Một người không muốn yêu đương nghiêm túc xuất phát từ không ít lý do. Ảnh minh họa: Polina Tankilevitch/Pexels. |
Bối rối, bực bội hay thậm chí lôi cuốn một cách khốn khổ là cảm xúc của không ít người khi gặp phải đối tượng hẹn hò thích "mập mờ". Họ thường xuyên ở trong trạng thái nóng lạnh bất thường, khi thì yêu thích mình nhiệt tình, khi thì tỏ ra thờ ơ và xa cách.
Điều này khiến chúng ta khó xác định được liệu họ có thực sự muốn yêu đương nghiêm túc với mình hay không.
Để thấu hiểu nguyên nhân của hành vi này, Psychology Today tổng hợp ý kiến của Katherine Cullen, nhà trị liệu tâm lý Mỹ, giúp mọi người sớm có được đáp án rõ ràng cho mối quan hệ của mình.
Mối quan hệ sẽ khó thành nếu không dựa trên đủ sự tin tưởng từ đôi bên. Ảnh minh họa: Shvets/Pexels. |
Thiếu tin tưởng
Thực tế, không phải ai cũng sẽ tin tưởng đối tượng mình mới gặp ngay lập tức. Đối phương có thể tỏ ra thận trọng và do dự khi yêu đương vì họ từng bị tổn thương trong quá khứ. Khi đôi bên trở nên thân thiết hơn, mọi người có thể đi sâu hơn về điều này.
Theo đó, nếu chúng ta chưa có đủ thời gian để thể hiện bản thân hay từng có hành vi không đáng tin cậy (trễ hẹn, mơ hồ về quá khứ lẫn kế hoạch tương lai), nửa kia gửi những "tín hiệu" yêu đương lẫn lộn có thể hiểu đơn giản là vì họ vẫn chưa thực sự tin tưởng mình.
Nhiều người chọn mập mờ vì không thích ràng buộc. Ảnh minh họa: h ng xuan vien/Pexels. |
Sợ cam kết
Một số người không thực sự mong muốn có một mối quan hệ yêu đương nghiêm túc. Điều này có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn, đối phương coi trọng sự độc lập và tự do hơn.
Một số khác mang tâm lý né tránh và gặp khó khăn trong việc gắn bó tình cảm. Trong khi đó, nhiều người chỉ đơn giản là đang tập trung phát triển sự nghiệp và lo lắng rằng yêu đương sẽ gây ảnh hưởng.
Mọi người cần để ý đến những dấu hiệu nhỏ nhặt nhất để sớm nhận biết được một nửa kia không muốn bị ràng buộc. Họ có thể là kém cởi mở về mặt cảm xúc, thường xuyên do dự khi lập kế hoạch tương lai của cả hai hay không chịu giới thiệu chúng ta với bạn bè, người thân.
Chưa buông bỏ được người yêu cũ cũng là một nguyên nhân khiến đối phương không nâng cấp mối quan hệ. Ảnh minh họa: cottonbro/Pexels. |
Vấn vương tình cũ
Một người chọn yêu đương mập mờ có thể xuất phát từ việc họ vẫn còn nhớ thương người yêu cũ của mình. Thực tế, ngay cả khi họ phủ nhận, vẫn có những dấu hiệu tinh vi để chúng ta xác minh điều này.
Bên cạnh đó, nếu đối phương vừa chia tay và liền tìm đến chúng ta nhưng thường xuyên "thoắt ẩn thoắt hiện", khả năng cao họ chỉ đang lợi dụng mình để lấp chỗ trống mà người yêu cũ để lại. Mọi người cần đề cao cảnh giác trước những trường hợp này để tránh bị tổn thương tình cảm về lâu dài.
Vì quá khứ bị tổn thương, nhiều người khó để mở lòng hơn cho một mối quan hệ mới. Ảnh minh họa: Thiago Matos/Pexels. |
Tổn thương trong quá khứ
Trong một vài trường hợp, người kia chơi trò "nóng lạnh" với chúng ta vì tâm lý gắn bó bất ổn định của họ. Những người này có thể bị lạm dụng từ thời thơ ấu.
Việc này gây ảnh hưởng không nhỏ đến các mối quan hệ và khiến họ sợ bị tổn thương, bỏ rơi, nghĩ mình không xứng đáng được trân trọng mặc dù rất khao khát được yêu thương.
Tâm lý gắn bó này có thể xem là một cơ chế bảo vệ bản thân của đối phương. Tuy nhiên, chính điều này lại khiến họ trở nên khó đoán hơn khi yêu.
Lối hành xử bất ổn của đối phương khi yêu có thể là vì họ không coi trọng sự hiện diện của bạn. Ảnh minh họa: Elliot Ogbeiwi/Pexels. |
Thiếu tôn trọng
Quan tâm, nhắn tin, gọi điện liên tục trong thời gian dài rồi bỗng dưng biến mất và lặp lại vòng tròn này là dấu hiệu rõ ràng cho thấy đối phương không thực sự coi trọng mối quan hệ này.
Một người tỏ ra thiếu tôn trọng khó có mong muốn yêu đương lâu dài. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có quyền bất bình về hành vi của đối phương cũng như đặt ra kỳ vọng về cách bản thân muốn được đối xử.
Nếu họ biến mất ngay cả khi mình đã bày tỏ rõ nguyện vọng, mọi người hãy coi như mình đã tránh được một mối phiền phức lớn về sau.
Nếu không muốn bị "dắt mũi", chúng ta nên đặt ranh giới rõ ràng khi yêu đương. Ảnh minh họa: cottonbro/Pexels. |
Muốn kiểm soát
Một số người yêu đương mập mờ vì muốn tỏ ra là người thống trị trong mối quan hệ. Nguyên nhân của điều này có thể là họ sợ bị bỏ rơi hay thiếu niềm tin sâu sắc trong tình yêu.
Trong một vài trường hợp khác, đối phương muốn nắm kiềm kiểm soát vì tính cách ái kỷ khao khát quyền lực khi yêu.
Họ đạt được ham muốn này bằng cách thường xuyên đặt người còn lại trong trạng thái lửng lơ, khó đoán và thiếu chắc chắn.
Chúng ta khó có thể gắn bó lâu dài với người còn gặp nhiều khó khăn trong xác định bản thân mình là ai. Ảnh minh họa: Run Away/Pexels. |
Thiếu chắc chắn về bản thân
Đôi khi, vì thiếu chắc chắn về bản thân, mọi người hành xử thiếu rõ ràng trong yêu đương. Họ có thể đang trải qua cuộc khủng hoảng về danh tính vì nhiều nguyên nhân như thất nghiệp, tuổi già hoặc đơn giản là còn nghi ngờ về đức tin, tình dục hay sự nghiệp của bản thân.
Chúng ta cần chú ý tới tần suất đối phương tỏ ra không chắc chắn về tương lai, giá trị hoặc mục tiêu của mình. Trong trường hợp này, mọi người cần chuẩn bị tinh thần cho khả năng họ cần thêm thời gian để biết mình là ai và muốn gì trước khi có thể cam kết gắn bó với một mối quan hệ.
Gen Z giúp đẩy doanh số của tiểu thuyết lãng mạn
Cách đây một thập kỷ, nhóm đọc tác phẩm lãng mạn nhiều nhất là phụ nữ 35-54 tuổi. Nhưng trong vài năm qua, độ tuổi đã được mở rộng và trẻ hóa xuống thế hệ Gen Z. Sự thành công của các tác phẩm lãng mạn trong việc chinh phục độc giả này còn được thúc đẩy mạnh mẽ bởi những cộng đồng yêu sách trên mạng xã hội.