Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những chi tiết vô lý, phản giáo dục trong phim 'Tháng năm rực rỡ'

Được coi là phim bộ thanh xuân nhân văn nhưng ở bản gốc "Sunny" (Hàn Quốc) và bản làm lại "Tháng năm rực rỡ" (Việt Nam) tồn tại một số chi tiết thiếu hợp lý, thiên về bạo lực.

Trailer bộ phim 'Tháng năm rực rỡ' Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng làm lại bộ phim nổi tiếng "Sunny" của điện ảnh Hàn Quốc với bối cảnh Đà Lạt năm 1974-1975.

1. Bạn chí cốt, khi trưởng thành lại không nhận ra nhau

Trong phim, các nhân vật gặp nhau và chơi thân khi còn ở độ tuổi thiếu niên và tái ngộ khi sắp bước vào tuổi 40. Họ có khoảng 25 năm chia cách, cũng không có điều kiện không cập nhật diện mạo của nhau qua ảnh Facebook vì thời đại chưa cho phép.

Nhưng đó cũng không phải lý do thỏa đáng để không chỉ một lần, các nhân vật không nhận ra nhau khi gặp lại. Tình tiết này có lúc được sử dụng cường điệu để gây cười: thậm chí, Hiểu Phương và Lan Chi còn tưởng nhầm cô bạn Thùy Linh là một cô lao công trạc 50 tuổi. 

Đặt trong phim, tình tiết này cũng không gây nhiều lấn cấn chủ yếu vì các diễn viên đóng vai trẻ già của cùng một nhân vật trông không hề giống nhau.

Còn ở ngoài đời, con người có thay đổi đến đâu về phong cách, diện mạo thì nét mặt vẫn cơ bản giữ nguyên, nên nhiều người trong chúng ta vẫn nhận ra bạn cũ trong một vẻ ngoài mới.

2. Coi nhẹ lời trêu ghẹo mang tính bắt nạt: "Đồ nhà quê"

Học đường luôn là một môi trường phức tạp chứ không chỉ có tình bạn và những kỷ niệm đẹp, thời đại nào cũng vậy. Những lời trêu ghẹo như "Đồ nhà quê", "Con nhà quê", nhại cách phát âm miền Bắc đối với Hiểu Phương có thể coi là một hình thức bắt nạt, kỳ thị dưới dạng lộ liễu.

nhung chi tiet vo ly phan giao duc trong thang nam ruc ro anh 1
Hiểu Phương bị trêu ghẹo vì "nhà quê" và cách phát âm "Phan Dí" (Phan Rí).

Ngoài đời, đa dạng hơn, sự kỳ thị đó còn thể hiện ở nhiều hình thức: cô lập, tẩy chay hay luôn dè bỉu, tỏ rõ sự coi thường (như cách Tuyết Anh làm với Hiểu Phương). Cách đối xử như vậy có thể khiến nhiều học sinh xuất thân "kém sang" rơi vào mặc cảm, trầm cảm...

Nhưng trong phim, điều này đã được tích cực hóa bằng việc nhân vật Hiểu Phương vui vẻ chấp nhận biệt danh "nhà quê". Thậm chí, bạn thân và tốt với cô cũng gọi là "nhà quê" theo ý đùa vui.

Điều này không nên coi là bình thường, càng không nên coi là trò đùa trong một xã hội ngày càng tôn trọng sự đa dạng và chống lại sự phân biệt đối xử, phân biệt vùng miền như hiện nay.

3. Phụ huynh lập hội đánh bạn cùng lứa của con gái

Đây là tình tiết gây cười nổi bật trong bản gốc Sunny và được giữ nguyên trong bản Việt Tháng năm rực rỡ nhưng cũng có thể coi là tình tiết phản giáo dục nhất.

nhung chi tiet vo ly phan giao duc trong thang nam ruc ro anh 2
Cảnh người lớn đánh trẻ con không được nhiều phụ huynh đồng tình.

Lấy bạo lực chống lại bạo lực vốn là cách giải quyết vấn đề không hề tiến bộ, và hầu như không giải quyết được gì ngoài làm phát sinh thêm bạo lực trong tương lai.

Ai dám chắc những học sinh cá biệt bị nhóm của bà mẹ Hiểu Phương đánh "dằn mặt" không bị ám ảnh tâm lý và trở thành những kẻ bạo lực hơn khi trưởng thành?

Khi đối tượng bị đánh lại là những học sinh nhỏ hơn họ 20-30 tuổi thì cái sai lại càng sai.

4. Mối tình đầu gặp lại, nhìn mình như người xa lạ

Nhân vật hot boy Đông Hồ (Tiến Vũ đóng trong bản Việt) và Han Joon Ho (Kim Shi Hoo đóng trong bản Hàn) gây ấn tượng đậm ở thời niên thiếu, nhưng đến thời trung niên có thể làm người xem vỡ mộng.

Nhiều khán giả nói họ thất vọng khi thấy Đông Hồ tuổi 40 sau khi nhận tận tay bức tranh năm xưa của Hiểu Phương, với hình ảnh trai trẻ của mình thời thanh xuân, lại chỉ phản ứng bằng cách ngơ ngác ngạc nhiên và chạy theo tìm cô một cách hời hợt, không tìm được cũng quay về luôn.

nhung chi tiet vo ly phan giao duc trong thang nam ruc ro anh 3
"Em đánh rơi nụ hôn đầu sau lưng anh", anh cũng quên luôn?

Cần nhắc lại, đó là một bức tranh được vẽ hơn 25 năm trước, được giữ gìn cẩn thận đến ngày tặng lại, chứng tỏ người vẽ phải nặng tình đến mức nào? Điều đó không khiến "hot man" Đông Hồ có một cảnh phim vướng bận sâu sắc hơn?

5. Người bị ung thư giai đoạn cuối đủ sức đánh nhau và trông quá xinh đẹp

"Tôi nghĩ về những vai diễn nữ trên phim: Họ có thể là nạn nhân, có thể đau thương, có thể khổ sở, có thể dằn vặt, nhưng họ không được quyền xấu xí", nữ diễn viên Rebecca Hall từng nói về một khía cạnh "nghèo nàn" của Hollywood với tờ Guardian.

Đó là lý do nữ diễn viên tìm đến dòng phim độc lập để được đóng những vai đa dạng hơn, có thể xấu xí nhưng đó là hình ảnh chân thực của con người.

nhung chi tiet vo ly phan giao duc trong thang nam ruc ro anh 4
Đây là hình ảnh nhân vật Mỹ Dung đang ung thư giai đoạn cuối.

Còn với phim ảnh Việt Nam, lâu nay chúng ta vẫn quen với những nhân vật mắc bệnh hiểm nghèo, sắp qua đời nhưng vẫn đẹp lộng lẫy như người mẫu (ngoài đời họ là người mẫu thật), như vai Mỹ Dung của Thanh Hằng.

Cô nói với bạn rằng tóc mình rụng rất nhiều nhưng vẫn luôn xuất hiện cùng mái tóc dài óng ả, suôn mượt, được chăm sóc kỹ lưỡng.

6. Hai nữ sinh uống rượu, nhậu xỉn

Đây là một trong những minh chứng cho thấy phim chưa Việt hóa "ngọt" như nhiều lời khen ngợi.

Chi tiết học sinh còn nhỏ tuổi công khai uống rượu ở quán ăn đường phố, sau đó lè nhè say xỉn và bộc lộ tâm sự với nhau là tình huống "bê nguyên" phim Hàn lộ liễu.

7. Học sinh cá biệt, nghiện ngập bị xa lánh, không ai quan tâm

Một trong những diễn xuất chân thực trong phim là vai cô học sinh cá biệt, chuyên đánh bạn (gần như hành hung), hít keo tên Kiều Chinh (Thanh Tú đóng trong bản Việt) và Jang Mi (do Cheon Woo Hee đóng trong bản Hàn). Đây cũng là hai diễn viên diễn khá bậc nhất trong hai bản phim.

Nhưng xung quanh nhân vật này là một môi trường học đường thiếu nhân văn. Jang Mi hay Kiều Chinh đều nổi loạn như vậy vì mặc cảm bị bạn bè xa lánh, căm ghét đến nỗi phải kêu lên "Tại sao ai cũng xa lánh tao?".

Đó là một bi kịch rất lớn của những học sinh không được yêu quý: cô đơn trong môi trường học đường, ghen tị với cô bạn hoa khôi xinh đẹp, ghen tị với cô bạn mới vào được bạn thân cũ của mình yêu quý, bị thầy giáo dùng vũ lực để trừng phạt ngay trong lớp (ở bản Hàn Sunny). Nhân vật này dường như đã trở nên có vấn đề về thần kinh chứ không đơn thuần là cá biệt.

Nhưng vì không phải là nhân vật chính, câu chuyện của Kiều Chinh/Jang Mi không được quan tâm xử lý trong phim.

8. Đám tang xa lạ với người Việt

Bản Việt hóa của Tháng năm rực rỡ vẫn mang gánh nặng quá lớn của bản gốc, nhiều khán giả vẫn khó bỏ qua cảnh đám tang xa lạ với người Việt từ hình thức tổ chức cho đến nét văn hóa ẩn sau đó.

nhung chi tiet vo ly phan giao duc trong thang nam ruc ro anh 5
Khung cảnh đám tang đậm chất phim Hàn.

Có thể, do đã xem quá nhiều phim Âu Mỹ và châu Á, khán giả cũng có cảm tình với khung cảnh đám tang lặng lẽ, bí ẩn và có phần "sang chảnh" của nước ngoài. Nhưng đó không phải là lý do để bỏ qua phong tục đám tang rất khác của Việt Nam.

9. Dự tang bạn, xuất hiện rạng rỡ như hoa hậu

Không thể tiết lộ nhiều về màn xuất hiện này nhưng vào cảnh diễn ra vào những giây cuối của phim. Khi nhân vật này xuất hiện, phần đông khán giả ồ lên thán phục vì quá xinh đẹp.

Nhưng cũng có vài khán giả tinh ý nhận ra, cảnh phim không hợp lý vì nhân vật đang đến dự đám tang bạn thân cũ mà trang điểm quá tươi tắn và gương mặt cũng tươi như hoa. Phải chăng vì sự hội ngộ của nhóm Ngựa Hoang quan trọng đến nỗi họ bỏ quên mất một điều quan trọng là một thành viên của nhóm vừa chết trẻ?

Hơn nữa, cũng không hợp lý khi nhân vật là một phụ nữ xinh đẹp, thành đạt nhưng khi ra đi chỉ còn quanh mình vài người bạn thời niên thiếu vừa may mắn gặp lại?

‘Tháng năm rực rỡ’: Nỗ lực Việt hóa thành công

Giữa trào lưu remake các tác phẩm nổi tiếng của nước ngoài, bộ phim mới đạo diễn Dũng “khùng” gây ấn tượng với chất lượng hoàn thiện tốt, cân bằng giữa nguyên tác và Việt hóa.


Mi Ly

Ảnh: CJ

Bạn có thể quan tâm