1. Giữ bình tĩnh: Theo trang Parents, cách bạn phản ứng với con cái trong những lúc chúng cư xử không đúng chính là bài học đầu tiên mà con bạn học được về cách giải quyết xung đột. Khi trẻ em cố tình chọc tức cha mẹ, thật khó để giữ bình tĩnh. Tuy nhiên, việc đáp trả bằng những lời nói nóng giận chỉ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Hãy cố gắng giữ bình tĩnh và tìm cách giải quyết vấn đề một cách hòa bình. Hãy nhớ rằng, bạn là người lớn và bạn có trách nhiệm kiểm soát cảm xúc của mình để làm gương cho trẻ. Ảnh: Freepik. |
2. Thiết lập hành vi mong đợi: Cha mẹ cần nói rõ ràng với con cái về những hành vi được chấp nhận và không được chấp nhận. Ví dụ, việc nói những câu trống không như "Không thích", "Đừng nói nữa" với thái độ thách thức là không tôn trọng. Hãy dùng những từ ngữ đơn giản, dễ hiểu để trẻ nắm bắt được những gì cha mẹ mong đợi, ví dụ như "Con không được nói như vậy". Điều tương tự cũng áp dụng cho các hành vi như lườm nguýt, bặm môi... Có thể, bạn sẽ mất một thời gian để trẻ thực sự hiểu những gì bạn mong đợi, vì vậy, hãy cho con một vài cơ hội để sửa chữa hành vi xấu. Ảnh: Pexels. |
3. Thực thi hậu quả: Nếu bỏ qua những lần con cãi lời, trẻ sẽ nghĩ rằng hành vi đó là chấp nhận được và có thể lặp lại nhiều hơn. Vì vậy, cha mẹ cần kiên quyết và nhất quán trong việc xử lý tình huống này. Tuy nhiên, thay vì hình phạt thể xác, hãy áp dụng những hậu quả rõ ràng và trực tiếp để trẻ hiểu rằng hành động của mình sẽ dẫn đến kết quả nào. Ví dụ, nếu trẻ cãi lời, chúng có thể bị mất một quyền lợi nào đó như không được xem tivi. Điều quan trọng là phải giải thích cho trẻ hiểu lý do tại sao chúng phải chịu hậu quả này. Ảnh: Freepik. |
4. Tìm hiểu nguyên nhân: Cãi lời thường xuất hiện nhiều hơn trong những giai đoạn trẻ trải qua nhiều thay đổi, chẳng hạn khi có em bé mới, dậy thì hoặc khi trẻ gặp khó khăn ở trường. Lúc này, trẻ có thể cảm thấy bất an và việc cãi lời là cách chúng thể hiện sự khó chịu của mình. Việc nhận ra những thay đổi trong cuộc sống của trẻ sẽ giúp cha mẹ hiểu rõ hơn về hành vi của con và giải quyết vấn đề. Ảnh: Freepik. |
5. Cho phép con bày tỏ ý kiến: Khi trẻ em bày tỏ quan điểm của mình về bất cứ điều gì, từ bữa ăn đến hoạt động gia đình, chúng đang thực hiện đúng điều mình nên làm. Cha mẹ nên tạo không gian để trẻ em thể hiện cảm xúc của mình, đồng thời yêu cầu mọi người trong gia đình đối xử với nhau một cách tôn trọng. Trẻ em cần biết rằng chúng an toàn khi bày tỏ ý kiến của mình và cha mẹ lắng nghe những suy nghĩ và cảm xúc của chúng. Từ đó, trẻ sẽ học được cách tương tác với mọi người với sự tử tế, cố gắng để nói chuyện một cách bình tĩnh và tôn trọng. Ảnh: Freepik. |
6. Nói về những gì con thấy hoặc nghe được: Nhiều chương trình truyền hình hay phim ảnh miêu tả trẻ em cãi lời người lớn và thể hiện thái độ châm biếm và xấc xược. Cha mẹ có lẽ đã theo dõi chặt chẽ các loại hình giải trí mà con tiêu thụ. Tuy nhiên, một cách để giảm thiểu khả năng chúng lặp lại việc cãi lời mà chúng thấy trên TV, trên mạng hay nghe được là nói về những gì chúng đang xem. Hãy thảo luận việc tại sao con nghĩ rằng trẻ em nói chuyện như vậy và tại sao điều đó là không được phép trong gia đình. Ảnh: Freepik. |
7. Khen ngợi hành vi tốt: Mọi người đều thích được đánh giá cao, kể cả trẻ em. Khi con giao tiếp đúng cách, hãy khen thưởng hành vi của trẻ. Trẻ em nhận được sự động viên tích cực thường ít có hành động nhằm thu hút sự chú ý. Cha mẹ có thể sử dụng các cách như đưa ra lời khen cụ thể và mô tả hành vi đó là đúng, thể hiện tình cảm với con, có thể cung cấp phần thưởng nhỏ hoặc có đặc quyền khi cư xử đúng. Ảnh: Pexels. |
8. Chậm lại: Cuối cùng, cha mẹ hãy nhớ rằng cãi lời là một phần tự nhiên trong quá trình trưởng thành của trẻ. Khi trẻ lớn lên, chúng trở nên độc lập và tự chủ hơn, và việc cãi lời cũng là một biểu hiện của sự phát triển này. Dù có thể gây bực mình, nhưng cha mẹ cần nhớ rằng trẻ cãi lời không phải vì cha mẹ đã làm sai hay vì chúng không tôn trọng hoặc yêu thương cha mẹ. Nói chuyện với trẻ một cách bình tĩnh nhưng vẫn đủ cứng rắn khi chúng đang trải qua những cảm xúc mạnh mẽ không chỉ giúp trẻ học cách điều chỉnh cảm xúc, mà còn tốt cho sự phát triển não bộ của chúng. Ảnh: Pexels. |
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.