Theo cáo buộc của VKSND Hà Nội, từ năm 2016 đến năm 2020, Nguyễn Thị Nguyệt giữ vai trò chủ mưu, cùng chồng là Phạm Anh Tuấn (ở quận Tây Hồ) và 11 bị can đã cấu kết hợp thức các hồ sơ tạm nhập tái xuất, nhiều lần vận chuyển trái phép tổng số tiền 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài.
10 cá nhân là chủ các doanh nghiệp, cửa hàng vàng bạc tại Hà Nội và TP.HCM được xác định là những đối tác đã giao tiền cho Nguyễn Thị Nguyệt để chuyển trái phép qua biên giới.
Để thực hiện các vụ chuyển tiền, vợ chồng Nguyệt mượn chứng minh nhân dân của những người thân thành lập 8 công ty, lấy pháp nhân phục vụ mục đích phạm pháp. Những doanh nghiệp này do các bị can là người thân, họ hàng của Nguyệt đứng tên giám đốc.
Cơ quan tố tụng làm rõ 8 công ty trên không hoạt động. Tuy nhiên, Nguyệt và đồng phạm đã sử dụng các pháp nhân này ký nhiều hợp đồng kinh tế khống.
Sau đó, họ mua hàng hóa là IC điện thoại thông minh của các công ty tại Singapore rồi xuất bán cho nhiều đối tác tại Trung Quốc theo hình thức tạm nhập tái xuất. Mục đích là để có tờ khai hải quan rồi từ đó, các bị can lập hồ sơ chuyển tiền trái phép ra nước ngoài và hưởng lợi 0,1% trên mỗi giao dịch.
Tang vật một vụ chuyển tiền trái phép qua biên giới bị Công an Lạng Sơn thu giữ. |
Trong 13 bị can, Nguyễn Văn Thắng (em trai của Nguyệt) bị cáo buộc là người nhận chỉ đạo từ bà trùm để mua lô linh kiện điện tử (IC) từ Trung Quốc với giá 200 triệu đồng rồi đóng gói thành 12 thùng hàng. Lô hàng này sau đó được sử dụng quay vòng nhiều lần khi kê khai thủ tục hải quan.
Ngoài ra, bà trùm Nguyệt thuê Vũ Thị Thư (nhân viên Công ty PGS Việt Nam, bạn học của Nguyệt) vận chuyển các kiện hàng điện tử từ Việt Nam sang Singapore rồi chuyển ngược hàng về Việt Nam với giá từ 42 triệu đến 47 triệu đồng.
Đối với quy trình hợp thức các hợp đồng tạm nhập tái xuất, Nguyệt chỉ đạo Nguyễn Thị Hà lập nhiều hợp đồng khống, giả mạo chữ ký, sử dụng con dấu của 9 công ty nước ngoài. Sau đó, các hồ sơ giả này được chuyển cho Thắng mở tờ khai hải quan online, vận đơn và làm thủ tục nhập khẩu.
Cuối cùng, sau khi có đủ hồ sơ tạm nhập tái xuất hàng hóa, vợ chồng Nguyệt trực tiếp nhận tiền từ các đối tác, thỏa thuận về tỷ giá quy đổi ngoại tệ và tiền công trước khi chuyển tiền trái phép qua biên giới.
VKSND xác định thông qua 8 công ty "ma" cùng 3 doanh nghiệp và được sự hỗ trợ từ nhân viên một số ngân hàng, Nguyễn Thị Nguyệt đã tuồn trót lọt hơn 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài. Trong vụ án, nữ bị can này hưởng lợi gần 30,5 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, bị can Nguyệt khai số tiền hưởng lợi đã được chi trả cho hoạt động của các công ty, mua hàng, vận chuyển hàng hóa và chi tiêu cá nhân hết.
Hiện nay, cơ quan chức năng đã thu giữ 5 sổ tiết kiệm tại Agribank, 2 sổ đỏ bất động sản ở Hà Nội, 4.000 USD và nhiều tài liệu khác khi khám xét đối với Nguyễn Thị Nguyệt. Bên cạnh đó, gia đình bị can Nguyệt cũng nộp 1,5 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
Danh sách 13 bị can của vụ án
Nguyễn Thị Nguyệt (37 tuổi), Phạm Anh Tuấn (38 tuổi), Nguyễn Văn Thắng (37 tuổi), Nguyễn Thị Nga (34 tuổi), Nguyễn Thị Hà (43 tuổi), Nguyễn Văn Thực (43 tuổi), Nguyễn Minh Khang (27 tuổi), Phạm Việt Hùng (21 tuổi), Nguyễn Thị Thúy (48 tuổi). Tất cả cùng ở quận Tây Hồ, Hà Nội.
Nguyễn Văn Việt (24 tuổi), Nguyễn Xuân Tươi (53 tuổi, cùng quê Hải Dương); Phạm Hữu Thuật (41 tuổi, ở Quảng Ninh), Phạm Hồng Hạo (55 tuổi, quê Hà Nam).