8 thủy đài lớn nằm rải rác trên địa bàn TP HCM bỏ hoang đã hàng chục năm nay do thiết kế không phù hợp với tiêu chuẩn. Nhiều chiếc bị xuống cấp, ẩn chứa nguy hiểm cho người dân.
|
Một trong những thủy đài bỏ không nằm rải rác ở trên địa bàn các quận của TP HCM. Thủy đài này cao gần 30 m, được xây dựng trước 1975 để điều áp nước từ nhà máy nước Thủ Đức cho các khu vực xa, đến nay đã bỏ hoang.
|
|
Những thủy đài có kết cấu bê tông cốt thép với dung tích 1.200 m3 đến 8.500 m3, xây dựng trong thời gian từ năm 1965 - 1969. Trong ảnh: Thuỷ đài hình nấm nằm trong khuôn viên Xí nghiệp Truyền dẫn nước sạch tại đường 3/2, quận 10.
|
|
Còn đây là thủy đài nằm giữa hai toà nhà cao tầng trên đường Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận. Phía dưới là kho vật tư của Công ty CP Cấp nước Gia Định. |
|
Thủy đài trên đường Phạm Phú Thứ, quận 6. |
|
Thuỷ đài trên đường Nguyễn Văn Đậu, quận Bình Thạnh. |
|
Thủy đài gần tại ngã tư Hoàng Diệu - Nguyễn Tất Thành, quận 4.
|
|
Thuỷ đài đứng án ngữ khuôn viên Nhà văn hoá quận 5.
|
|
Thuỷ đài nằm tại góc đường Lê Đại Hành - 3/2, quận 11. Các bể chứa nước này có hình dáng tương tự nhau. |
|
Riêng thuỷ đài hình nấm nằm tại hẻm 198 đường Nguyễn Thái Sơn, phường 4, quận Gò Vấp có thiết kế trụ và bể chứa nước nhỏ hơn với dung tích 1.200 m3. |
|
Những khối bê tông hình nấm này cao bằng hoặc hơn một toà nhà 5 tầng và án ngữ nhiều khu vực nửa thế kỷ nay. |
|
Theo Sawaco, từ năm 2009, cơ quan này đã thuê đơn vị có thẩm quyền kiểm tra kết cấu. Kết quả cho thấy các thủy đài đều bị tình trạng bị thấm nước gây ẩm tạo rêu, bong vữa... |
|
Hiện 8 thủy đài không sử dụng được do thiết kế không phù hợp với tiêu chuẩn. |
|
Cầu thang bằng sắt từ chân lên tháp của các thuỷ đài này đều đã hư hỏng, rỉ sét, có nguy cơ rơi xuống, nguy hiểm cho người dân xung quanh.
|
|
Hệ thống ống sắt điều áp nước, van đóng mở nhiều cái còn nằm nguyên trong khuôn viên. Theo thiết kế, thủy đài được xây dựng để điều áp nguồn nước. Buổi tối, khi người dân ít sử dụng sẽ dư ra lượng nước lớn. Phần nước đó sẽ tự động bơm lên các thủy đài. Còn ban ngày dùng nhiều, thủy đài sẽ tự động mở van để bơm nước trở lại vào mạng lưới cung cấp. |
|
Tuy nhiên, khi xây dựng xong các thủy đài này, nó đã không được đưa vào vận hành bởi bị cho là rò rỉ nước khi thử nghiệm. Công tác khắc phục kéo dài đến năm 1975 vẫn chưa hoàn thành. Sau khi tiếp quản, việc sửa chữa đã được chính quyền TP HCM xem xét tới nhưng không thực hiện được và bỏ hoang đến nay. |
|
Nhiều ngôi nhà nằm ngay dưới chân những khối bê tông này. Ông Lê Duy Linh (61 tuổi) sống bên tháp nước khổng lồ trên đường Phạm Phú Thứ, quận 6 đã 30 năm nay cho biết, những thuỷ đài này được xây dựng với kết cấu rất chắc chắn. Tuy nhiên, theo kỹ sư cấp nước đã nghỉ hưu này, việc tồn tại những thủy đài bỏ hoang đang làm mất mỹ quan đô thị. "Nên phá bỏ hoặc thay đổi công năng", ông mong muốn. |
|
Ngoài 8 chiếc hình nấm khổng lồ còn có 6 thủy đài nhỏ, sức chứa 50 m3 đến 150 m3 phục vụ việc cấp nước cho các chung cư nhỏ lẻ trên địa bàn thành phố. Trong ảnh: Thuỷ đài trên đại bàn quận 8 cao chót vót.
|
|
Riêng thủy đài bên đường Tô Ký, phường Trung Mỹ Tây, quận 12 xuống cấp trầm trọng nhất. Nhiều mảng bê tông bể nước và trụ bị nứt, lòi gỉ sắt, có khả năng gây nguy hiểm cho người dân sinh sống xung quanh. |
Vừa qua, Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) đã đề xuất UBND TP HCM phương án tháo dỡ 8 thủy đài hình nấm bỏ hoang trên địa bàn thành phố. Dự kiến, công trình này sẽ được chuyển đổi thành các bể chứa trung gian, trạm bơm tăng áp, trạm châm bổ sung hóa chất clo cho mạng lưới cấp nước.
Trong 8 thủy đài được đề xuất tháo dỡ, Sawaco kiến nghị UBND TP HCM giữ lại một thủy đài hình nấm để làm di tích truyền thống cấp nước. Đối với thủy đài được giữ lại, Sawaco cho biết sẽ thực hiện các phương án phục hồi cải tạo nhằm đảm bảo an toàn.