1. Trẻ hung hãn, hay cắn người: Trẻ trở nên bạo lực là điều dễ hiểu, cho thấy não bộ đang phát triển. Trong quá trình hình thành kỹ năng suy luận và tư duy logic, con có thể cắn người, gây hấn, ném đồ vào người khác khi họ cố hôn chúng. Ở độ tuổi này, trẻ không đủ khả năng kiểm soát hành vi. Cha mẹ nên làm mẫu để trẻ học theo và dần có cách cư xử phù hợp. |
2. Tâm trạng thất thường, dễ kích động: Thỉnh thoảng, trẻ la hét nhưng sự việc không quá nghiêm trọng. Nhiều khi phụ huynh chỉ cần đổi cốc mà con đang dùng từ màu hồng sang màu xanh để giải quyết vấn đề. Nhưng họ cần hiểu khi cảm xúc trở nên phức tạp, trẻ không đủ khả năng đối phó. Một sự thất vọng nhỏ cũng có thể khiến con bực bội. Lúc này, người lớn nên bình tĩnh, để trẻ biểu hiện cảm xúc, đồng thời giúp con hiểu hành xử như vậy không đúng và hướng dẫn con cách thể hiện cảm xúc. |
3. Từ chối thực hiện mọi việc: Việc từ chối đi giày, ngồi vào ôtô, đeo ba lô hay mặc quần áo cho thấy con mệt mỏi khi bị yêu cầu làm việc này việc kia. Lúc này, chúng cần được nghỉ ngơi, thư giãn. Khi con có biểu hiện như vậy, phụ huynh cần hiểu trẻ đang quá sức và nên hạn chế lôi kéo chúng ra ngoài hay đăng ký hàng loạt lớp học thêm. |
4. Chạy vòng tròn, đánh nhau, rượt đuổi người khác: Trẻ không muốn ngồi yên một chỗ mà chạy vòng tròn quanh bố mẹ, đánh nhau với người khác thường xuyên vì chúng cần có thêm hoạt động thể chất. Biểu hiện này nhắc nhở cha mẹ nên dẫn con đi chơi, chạy nhảy, kết bạn với những bạn khác. Khi thấy con có biểu hiện như vậy, phụ huynh nên kiểm tra lại thời gian biểu. Con có thể còn quá nhiều thời gian rảnh và không biết dành vào việc gì. Tổ chức buổi chơi chung với con nhà khác sẽ giúp chúng giải quyết tình trạng này. |
5. Buồn chán, phá hỏng đồ chơi: Trẻ có thể phá hỏng đồ chơi hoặc chơi theo phong cách thô bạo, thậm chí không hứng thú với đồ chơi mới. Nó cho thấy trẻ cảm thấy chán nản khi ở nhà, muốn ra ngoài đi dạo, nô đùa hay đơn giản chỉ cần phụ huynh ôm ấp. Cha mẹ nên tổ chức hoạt động khác nhưng đừng tự quyết định mọi việc. Ví dụ, họ có thể tự ngồi vẽ vời linh tinh. Nếu con thích, chúng sẽ tự tham gia. |
6. Từ chối mọi thứ: Trẻ có thể từ chối ăn uống, đánh răng, thay đồ ngủ. Chúng chỉ không muốn hợp tác với bố mẹ trong mọi việc. Hành vi này là dấu hiệu của việc trẻ muốn tự kiểm soát tình huống. Lúc này, phụ huynh không nên dùng quyền lực áp chế con mà nên đưa ra hai lựa chọn. Ví dụ, họ có thể đề nghị con dọn phòng ngay lập tức hoặc dọn phòng sau khi ra ngoài đi dạo. |
7. Nói dối và gian lận: Trẻ có thể nói dối hoặc phóng đại sự việc, câu chuyện. Nếu việc này xảy ra thường xuyên, phụ huynh đừng phớt lờ. Nó là một trong những dấu hiệu cho thấy con sợ hãi điều gì đó, như phản ứng của cha mẹ khi biết sự thật. Trong trường hợp này, cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân con nói dối, thể hiện thái độ họ đánh giá cao việc trẻ cư xử thành thật hơn. |
8. Đánh người khác: Trẻ học cách kiểm soát các cảm xúc mạnh khi thấy giận dữ hay quá sức chịu đựng. Trong khi đó, kỹ năng thích nghi và giao tiếp chưa phát triển trước năm 5 tuổi. Vì thế, con có thể đánh người khác khi quá lo âu, tức giận. Lối hành xử này cũng có thể chịu ảnh hưởng từ người lớn xung quanh. Vì vậy, nếu thấy con lạm dụng bạo lực, phụ huynh cần nhìn lại bản thân và xem xét những người gần gũi với trẻ, xem có ai hay cư xử hung bạo không. |