71% số người được hỏi cho biết bị bệnh nhân và gia đình họ đối xử tệ bạc. Ảnh: SCMP. |
Trong một bài báo được công bố trên tạp chí y khoa JAMA vào đầu tháng 11, các nhà nghiên cứu chỉ ra trong số những sinh viên y khoa tại Trung Quốc được khảo sát, hơn 84% đã trải qua ít nhất một hình thức ngược đãi trong quá trình học tập.
Theo SCMP, nghiên cứu tập trung vào những sinh viên tốt nghiệp chương trình đại học y khoa 5 năm tại Trung Quốc, phân tích dữ liệu 4 khóa liên tiếp, từ năm 2019 đến năm 2022. Tổng cộng có 94.153 sinh viên y khoa từ 135/202 trường đào tạo ngành y của Trung Quốc tham gia cuộc khảo sát.
Khảo sát cho thấy 71% số người được hỏi cho biết bị bệnh nhân và gia đình họ đối xử tệ bạc. Trong khi đó, 61% cho biết họ phải thực hiện các yêu cầu ngoài công việc của người có cấp bậc cao hơn. Ngoài ra, 25,9% cho biết họ bị làm nhục trước đám đông, trong khi 38,2% cho rằng bản thân bị đối xử bất công và 48,9% cho biết từng bị quấy rối một cách cố ý.
"Bệnh nhân và gia đình của họ được coi là nguồn gây khó chịu phổ biến trong môi trường học tập. Trong khi đó, các bác sĩ cấp cao yêu cầu các sinh viên y khoa hoàn thành các nhiệm vụ không liên quan hoặc vượt quá phạm vi học tập của họ. Mặc dù không lạm dụng bằng lời nói trực tiếp hoặc gây tổn hại về thể chất, nhưng điều này thể hiện sự lạm dụng quyền lực", theo báo cáo.
Một người trả lời khảo sát cho biết các vấn đề với bệnh nhân liên quan đến quấy rối. Không chỉ ở sinh viên nữ, sinh viên nam cũng phải đối mặt với vấn đề này. Trong khi đó, các bác sĩ giám sát có thể yêu cầu sinh viên chạy việc vặt, trông trẻ hoặc chơi thể thao với họ.
"Đôi khi chúng tôi thậm chí còn phải đảm nhận nhiệm vụ khám bệnh ngoại trú, làm gián đoạn thời gian học tập và ảnh hưởng đến việc nghỉ ngơi”, người này cho biết.
Các tác giả nghiên cứu cho biết việc đối xử tệ bạc thường được lý giải là một phần của quá trình đào tạo, nhằm giúp họ trở thành những bác sĩ giỏi hơn. Điều này khiến nhiều sinh viên có xu hướng bỏ qua hoặc không báo cáo những trải nghiệm tiêu cực của mình và của người khác.
Sinh viên bị đối xử tệ bạc có thể tiếp tục thực hiện hành vi đó với những sinh viên và bệnh nhân trong tương lai, tạo thành một vòng luẩn quẩn của sự đối xử tệ bạc.
Các nhà nghiên cứu cho rằng việc giảm thiểu tình trạng này và tạo ra một môi trường hỗ trợ sẽ giúp sinh viên y khoa phát triển hơn trong tương lai.
Tuy nhiên, nghiên cứu vẫn tồn tại một số hạn chế. Các tác giả cho biết việc khảo sát dựa trên trải nghiệm cá nhân có thể dẫn đến một số sai lệch. Ví dụ, định nghĩa về hành vi tiêu cực cấu thành sự ngược đãi có thể khác nhau giữa các sinh viên.
Kết quả nghiên cứu nhận về nhiều quan tâm của dư luận. Tại các diễn đàn mạng xã hội, nhiều người nêu chi tiết những khó khăn mà sinh viên y khoa phải đối mặt trong quá trình đào tạo nội trú, bao gồm việc phải làm nhiều công việc vặt, thiếu cơ hội thực hành kỹ năng và mức lương thấp.
Một số người cho rằng những vấn đề này là hệ quả của việc nhiều bệnh viện ở Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước. Điều này ám chỉ rằng hệ thống y tế công lập có thể tạo ra áp lực và gánh nặng không cần thiết lên sinh viên y khoa, ảnh hưởng đến quá trình đào tạo và phát triển nghề nghiệp của họ.
Sách dành cho thời thanh xuân đã qua của bạn
Dành cho những độc giả muốn hoài niệm về một thời thanh xuân đã qua (hoặc chưa từng qua), mục Giáo dục trân trọng giới thiệu Ai đó chạy cùng ta, câu chuyện về tình yêu, về tuổi trẻ "tuột xích", về hành trình trưởng thành, đặt trong bối cảnh xã hội Israel hiện đại; hay Nắp biển, một lời tự sự của người ưa hoài niệm trong những khoảnh khắc cô đơn chỉ biết nhớ về những điều đã cũ; hoặc thân thuộc hơn, 8 bộ manga nổi tiếng về chủ đề thanh xuân.