Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

#FORMAT

7 lý do bạn nên bắt đầu nuôi thú cưng khi giãn cách

Dù bạn dự định nuôi chó, mèo hay bất cứ loài nào khác, chăm sóc thú cưng có thể là một trải nghiệm thú vị và đem đến nhiều lợi ích bất ngờ.

Dù bạn dự định nuôi chó, mèo hay bất cứ loài nào khác, chăm sóc thú cưng có thể là một trải nghiệm thú vị và đem đến nhiều lợi ích bất ngờ.

Trong thời gian giãn cách, ngày càng có nhiều người đón vật nuôi để bầu bạn và thư giãn tại nhà. Nếu bạn vẫn đang phân vân việc nhận nuôi, sau đây là 7 lợi ích từ thú cưng cho bạn dễ dàng tham khảo, theo Insider.

_____



Thú cưng giúp bạn cải thiện tâm trạng

Thực tế, việc chăm sóc một người bạn bốn chân giúp bạn giảm stress. Nhất là khi bạn đang hạn chế gặp bạn bè vì giãn cách xã hội.

Theo nghiên cứu của NCBI, Mỹ, một lượng oxytocin đáng kể, còn gọi là hormone tình yêu, sẽ xuất hiện trong não mỗi khi chúng ta ôm ấp thú cưng.

Khi oxytocin xuất hiện càng nhiều, hormone gây căng thẳng cortisol sẽ giảm đi và tạo cho bộ não cảm giác dễ chịu.

Sau một ngày làm việc nhiều áp lực, hãy ôm thú cưng của bạn vào lòng và trò chuyện với chúng. Chắc chắn bạn sẽ cảm nhận tâm trạng tốt hơn rất nhiều.

_____



Chăm sóc thú cưng giúp các cặp đôi kết nối

Psychology Today nói những người cùng nuôi thú cưng thường có xu hướng gắn kết sâu sắc hơn phần còn lại. Trong một khảo sát với sự tham gia của 100 cặp đôi, nhóm có thú cưng đã có huyết áp ổn định ngay cả khi đang tranh cãi.

Đồng thời, họ giao tiếp với nhau tốt hơn. Có lẽ vì họ luôn thực hành giao tiếp với thú cưng hàng ngày.

Nhân lúc giãn cách, bạn và người yêu nên thử nuôi một "đứa con" để gần gũi với nhau hơn. Nếu yêu xa, ai có khả năng và thời gian nên là người chăm sóc chính. Hai bạn có thể gọi video call cho nhau hàng ngày để cập nhật tình hình vật cưng.

_____



Chúng ở bên và bảo vệ bạn

Nếu bạn sống một mình trong lúc giãn cách hay thi thoảng bạn nghĩ mình cô đơn, hãy nuôi một chú chó để có thêm bạn đồng hành.

Đặc điểm thường thấy của chó nhà là sự thân thiện và quấn quýt. Chúng sẵn sàng lắng nghe bạn kể về một ngày tồi tệ của mình, thậm chí là vào nửa đêm.

Trong trường hợp bạn cần một vệ sĩ, các giống chó lớn như chó chăn cừu Đức hoặc Rottweiler với sự trung thành và bản năng bảo vệ là sự lựa chọn phù hợp.

Tuy nhiên, những giống này thường có kích thước lớn nên cần không gian sống tương đối rộng rãi.

_____



Bạn cười nhiều hơn

Rời xa chiếc điện thoại và máy tính, chơi với thú cưng là một cách bạn giải trí lành mạnh.

Do đó, bạn nên sắm một số đồ chơi, phụ kiện cho thú cưng để cùng chúng chơi đùa khi ở nhà.

Những chú chó thường yêu thích vận động trong khi mèo hay thích nằm lim dim hoặc chơi đùa với các ngón tay của bạn.

Mỗi vật nuôi đều là những sinh vật sống, có thói quen, tính cách riêng biệt. Quan sát chúng khiến chúng ta có nhiều tiếng cười tốt cho tim mạch và tránh buồn chán, theo Eating Well.

_____



Bạn trở nên có trách nhiệm hơn

Nuôi động vật trong nhà nghĩa là bạn có thêm mối bận tâm. Đặc biệt khi bạn cho chúng ăn, tắm rửa, ngủ nghỉ cùng chúng từ bé đến lớn.

Quá trình chăm sóc và có trách nhiệm với thú cưng sẽ phần nào tạo nền tảng cho bạn sống trách nhiệm hơn trong tương lai, trang PetMD tiết lộ.

Với những gia đình có trẻ em, việc tiếp xúc với thú nuôi còn dạy chúng cách quan tâm người khác.

_____



Vòng tròn xã hội được mở rộng

Insider tiết lộ bạn có thể dùng chủ đề thú cưng để mở đầu mọi cuộc nói chuyện dễ dàng hơn.

Đã bao giờ bạn đi dạo trên đường và có một chú chó chạy lại bạn chưa? Nhiều khả năng chủ của chúng ở ngay phía sau sẽ nhanh chóng mỉm cười với bạn.

Cả chó và mèo đều được xem như chất xúc tác giúp chúng ta dễ có tương tác xã hội và mở rộng mối quan hệ của mình, theo nghiên cứu của Plos.

Trong lần tới họp online tiếp theo, đừng quên hỏi thăm và chia sẻ về vật cưng với đồng nghiệp. Biết đâu bạn sẽ tìm được điểm chung với những người cộng sự của mình.

_____



Đây là thời điểm phù hợp

Nhiều bạn trẻ muốn nuôi thú cưng từ lâu nhưng trì hoãn vì bận rộn suốt ngày. Với những ngày làm việc tại nhà, bạn có thể quyết định thời gian biểu của mình và chủ động hơn trong sinh hoạt.

Hãy tận dụng thời gian này để nghiên cứu, huấn luyện và chuẩn bị cách chăm sóc phù hợp nhất với người bạn mới của mình.

Đến khi trở lại guồng quay bình thường, bạn sẽ ít bỡ ngỡ và chú chó/mèo nhà bạn cũng hợp tác hơn trong các vấn đề ăn uống, vệ sinh.

Thiên Hân

Bạn có thể quan tâm