Để giữ hòa khí trên bàn tiệc dịp lễ Tết, bạn cần tránh một số mẫu câu sau. Ảnh minh họa: Cottonbro Studio/Pexels. |
Khi gặp lại các thành viên gia đình, họ hàng dịp lễ Tết, bạn luôn nghĩ đến những mẫu câu hỏi thăm, khen ngợi thông thường. Tuy nhiên, các câu nói này có thể động chạm đến vấn đề riêng tư, khiến đối phương khó chịu.
Để giữ hòa khí trong mùa lễ hội, bạn nên tránh những tình huống khó xử, dễ gây tranh cãi. Dưới đây, Real Simple đã tổng hợp một số mẫu câu không nên nhắc đến trên bàn tiệc Tết Âm lịch.
‘Bạn nên…’
Từ “nên” thể hiện sự thúc ép, áp đặt của người nói đối với người nghe. Tiến sĩ tâm lý Paul Hokemeyer (New York, Mỹ) cho biết mẫu câu này khiến đối phương cảm thấy bạn đang thất vọng và phán xét họ.
Chúng ta thường dễ dàng đánh giá người xung quanh thay vì đặt bản thân vào tình huống, vị trí của họ. Khi định khuyên nhủ, ngăn cấm ai đó, bạn cần thấu hiểu và thông cảm cho họ trước.
‘Bạn thấy sao về việc…?’
Chủ đề chính trị, thể thao, đời sống xã hội thường xuyên được bàn luận xung quanh bàn tiệc dịp lễ Tết. Tuy nhiên, đây cũng là những vấn đề dễ gây mâu thuẫn, tranh luận nhất.
Nếu không muốn cuộc trò chuyện trở nên căng thẳng, bạn cần tránh hỏi ý kiến gia đình, họ hàng về một vấn đề nóng. Những quan điểm trái chiều có thể gây ra sự bất đồng không mong muốn.
‘Món ngon nhất mà tôi từng ăn là…’
Mâm cỗ, bữa ăn ngày lễ thường được chuẩn bị kỹ lưỡng bởi gia chủ. Mọi lời khen, chê của bạn đều ảnh hưởng trực tiếp đến tâm trạng, cảm xúc của người vào bếp.
Diane Gottsman, tác giả cuốn sách Modern Etiquette for a Better Life (Tạm dịch: “Nghi thức cho cuộc sống hiện đại”), cho biết lễ hội không phải dịp thích hợp để so sánh, nhận xét về các món ăn. Bạn nên tận hưởng mâm cỗ ngày Tết và trân trọng công sức của người thực hiện.
Bạn cần tránh chê bai những món ăn được chuẩn bị cầu kỳ trên bàn tiệc ngày lễ. Ảnh minh họa: Angela Roma/Pexels. |
‘Bạn đã nghe chuyện…?’
Những người vắng mặt trong một buổi gặp gỡ có thể trở thành chủ đề bàn tán của các thành viên khác trong gia đình. Câu chuyện về đời sống cá nhân của họ thường được truyền tai, “tam sao thất bản”.
Mẫu câu gợi mở này dễ dàng biến một cuộc đối thoại thông thường thành buổi nói xấu, chỉ trích một vài cá nhân. Việc đàm tiếu sau lưng ai đó không chỉ khiến họ tổn thương mà còn làm mất không khí lễ hội vui vẻ.
‘Bạn trông…’
Những lời nhận xét về ngoại hình được lặp đi lặp lại nhiều lần mỗi dịp lễ Tết. Đây là câu nói mở đầu nhiều cuộc trò chuyện.
Tuy nhiên, không ai muốn nhận những lời đánh giá về cân nặng, tỷ lệ cơ thể, màu da, mái tóc khi đang tận hưởng kỳ nghỉ lễ bên người thân, bạn bè.
‘Bạn có biết…?’
Nếu đối phương chưa biết đến sự việc bạn nhắc tới, họ sẽ dễ dàng cảm thấy lạc lõng. Những người này có thể cho rằng gia đình, bạn bè đã bàn tán về một vấn đề sau lưng họ.
Để tránh tình huống trớ trêu này, bạn không nên đặt câu hỏi trực tiếp. Nếu đã trót đưa ra câu hỏi, bạn nên khẳng định không ai có ý định giấu giếm hay cố tình đàm tiếu khi họ vắng mặt.
‘Nếu chúng ta làm khác đi thì…’
Sự hối hận và nuối tiếc khiến cuộc sống trở nên tiêu cực. Thay vì nói về những sự kiện không thể thay đổi trong quá khứ, bạn nên thể hiện thái độ tích cực, lạc quan hơn trong dịp đầu năm.
Mỗi trải nghiệm dù tốt hay xấu đều mang lại cho chúng ta bài học. Rút kinh nghiệm và thay đổi trong tương lai là điều cần thiết.
‘Bạn có nhớ lúc mà…’
Đây là mẫu câu mang tính chất trình bày, kể lể. Việc khơi gợi ký ức không vui trong quá khứ khiến nhiều người cảm thấy khó chịu, bực bội.
Bạn có thể bảo vệ cảm xúc của những người thân yêu bằng việc tránh nhắc đến sai lầm, sự việc đáng xấu hổ đã xảy ra. Năm mới là cơ hội để cải thiện và phát triển.
Những kỷ niệm không vui trong quá khứ không nên được đề cập dịp lễ Tết. Ảnh minh họa: Cottonbro Studio/Pexels. |