Sử dụng tốt ngôn ngữ cơ thể: Theo Reader's Digest, người biết lắng nghe sẽ đặt điện thoại của họ xuống và đối mặt trực tiếp với người đang trò chuyện với họ. Debby Mayne, chuyên gia về nghi thức của About.com, cho biết: "Bạn nên loại bỏ hoặc hạn chế tiếng ồn xung quanh cùng các yếu tố gây xao nhãng khác để có thể tập trung vào những gì người kia đang nói". Giao tiếp bằng ánh mắt, dành cho đối phương sự chú ý, tập trung thể hiện bạn chú trọng cuộc đối thoại. Ảnh: Mensbusiness. |
Biết quan sát các tín hiệu phi ngôn ngữ: Từ ngữ không phải là phần duy nhất của buổi trò chuyện. Khi đang nói chuyện trực tiếp với ai đó, bạn nên xem liệu họ có nhìn thẳng vào mình không, nụ cười có thân thiện không... Những tín hiệu phi ngôn ngữ cũng quan trọng như lời nói. Vì vậy, bạn nên chú ý đến những tiếng thở dài, đảo mắt hoặc thậm chí cau mày. Bạn dễ dàng phát hiện các tín hiệu này hơn khi chú ý và giữ im lặng. Ảnh: Thehealthy. |
Không cắt ngang lời người khác: Nếu bạn nói, bạn không thể thực sự lắng nghe. Hãy để người kia nói những gì họ nghĩ trong đầu thoải mái. Đôi khi, điều này có thể khó khăn, đặc biệt nếu người đó xúc động hoặc bạn thực sự muốn nói lên quan điểm của mình. Việc cắt ngang lời người khác gửi thông điệp rằng điều họ nói nhàm chán, khiến người nghe thiếu kiên nhẫn. Nếu thực sự có điều gì đó quan trọng cần nói hoặc cần giải thích rõ, bạn có thể nhớ hay ghi lại để hỏi người kia khi họ tạm dừng. Ảnh: Voxally. |
Để người khác bộc lộ cảm xúc: Nếu ai đó đang nói về một vấn đề nào đó, bạn nên tránh đưa ra lời khuyên. Là một người lắng nghe tích cực, bạn cho phép người bạn của mình bộc lộ cảm xúc lành mạnh mà không cần cố gắng khắc phục vấn đề. Nếu muốn nghe ý kiến của bạn, họ sẽ yêu cầu. Nếu thực sự muốn chia sẻ quan điểm của mình, bạn có thể hỏi những điều như "bạn có muốn nghe suy nghĩ của tôi không?". Ảnh: Thehealthy. |
Viết lại ghi chú: Việc ghi lại một số thông tin chính có thể giúp bạn nhớ những gì đã thảo luận trong cuộc trò chuyện. Ngay cả khi không thể viết ghi chú, bạn có thể nói lại tóm tắt với người đối diện về nội dung bạn vừa nghe được. Điều này cũng giúp bạn nắm vấn đề nhanh và nhớ lâu, hiểu rõ vấn đề hơn. Ảnh: MetroUS. |
Thể hiện sự đồng cảm: Người biết lắng nghe sẽ đặt mình vào hoàn cảnh của người đối diện. Họ vui vẻ khi bạn của mình hạnh phúc, buồn bã khi người kia có chuyện không vui. Bạn nên đặt mình vào vị trí của người nói để cảm nhận cảm giác của họ lúc đó. Điều này giúp bạn trở thành người lắng nghe hiệu quả. Tuy nhiên, nó không có nghĩa là bạn phải đồng ý với mọi điều họ nói. Bạn có thể nói "tôi hiểu", mỉm cười hoặc gật đầu để thể hiện mình đang lắng nghe. Ảnh: Nbcnews. |
Nghĩ kỹ trước khi nói: Sau khi đối phương nói xong, bạn nên tạm dừng vài giây trước khi đưa ra phản hồi. Điều đó sẽ làm cho người kia thấy bạn đang suy ngẫm về những gì họ vừa nói. Và họ biết bạn không phải chỉ muốn "nhảy vào" nói ngay sau khi họ kết thúc. Người biết lắng nghe sẽ cân nhắc xem họ có thể đưa ra những điều có giá trị không hay chỉ nên đặt câu hỏi. Ảnh: Medium. |