Tiêu hết tiền mặt, lại quên mang thẻ ngân hàng, Thắng Phạm hoang mang khi "rỗng ví" tại Singapore. Trong khi đó, Ngọc Uyên mất hết tài sản vì bị cướp giữa đêm.
_____
Với nhiều người trẻ, rơi vào cảnh "rỗng ví" là chuyện nằm ngoài sức tưởng tượng. Tuy nhiên, vì các lý do khác nhau, họ từng một lần trải nghiệm cảm giác không còn tiền để tiêu dùng, xử lý vấn đề cá nhân.
Dù là hậu quả của thói quen xài tiền thiếu tính toán hay do xui xẻo, họ cũng học được bài học đắt giá nhờ sự cố này.
Dưới đây là chia sẻ của 8 bạn trẻ với Zing Lifestyle về một lần "không xu dính túi".
- Công việc hiện tại: Quản lý nhà hàng
- Thu nhập tháng: Khoảng 25 triệu đồng
Mùa hè năm 2017, tôi đến Singapore du lịch một tuần. Vì đã ghé thăm đảo quốc sư tử nhiều lần, tôi không hề lo lắng trong quá trình thu xếp hành lý. Thậm chí, tôi có phần chủ quan, cho rằng thiếu gì cũng có thể mua sau khi đến nơi.
4 ngày đầu tiên, tôi chi tiêu với 1.000 SGD (khoảng 17 triệu đồng) tiền mặt đã chuẩn bị từ trước. Sang ngay mùa giảm giá lớn, tôi sắm sửa nhiều quần áo, giày dép và phụ kiện mà không cần nhìn giá.
Tuy nhiên, mọi thứ bắt đầu căng thẳng vào ngày thứ 5, khi tôi chỉ còn chưa đến 150 SGD (khoảng 2,5 triệu đồng) trong người.
Sau bữa ăn, tôi dùng hết tiền mặt và chuyển sang thanh toán bằng thẻ visa. Lúc này, tôi phát hiện ví chỉ có tiền và các loại giấy tờ tùy thân. Cả giờ đồng hồ sau đó, tôi tìm thẻ trong cơn hoảng loạn, từ đường phố về đến khách sạn nhưng không có kết quả.
Khủng hoảng bao trùm khi tôi bỗng rơi vào cảnh túng quẫn, không có bạn bè cũng như người quen ở xứ người. Phải đến khi gọi về thông báo cho phụ huynh, tôi mới biết mình bỏ quên ví đựng thẻ (card holder) ở nhà từ đầu.
Trước khi người nhà gửi tiền “cứu trợ”, tôi phải tìm đủ cách xoay xở với khoản phí ít ỏi còn lại. Chẳng hạn, tôi nhờ bộ phận lễ tân khách sạn hoàn 50% tiền đặt cọc, không sử dụng dịch vụ dọn phòng. Thậm chí, tôi phải đặt đồ ăn qua app để tiết kiệm 5 SGD (khoảng hơn 80.000 đồng). Sau sự cố này, tôi tích hợp thẻ vào điện thoại để phòng tránh mọi bất trắc về chi tiêu, dù đi đến bất kỳ đâu.
- Công việc hiện tại: Kinh doanh tự do
Đầu năm 2019, tôi tập tành bán giày dép online. Nhận thấy mình chưa đủ lực để kinh doanh độc lập, tôi rủ thêm một người bạn để hùn hạp.
Bạn tôi đã buôn hàng trên mạng được vài năm nên có nguồn vốn tốt cùng nhiều nguồn hàng giá phải chăng. Quen biết cũng lâu, tôi càng tin tưởng và thường giao bạn phụ trách khoản nhập sản phẩm.
6 tháng đầu, tình hình khá ổn định. Chúng tôi có lãi tốt, hoàn vốn nhanh và thu hút được nhóm khách trung thành. Do đó, tôi quyết định “rót” 20 triệu đồng cho đợt hàng mới, dù đây là số tiền duy nhất còn lại trong tài khoản sau khi xử lý một số việc gia đình.
Tuy nhiên, tôi nhanh chóng rơi vào tuyệt vọng khi bạn làm ăn ôm tiền trốn mất. Hóa ra, từ khi nhận lời làm ăn, cô ấy đã mang một khoản nợ lên đến vài trăm triệu đồng.
Không riêng gì tôi, nhiều bạn hàng khác của người này cũng rơi vào cảnh khốn đốn vì bị lừa. Trước khi tìm ra kẻ lừa đảo, tôi sống khá chật vật, phải bán tháo hàng tồn để kiếm vài đồng sống qua ngày.
- Công việc hiện tại: Kinh doanh tự do
- Thu nhập hàng tháng: 20 triệu đồng
Năm 2020, tôi bị cướp tấn công trên đường trong một đêm vắng.
Kẻ xấu giật đi túi xách có điện thoại, laptop và bóp. Quá hoảng hốt và bất ngờ, tôi chỉ biết khóc òa lên vì chẳng biết làm gì. Số tiền mặt bị mất không đáng kể, nhưng tôi mất cả điện thoại để liên lạc và laptop để làm việc.
Hôm sau, tôi liên hệ ngân hàng rút toàn bộ số tiền có trong thẻ, khoảng 7 triệu đồng. Số tiền này vẫn chưa đủ để tôi mua lại dụng cụ làm việc, liên lạc. Vì sợ bố mẹ ở quê lo lắng, tôi giấu kín sự cố này.
Để giải quyết vấn đề, tôi phải đi vay nhiều bạn bè, cố gắng gom thêm 10 triệu đồng để đủ mua máy tính. Ngoài ra, tôi mượn lại chiếc smartphone cũ của bạn để sử dụng.
Đó là khoảng thời gian tồi tệ nhất trong đời tôi, vừa mất hết tiền, vừa phải vay mượn để mua sắm lại nhiều thứ, chưa kể còn khoản chi phí sinh hoạt đắt đỏ tại thành phố.
- Công việc hiện tại: Thiết kế đồ họa
- Thu nhập hàng tháng: Khoảng 20 triệu đồng
Tới giờ, tôi vẫn chưa quên được trải nghiệm cuộc sống rỗng ví trong 2 tuần. Lần đó, tôi rơi vào u uất vì chia tay người yêu và gặp rắc rối trong công việc.
Khi trạng thái bất ổn lên đến đỉnh điểm, tôi bấm thanh toán toàn bộ giỏ hàng trên sàn thương mại điện tử, vốn đang chứa gần 30 sản phẩm công nghệ và quần áo.
Sau cú click đó, tôi “bay mất” gần 13 triệu đồng. Khoảnh khắc nhận thông báo số dư chỉ còn khoảng 20.000 đồng, tôi mới tỉnh táo và rơi vào hoang mang. Những ngày tiếp theo, tôi cầm cự bằng mọi loại thực phẩm có thể tìm được trong nhà, xin làm việc remote để hạn chế mọi khoản chi cho xăng xe, gặp gỡ đồng nghiệp.
Gắng gượng đến ngày thứ 11, tôi không chịu được thêm nên đành xin người nhà “cứu trợ”. Từ đó, tôi luôn có một khoản tiền nhỏ cho mục đích dự phòng, cũng như nghiêm khắc hơn với bản thân trong mọi quyết định chi tiêu.
- Công việc hiện tại: Chuyên viên marketing
- Thu nhập hàng tháng: 22 triệu đồng
Cuối 2020, tôi du học về nước và chuyển vào TP.HCM sinh sống.
25 tuổi, tôi chỉ mới là một chuyên viên marketing cho một công ty với mức lương 11 triệu đồng/tháng.
Vì muốn ở thoải mái, riêng tư tôi thuê hẳn một căn phòng studio giá 6 triệu đồng, quá 50% thu nhập của tôi. 5 triệu đồng còn lại, tôi tiêu sạch trong 1 tháng và luôn rơi vào trạng thái túng thiếu đủ đường.
Vay mượn gia đình, bạn bè là giải pháp duy nhất trong tình huống này. Song, không phải lúc nào mọi người cũng sẵn tiền hỗ trợ tôi.
Tôi không bao giờ quên được khoảnh khắc mình phải cố nhịn qua một buổi tối, không ăn gì vì ví rỗng hoàn toàn, cố nhẫn nhịn để đợi đến sáng hôm sau, ngày công ty trả lương.
- Công việc hiện tại: Trợ lý giám đốc
- Thu nhập hàng tháng: Khoảng 17 triệu đồng
Năm 2019, tôi yêu một người lớn hơn mình 4 tuổi. Anh không có việc làm ổn định nên tôi thường xuyên phụ giúp các khoản sinh hoạt phí.
Dần dần, anh dường như cảm thấy đó là nghĩa vụ của tôi và đòi hỏi nhiều hơn, từ quần áo đến phụ kiện đắt tiền. Dù tình hình tài chính cá nhân không mấy dư dả, tôi vẫn mềm lòng “chu cấp” vì nghĩ như vậy mới là tình yêu.
Lần đó, tôi vừa lãnh lương thì anh xin hỗ trợ gấp 12 triệu để bù lỗ kinh doanh online. Thực tế, con số này gần bằng một tháng thu nhập của tôi khi đó. Chưa kể, nếu cho bạn trai mượn, tôi xác định phải về “ăn bám” bố mẹ 1-2 tháng, hoặc nương nhờ bạn bè vì chẳng có khoản tiết kiệm nào xoay xở.
Tuy nhiên, chẳng hiểu vì sao tôi vẫn quyết định chuyển đủ tiền cho anh và hối hận lập tức. Gia đình cũng bất ngờ và tức giận khi biết con rơi vào cảnh “không xu dính túi”, dù có việc làm ổn định.
Cảm thấy cuộc sống tệ đi vì những hành động mù quáng vì yêu, tôi giữ khoảng cách, tránh mặt anh thường xuyên và đi đến chia tay sau hơn 1 tháng.
- Công việc hiện tại: Nhân viên hành chính
- Thu nhập hàng tháng: 15 triệu đồng
Tôi sống cùng gia đình ở TP.HCM nên không áp lực nhiều về vấn đề tài chính. Mỗi tháng, tôi chỉ cần gửi mẹ 2 triệu đồng xem như phụ tiền chợ, điện, nước.
Thời điểm mới đi làm, lương tôi khoảng 8 triệu đồng/tháng. Không tốn chi phí sinh hoạt, tôi cố tiết kiệm nhiều để ấp ủ kế hoạch kinh doanh riêng.
Sau 6 tháng, tôi và bạn hùn vốn mỗi người 20 triệu đồng để mở cửa hàng thời trang thiết kế online.
Tính toán không kỹ lưỡng, chúng tôi sử dụng hết 40 triệu góp vào cho các công đoạn mua vải, đặt cọc xưởng, lên rập, làm bao bì, đến cuối lại thiếu tiền cho công đoạn quảng cáo.
Lúc đó, tôi chỉ còn đúng 10 triệu đồng trong tài khoản. Song, toàn bộ số tiền này buộc dùng để chạy quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội, cũng như thuê người seeding các sản phẩm.
Tháng đầu bán hàng, chúng tôi không có khách, số tiền đầu tư chưa thể thu hồi được ngay. Tình huống này khiến tôi rơi vào tình trạng rỗng ví kéo dài cả tháng sau đó và phải “sống nhờ" vào gia đình.
- Công việc hiện tại: Nhân viên tổ chức sự kiện
- Thu nhập hàng tháng: Khoảng 18 triệu đồng
Tháng 2/2022, tôi nghỉ làm tại công ty cũ sau một thời gian dài cống hiến. Quá mệt mỏi, tôi quyết định cho bản thân một ít thời gian nghỉ ngơi. Lúc đó, tôi tiết kiệm được một khoản nhỏ để đề phòng rủi ro.
Suốt thời gian không đi làm, tôi du lịch khắp nơi, ăn uống, gặp bạn bè nhiều lần. Đáng nói, tôi chẳng để ý tới việc tài khoản đang vơi dần với tốc độ chóng mặt. Được 1,5 tháng, tôi bắt đầu phải dùng đến số tiền tích lũy của mình.
Khoản tích cóp đó cũng chỉ giúp tôi trụ thêm được vài tháng. Đến khi túi tiền cạn kiệt, tôi rải CV khắp nơi nhưng không được tuyển dụng. Thời điểm đó, tôi đã phải bán đi AirPod, quần áo hiệu, đồ độ xe… để gom được đúng 5 triệu đồng, cố xoay xở thêm để tìm việc.
Trong hơn 200 năm qua, mặc dù trải qua nhiều thăng trầm, thị trường chứng khoán vẫn là nơi tốt nhất để các nhà đầu tư dài hạn xây dựng sự sung túc. Nhưng để thành công trong mảng này, cần hiểu rõ các quy luật của thị trường, hiểu các mùa hoạt động của nó. Câu hỏi lớn nhất về tài chính trong tâm trí tất cả chúng ta ngày nay là gì? Theo kinh nghiệm của tác giả Anthony Robbins trong cuốn Đầu tư thông minh, chúng ta đều đang tìm kiếm câu trả lời cho cùng một vấn đề: “Tôi nên đặt tiền của mình vào đâu?”.