Phát tích từ Tây Sơn, dưới sự lãnh đạo tài tình của vua Quang Trung, hào kiệt vùng đất Bình Định, từ những giang hồ mãi võ, trở thành danh tướng lừng lẫy trên chiến trường. Họ đã lập chiến công ra Bắc vào Nam, đánh Đông dẹp Bắc.
Tây Sơn thất hổ tướng gồm những ai?
Trong hàng ngũ võ tướng Tây Sơn, nổi bật là “Tây Sơn thất hổ tướng” - những người chỉ cần nghe tên đủ khiến kẻ thù khiếp sợ.
Đó là Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu, Võ Đình Tú, Lý Văn Bưu, Nguyễn Văn Tuyết, Nguyễn Văn Lộc và Lê Văn Hưng.
Ai là hổ tướng đứng đầu nhà Tây Sơn?
Theo sách Nhà Tây Sơn, Võ Văn Dũng là người đứng đầu trong “Tây Sơn thất hổ tướng”. Ông từng giữ chức Tư đồ - một trong những trụ cột quan trọng nhất của triều đình.
Dưới thời Quang Trung, ông vào Nam diệt quân Xiêm, ra Bắc đánh quân Thanh. Võ Văn Dũng là đại tướng quân, đánh đồn Khương Thượng vào tết Kỷ Dậu năm 1789.
Sau khi vua Quang Trung lên ngôi, Vũ Văn Dũng được phong là tư khấu, rồi tới đô đốc, tư đồ và đỉnh cao là được phong tước Chiêu Viễn Đại đô đốc Đại tướng quân Dực vận Công thần Vũ Quốc công.
Cảnh quân Tây Sơn trên đường ra Bắc đại phá quân Thanh trích từ phim lịch sử. |
“Thiết côn vô địch” là danh hiệu của tướng nào?
“Thiết côn vô địch” là danh hiệu mà nữ Đô đốc Bùi Thị Xuân phong tặng cho hổ tướng Võ Đình Tú (?-1799).
Sinh ra ở thôn Phú Phong, huyện Tuy Viễn, tỉnh Bình Định, lúc 10 tuổi, Võ Đình Tú được một nhà sư đưa đi, truyền thụ võ công cho. 10 năm sau, ông trở về với vóc dáng của võ nhân, nổi tiếng với những đường côn “ma thuật”.
Sau khi gia nhập nghĩa quân Tây Sơn, ông được Nguyễn Huệ yêu mến, phong là Đại Tổng lý. Nữ tướng Bùi Thị Xuân mến tài đã thêu lá cờ có 4 chữ vàng “thiết côn vô địch” tặng ông.
Kỳ Nam cung là binh khí huyền thoại của ai?
Kỳ Nam cung là vũ khí của hổ tướng Lý Văn Bưu. Ông xuất thân trong gia đình giàu có, chuyên nghề buôn ngựa ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.
Lý Văn Bưu nổi tiếng với khả năng huấn luyện ngựa và tài bắn cung “trăm phát trăm trúng”.
Cây Kỳ Nam cung có cấu trúc đặc biệt, chỗ tay cầm được tháp gỗ quý Kỳ Nam, treo trong phòng, hương trầm thơm ngát. Theo một số tài liệu lịch sử, mỗi khi xông trận, hương trầm làm tăng nội lực, giúp Lý Văn Bưu bắn trúng đích.
Kỳ Nam cung đã giúp Lý Văn Bưu lập được nhiều chiến công trên chiến trường, thắng Xiêm (1785), đánh bại quân Thanh (1789).
Tên cây đao huyền thoại của Trần Quang Diệu?
Huỳnh Long đao là quà mà sư phụ Diệp Đình Tòng tặng cho danh tướng Trần Quang Diệu trước khi qua đời. Cùng với Ô Long đao của Quang Trung - Nguyễn Huệ, Xích Long đao của Lê Sỹ Hoàng, nó tạo thành “tam thần đao” nổi tiếng nhà Tây Sơn.
Sinh thời, cây Huỳnh Long đao đã cùng Thái phó Trần Quang Diệu lập những chiến công hiển hách.
Tướng duy nhất nào có vợ là đô đốc nhà Tây Sơn?
Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân là cặp vợ chồng nổi tiếng sử Việt. Trong khi Trần Quang Diệu đi từ anh hùng thời loạn đến vị thái phó lừng danh của vương triều Tây Sơn, Bùi Thị Xuân chính là một trong "Tây Sơn ngũ Phụng thư", nữ đô đốc duy nhất, chỉ huy đội quân voi nổi tiếng.
Vợ chồng Trần Quang Diệu đã đi suốt hành trình của nhà Tây Sơn, vào sinh ra tử, lập biết bao chiến công, như chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút (1785), chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789).
Không chỉ giỏi võ công, Bùi Thị Xuân và Trần Quang Diệu còn có tình yêu chung thủy son sắt. Phút cuối cuộc đời, người phụ nữ tài sắc vẹn toàn đã quyết định ở lại cùng chồng sống chết, tuyệt đối không bỏ chạy khi bị quân nhà Nguyễn truy đuổi.
Vị tướng nào để lại bài võ Lôi Long đao ngày nay?
Võ Văn Dũng vốn người thôn Phú Phong, huyện Tuy Viễn, tỉnh Bình Định. Năm 20 tuổi, ông gặp được võ sư họ Lương, vốn dòng dõi Lương Văn Chánh ở Tuy Hòa, xin làm đệ tử. Từ đây, võ công và danh tiếng của ông nổi lên nhanh chóng.
Khi gia nhập quân Tây Sơn, Võ Văn Dũng được cho là "quán quân / bách chiến khởi Tây thùy", nghĩa là tiếng tăm Võ Văn Dũng trùm khắp ba quân / trăm trận đánh nổi lên từ bờ cõi phương tây.
Nguyễn Nhạc từng ca ngợi ông: "Phá giặc ở trong núi thì dễ. Thắng được cây đao của Võ Văn Dũng mới khó".
Vốn là cao thủ võ học, am hiểu về đao pháp, đương thời, Võ Văn Dũng nổi tiếng với cây Lôi long đao tung hoành trên chiến trường.
Hiện nay, bài võ Lôi long đao do ông nghiên cứu, biên soạn, vẫn được lưu truyền trong dân gian. Nó đã được đưa vào chương trình 18 bài võ cổ truyền Việt Nam.
Ai làm thơ than khóc khi vua Quang Trung qua đời?
Biết tin vua Quang Trung qua đời, Võ Văn Dũng đau lòng, làm bài thơ than khóc vua, trong đó có hai câu cuối: "Trời để vua ta thêm chục tuổi / Anh hào Đường, Tống hết khoa hùng".
Khi nhà Tây Sơn sụp đổ, Võ Văn Dũng về quê, lẩn tránh ở các làng người dân tộc vùng cao. Một số sách sử chép rằng ông đón hai con của vua Thái Đức Nguyễn Nhạc là Văn Đức, Văn Lương và cháu nội là Văn Đẩu về nuôi, tính chuyện khôi phục nhà Tây Sơn. Tuy nhiên, năm Minh Mạng thứ 12 (1832), ba chú cháu Văn Đức bị hại.
Võ Văn Dũng đau buồn sinh bệnh, mất năm Tân Sửu 1841 (sử nhà Nguyễn chép ông bị vua Gia Long bắt và giết hại).