Theo Verywell Family, các kỹ năng xã hội cần được chọn lọc trong suốt quá trình phát triển của trẻ. Kỹ năng xã hội có thể được học và tăng cường với nhiều nỗ lực và luyện tập.
Kỹ năng xã hội là một trong các yếu tố giúp trẻ thành công trong tương lai. Ảnh: Getty Images. |
Chia sẻ
Việc sẵn sàng chia sẻ bánh hoặc đồ chơi sẽ giúp trẻ kết bạn mới và giữ được mối quan hệ bạn bè lâu dài. Theo một nghiên cứu được công bố trên trang Psychological Science, trẻ em từ 2 tuổi bắt đầu có mong muốn chia sẻ đồ vật với người khác, nhưng chỉ khi đứa trẻ đã có đầy đủ những thứ mình muốn.
Trẻ em từ 3-6 tuổi lại có xu hướng ích kỷ hơn trong việc chia sẻ nếu như việc chia sẻ đó ảnh hưởng đến quyền lợi của chúng. Những đứa trẻ sẽ miễn cưỡng chia sẻ một nửa cái bánh cho bạn bè vì trẻ biết rằng làm như vậy chúng sẽ có ít bánh hơn. Cũng là đứa trẻ này sẵn sàng trao đi những món đồ chơi mà mình không còn thấy thú vị khi chơi nữa.
Khi lên 7 hoặc 8 tuổi, trẻ em sẽ quan tâm hơn đến sự công bằng và sẵn sàng để chia sẻ nhiều hơn. Những đứa trẻ hài lòng về bản thân mình sẽ có xu hướng thích sẻ chia cho người khác và sẻ chia cho người khác giúp chúng hài lòng hơn về bản thân. Dạy con trẻ cách chia sẻ là một cách để giúp chúng phát triển lòng tự trọng đối với bản thân.
Cha mẹ không nên ép con chia sẻ một thứ gì đó, cha mẹ có thể chỉ ra những sự chia sẻ mà bạn và con nhìn thấy trong cuộc sống. Khen con khi con chia sẻ với người khác, phụ huynh hãy nói với con những câu như: “Con chọn việc chia sẻ gói bánh đó cho chị con, chắc chắn là chị con sẽ vui lắm, đó là một việc làm tốt".
Hợp tác
Hợp tác nghĩa là phối hợp với người khác để đạt được mục tiêu chung. Những đứa trẻ biết hợp tác sẽ tôn trọng những yêu cầu từ người khác. Chúng biết cách đóng góp, tham gia, giúp đỡ những người xung quanh.
Kỹ năng hợp tác tốt là một phần thiết yếu trong việc hòa nhập với cộng đồng. Con bạn cần phải hợp tác với bạn cùng lớp ngay cả trên sân chơi lẫn trong lớp học. Kỹ năng hợp tác cũng quan trọng không kém đối với người lớn.
Trẻ em từ 3 tuổi rưỡi đã có thể bắt đầu làm việc với những người khác để đạt được mục tiêu chung. Hợp tác đối với trẻ em có thể là cùng nhau xây một tòa tháp đồ chơi, chơi những trò chơi mà trong đó yêu cầu mọi người phải hợp tác với nhau để giành chiến thắng. Học cách hợp tác cũng là học cách điều chỉnh cảm xúc, không tức giận hoặc khóc lóc khi mọi thứ không theo ý muốn. Trẻ học được rằng ăn mừng sự thành công của người khác không có nghĩa là hạ thấp bản thân.
Nói đến sự hợp tác, một số trẻ muốn trở thành người lãnh đạo, trong khi số khác lại thấy thoải mái với việc làm theo hướng dẫn của người khác. Mặc dù vậy, hợp tác vẫn là một cơ hội tốt cho trẻ em hiểu thêm về bản thân và học được cách làm việc nhóm.
Cha mẹ cần nói với con về tầm quan trọng của tinh thần đồng đội và công việc sẽ tiến triển tốt hơn như thế nào khi mọi người tham gia. Phụ huynh nên tạo cơ hội cho cả gia đình làm việc cùng nhau, chẳng hạn như chuẩn bị những bữa ăn hoặc làm việc vặt và nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác.
Lắng nghe
Lắng nghe không chỉ là im lặng lắng nghe một cách thụ động, mà còn chủ động tập trung phân tích những gì người khác đang nói. Kỹ năng lắng nghe là một trong những yếu tố quan trọng của việc giao tiếp tốt. Sau cùng, phần lớn những điều trẻ em học được ở trường phụ thuộc vào khả năng trẻ lắng nghe những gì giáo viên giảng dạy.
Tiếp thu kiến thức, ghi chú, suy nghĩ về những điều người khác đang nói sẽ trở nên ngày càng quan trọng hơn trên con đường học vấn của trẻ. Phụ huynh nên tạo điều kiện để con được luyện tập và cải thiện kỹ năng lắng nghe.
Kỹ năng lắng nghe cũng là một phần quan trọng trong việc phát triển sự đồng cảm. Một đứa trẻ sẽ không thể hiện lòng trắc ẩn hoặc hỗ trợ người khác nếu trẻ không biết lắng nghe và hiểu những gì người khác đang nói.
Điều cần thiết là con bạn lớn lên phải biết cách lắng nghe lời của sếp, người yêu và bạn bè. Kỹ năng này có thể đòi hỏi một số kỹ năng khác để thành thạo trong thời đại của các thiết bị kỹ thuật số. Hãy nhấn mạnh với con bạn ngay từ khi còn nhỏ rằng không nên sử dụng điện thoại thông minh và các thiết bị khác khi chúng tham gia vào cuộc trò chuyện.
Khi đọc sách cho con, cha mẹ nên dừng lại thường xuyên và yêu cầu con kể lại những gì về câu chuyện mà con nhớ. Sau đó, cha mẹ giúp con nhớ những đoạn con bỏ lỡ và khuyến khích con tiếp tục lắng nghe. Bên cạnh đó, phụ huynh không nên cho phép con cắt ngang lời người khác trong khi trò chuyện.
Làm theo hướng dẫn
Trẻ gặp khó khăn trong việc làm theo các hướng dẫn sẽ có khả năng trải qua nhiều loại kết quả. Trẻ phải làm lại bài tập về nhà vì hành động không đúng mực, không tuân theo các chỉ dẫn có thể trở thành một vấn đề lớn.
Bất kể khi nào phụ huynh hướng dẫn con dọn dẹp phòng hoặc nói con cách cải thiện kỹ năng đá bóng, điều quan trọng đối với trẻ là để con có khả năng nắm bắt và làm theo chỉ dẫn.
Trước khi cha mẹ mong đợi con có kỹ năng làm theo chỉ dẫn tốt, cha mẹ cần trở nên thành thục trong việc đưa ra những hướng dẫn cho con. Nếu con không muốn làm theo hướng dẫn, phụ huynh nên cho con nhiều cơ hội để tuân theo những lời đề nghị. Cụ thể, cha mẹ yêu cầu con đưa sách giúp mình và ngay sau đó có lời khen ngợi trẻ vì hành động nghe lời.
Cư xử đúng mực
Kỹ năng nhờ người khác giúp đỡ, nói lời cảm ơn và biết lễ nghi bàn ăn có thể giúp trẻ nhận được sự chú ý vì những lý do chính đáng. Giáo viên, các phụ huynh và những đứa trẻ khác sẽ tôn trọng một đứa trẻ lịch sự, cư xử lễ phép.
Việc dạy con cách cư xử đôi khi khá khó khăn. Dạy con lịch sự và biết tôn trọng đặc biệt là khi ở nhà người khác hoặc ở trường là điều quan trọng. Trước hết, cha mẹ hãy là một hình mẫu tốt cho con về cách ứng xử. Cha mẹ nên nhắc nhở khi con quên lễ nghi và dành lời khen khi con cư xử lịch sự.
Cha mẹ nên dạy trẻ các quy tắc, lễ nghi trên bàn ăn. Ảnh: FirstCry Parenting. |
Tôn trọng không gian cá nhân
Một số trẻ nói quá nhiều, một số trẻ ngồi vào chỗ của người khác mà không để ý rằng hành động của mình làm người kia khó chịu. Vì vậy, dạy trẻ tôn trọng không gian cá nhân của mọi người là điều quan trọng.
Cha mẹ nên tạo ra quy tắc trong nhà để khuyến khích con tôn trọng không gian cá nhân của các thành viên khác. Dạy con gõ cửa trước khi vào phòng hoặc không táy máy những thứ không phải của mình.
Nếu con lấy hoặc giật đồ từ tay người khác khi mất kiên nhẫn, phụ huynh nên thiết lập các kỷ luật cho hành động đó. Nếu con đứng quá gần mọi người khi nói chuyện, hãy xem đó như một trường hợp để dạy con. Cha mẹ để con đứng sang một bên và dạy con về các vấn đề không gian cá nhân. Khi con lớn hơn, phụ huynh có thể nói với con về khái niệm ranh giới mà cả hai tự đặt ra và tôn trọng ranh giới của những người khác.
Kỹ năng giao tiếp bằng mắt
Giao tiếp bằng mắt là một trong những kỹ năng quan trọng trong giao tiếp. Một số trẻ cảm thấy khó khăn khi phải nhìn vào người đối diện khi đang nói chuyện. Khi con ngại ngùng và thích nhìn xuống sàn hơn, cha mẹ hãy nhấn mạnh với con tầm quan trọng của việc giao tiếp tốt bằng mắt.
Hãy đưa cho con những nhắc nhở nhanh sau khi con gặp khó khăn trong giao tiếp mắt. Bằng giọng nhẹ nhàng, cha mẹ hỏi con rằng con nên đặt mắt như thế nào khi có ai đó nói chuyện với con. Thêm vào đó, cha mẹ nên khen ngợi con vì con nhớ nhìn vào người đối thoại.