Theo Verywell Mind, việc thi thoảng cảm thấy mất động lực là vấn đề không quá nghiêm trọng. Hầu hết chúng ta trải qua một giai đoạn mà bản thân luôn cảm thấy mệt mỏi, cáu gắt và không muốn làm bất cứ điều gì.
Tuy nhiên, tình trạng này nếu kéo dài nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, nghiêm trọng hơn là dẫn đến trầm cảm.
Sau đây là 7 lời khuyên hữu ích dành cho bạn trong những ngày cả tinh thần lẫn thể chất đều tuyên bố “đình công”.
Chấp nhận rằng bạn cần nghỉ ngơi
Đôi khi, trạng thái thiếu năng lượng là một cách cơ thể lên tiếng và xin được nghỉ ngơi, theo Heathline.
Nếu bạn đã trải qua khoảng thời gian căng thẳng và áp lực, đây là lúc bạn nên cho phép bản thân thư giãn để phục hồi.
Trong trường hợp này, hãy nuông chiều bản thân bằng bất cứ điều gì khiến bạn dễ chịu.
Đó có thể là một giấc ngủ sâu, một ngày hoàn toàn rảnh rỗi, lướt mạng xã hội hay một khoảng yên tĩnh dành riêng cho việc đọc sách, chăm sóc cây.
Ảnh: Adrian Swancar/Unplash. |
Lắng nghe cảm xúc của bạn
Hầu hết chúng ta đều có xu hướng trốn tránh hay trì hoãn các nhiệm vụ khó khăn bằng cách buông bỏ, không muốn làm gì nữa.
Tuy nhiên, việc tìm hiểu sâu hơn cảm xúc chán nản này sẽ phần nào giúp bạn có hướng giải quyết và chấp nhận những điều vượt quá khả năng của mình, tác giả Crystal Raypole viết trên Heathline.
Hãy hỏi chính mình xem bạn đang lo lắng, buồn bã hay giận dữ vì điều gì? Điều đó đến từ công việc, mối quan hệ hay yếu tố nào khác? Và bạn có thể làm gì để giải quyết cảm xúc này?
Viết ra suy nghĩ tiêu cực
Đừng ngần ngại trả lời các câu hỏi trên bằng cách viết ra những gì bạn nghĩ, kể cả khi chúng là một mớ hỗn độn chẳng có ý nghĩa gì.
Phương pháp trị liệu tâm lý này được gọi là writing therapy (viết chữa lành), theo British Journal of General Practice.
Dù vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về cơ chế hoạt động của writing therapy, nhiều giả thuyết cho rằng viết lách có xu hướng giúp bộ não tổng hợp, sắp xếp lại trải nghiệm không vui. Từ đó rút ra ý nghĩa và tạo động lực mới cho bạn tiếp tục.
Ảnh: Green Chameleon/Unplash. |
Tìm sự hỗ trợ từ người khác
Hãy cầm điện thoại lên và trò chuyện với bạn bè trong những ngày không muốn làm gì.
Mỗi người sẽ có hướng giúp đỡ khác nhau. Lưu ý từ Healthline là bạn nên chọn tâm sự với người phù hợp, tùy theo nhu cầu của bạn ở thời điểm đó:
- Nếu bạn muốn ai đó gợi ý mình nên làm gì, hãy liên hệ những người bạn thích đưa lời khuyên
- Nếu bạn chỉ muốn được lắng nghe, tìm đến một người bạn ít nói, nghe nhiều
Để cơ thể vận động
Thay vì nằm một chỗ suốt 24h, bạn có thể nhấc người khỏi giường và đi dạo quanh khu nhà mình.
Trong khảo sát về sức khỏe tinh thần của Mind, 95% người được phỏng vấn cho biết tâm trạng của họ được cải thiện đáng kể, trở nên bình tĩnh và cân bằng hơn sau khi ra ngoài và tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên.
Trong thời gian phải ở nhà do giãn cách, bạn nên để cửa sổ mở hoặc lên sân thượng hít thở, tập 4-5 động tác stretching mỗi ngày.
Làm mới không gian sống
Yếu tố ngoại cảnh tác động rất nhiều đến tâm trạng, đó là lý do không ít người sẽ làm việc hăng say hơn khi được ngồi trong quán cà phê họ yêu thích.
Work from home nhiều ngày có thể dẫn đến cảm giác buồn chán với chính căn nhà của mình. Do đó, khi không còn hứng thú làm gì khác, bạn nên dành thời gian F5 phòng ốc bằng các chi tiết mới mẻ hơn như bố trí lại bàn làm việc, trang trí thêm cây xanh.
Nghiên cứu về lợi ích của việc trồng cây cảnh trong nhà từ NBC News đã chỉ ra rằng cây xanh có thể giúp giảm stress và thay đổi tâm trạng tốt hơn. Đồng thời cải thiện mức độ tập trung và năng suất làm việc lên đến 15%.
Ảnh: Daria Shevtsova/Pexels. |
Lên kế hoạch một ngày
Thực tế, ngay cả khi bạn cảm thấy lười biếng nhất, cuộc sống vẫn tiếp diễn và bạn vẫn còn nhiều việc phải làm.
Hành động lên hoạch cụ thể sẽ cho bạn cái nhìn tổng quan và tăng niềm vui thực hiện từng nhiệm vụ một. Dù vậy, hãy xen kẽ thực hiện các hoạt động yêu thích để bản thân không cảm thấy choáng ngợp.