay đổi những thói quen không lành mạnh trong cuộc sống không cần quá phức tạp. Bạn chỉ cần ngủ đủ giấc, uống nhiều nước, từ bỏ thuốc lá, hạn chế tiêu thụ chất cồn, ăn uống điều độ và hạn chế thời gian xem ti-vi. Những thói quen lành mạnh trong lối sống chính là bí quyết để giữ cho tinh thần luôn minh mẫn, cơ thể luôn tráng kiện.
7. Kiểm soát căng thẳng
Nhiều kết quả nghiên cứu đã cho thấy những căng thẳng xảy ra trong cuộc sống nếu không được kiểm soát có thể gây hại rất lớn tới sức khỏe. Để bảo vệ sự khỏe mạnh về tinh thần, bạn cần học cách kiểm soát stress. Có thể lựa chọn những hoạt động rèn luyện theo ý thích như ngồi thiền, yoga, chạy bộ, khiêu vũ, nghe nhạc êm dịu hay chơi đùa cùng vật nuôi… để tinh thần được thư giãn, giải tỏa những mệt mỏi và muộn phiền trong cuộc sống thường ngày.