Theo bài viết trên trang CNBC, TS Ramani Durvasula, giáo sư Tâm lý học tại ĐH California ở Los Angeles (Mỹ), nhận thấy những dấu hiệu của người ái kỷ (chứng yêu bản thân thái quá - PV) như tính tự cao, đòi hỏi quyền lợi đang gia tăng trong các mối quan hệ gia đình.
Nuôi dạy con theo chủ nghĩa ái kỷ không đơn giản là khoe khoang điểm của con trên mạng xã hội hay ép buộc con tham gia các hoạt động ngoại khóa.
Cha mẹ ái kỷ thường gặp khó khăn trong việc cho phép con được là chính mình hoặc làm điều con muốn. Đây là cách độc hại nhất để nuôi dạy trẻ. TS Ramani Durvasula đã chỉ ra một số dấu hiệu phổ biến của cha mẹ ái kỷ.
Coi con cái là công cụ để đáp ứng nhu cầu bản thân
Khi con cái ghi được bàn thắng hoặc giành thành tích trong cuộc chơi, cha mẹ ái kỷ liên tục khoe khoang trên mạng hoặc kể về tài năng, vẻ đẹp của trẻ trong các cuộc trò chuyện.
Tuy nhiên, khi trẻ không đạt được thành tích như mong muốn, cha mẹ ái kỷ thường cảm thấy xấu hổ và không quan tâm đến con. Thay vì trò chuyện với con và tìm hướng giải quyết, họ coi trẻ như công cụ để đáp ứng nhu cầu của bản thân.
Cha mẹ ái kỷ thường gặp khó khăn trong việc cho phép con được là chính mình hoặc làm những điều con muốn. Ảnh: Kamini wood. |
Phản ứng theo cảm xúc
Cha mẹ ái kỷ thường bộc lộ cảm xúc tức giận, hung hăng khi họ cảm thấy thất vọng, bực bội. Nếu cho rằng con cái đang chống đối, họ có thể phản ứng theo cảm xúc như la hét, nổi cơn thịnh nộ đột ngột, nghiêm trọng hơn là bạo lực.
Trong khi đó, họ lại không tôn trọng cảm xúc của con cái, dễ dàng khó chịu với cảm xúc của chúng. Những ông bố bà mẹ ái kỷ phủ nhận cảm xúc của trẻ, khiến con cảm thấy xấu hổ bằng cụm từ như “đó không phải là vấn đề lớn, hãy vượt qua chính mình”, “đừng khóc, hãy cứng rắn lên”...
Đặt nhu cầu của bản thân lên trước
Đôi khi, người lớn cần đặt một số vấn đề lên hàng đầu như công việc. Tuy nhiên, cha mẹ ái kỷ lại mong muốn con cái hy sinh vấn đề của mình để họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn, đáp ứng được nhu cầu của họ.
TS Ramani Durvasula ví dụ nếu cha mẹ ái kỷ thích chèo thuyền, đồng nghĩa con cái của họ phải chèo thuyền cùng họ vào mỗi cuối tuần thay vì làm việc con muốn. Hoặc nếu cha mẹ có trận đấu tennis, họ sẽ không bỏ lỡ nó ngay cả khi trùng với buổi lễ tốt nghiệp của con
Bỏ qua giới hạn của con cái
Cha mẹ ái kỷ thường khá khó tính. Nếu cảm thấy không thích, họ sẽ không tương tác với con. Nhưng khi cảm thấy cần, họ có thể làm gián đoạn hoạt động của con, yêu cầu con làm bất cứ điều gì họ muốn.
Ngoài ra, họ có thể chỉ trích con như nhận xét về cân nặng, ngoại hình hoặc các đặc điểm khác vượt qua giới hạn, khiến trẻ cảm thấy bị xúc phạm.
Việc cha mẹ khen ngợi đứa trẻ này, chê bai đứa trẻ khác khiến trẻ cảm thấy khó chịu và bất ổn về mặt tâm lý. Ảnh: Rachel watson books. |
Thiên vị
Cha mẹ ái kỷ thường duy trì quyền lực trong gia đình bằng cách phân chia ngôi vị. Chẳng hạn, họ có thể không công bằng giữa những đứa con với nhau, khen ngợi đứa trẻ này nhưng lại chê bai đứa trẻ khác.
Điều này khiến trẻ cảm thấy khó chịu và bất ổn về mặt tâm lý. Trẻ tin mình cần phải làm tốt để tránh cơn giận từ cha mẹ, duy trì vị trí trong gia đình.
Đổ lỗi cho con cái
Người ái kỷ có nhu cầu được cảm thấy hoàn hảo. Vì vậy, họ trốn tránh trách nhiệm khi phạm sai lầm và đổ lỗi cho con cái.
Những đứa trẻ này sẽ cảm thấy có lỗi khi nhận về những câu nói “con làm cha/mẹ quá mệt mỏi” hoặc “nếu không vì con, cha/mẹ sẽ có sự nghiệp tuyệt vời”... Theo thời gian, những đứa trẻ dần tự trách bản thân và tin rằng bởi chúng mà người khác hoạt động kém hơn.
Mong đợi sự chăm sóc trong tương lai
Nhiều người ái kỷ yêu cầu con cái của họ sẽ chăm sóc và hỗ trợ cha mẹ trong tương lai. Họ thường định hướng điều này từ khi trẻ còn nhỏ cho đến khi trưởng thành. Câu thoại thường thấy là “cha/mẹ đã nuôi nấng con, vì vậy, con đang nợ cha/mẹ”.
Cách giải quyết
TS Ramani Durvasula khuyên bạn đừng lo lắng khi có một trong những dấu hiệu nào ở trên. Bà cho rằng bất cứ ai đều có thể gặp phải một trong những điều đó. Bà gợi ý một số cách để cha mẹ thay đổi tư duy, thói quen.
Đầu tiên, cha mẹ đừng nói xấu con. Nếu con nói bạn luôn tức giận với con, thay vì phủ nhận, bạn có thể chia sẻ cảm xúc với con.
Phụ huynh cũng đừng ép con bạn phải tha thứ cho những lỗi bạn mắc phải. Sự bắt ép tha thứ có lợi cho cảm xúc của cha mẹ nhưng lại khiến trẻ tự trách móc bản thân.
Cuối cùng, nếu gặp phải nhiều dấu hiệu trên, bạn có thể xem xét đến trung tâm trị liệu. Đây là một trong những nơi tốt nhất để tìm hiểu thái độ của cha mẹ và xu hướng nuôi dạy con cái.